Hé lộ về dự án trực thăng quân sự 2 tỷ USD của Nhật Bản

Minh Đức |

(Soha.vn)- Nhật Bản đang đàm phán với các nhà sản xuất trực thăng hàng đầu TG về một hợp đồng trị giá 2 tỷ USD nhằm phát triển trực thăng vận tải cho quân đội và bán ra nước ngoài.

Reuters cho biết các cuộc đàm phán đã được tiến hành trong hơn hai tháng qua, đại diện cho một cột mốc quan trọng trong nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe để khuyến khích ngành công nghiệp xuất khẩu quân sự trong nước đồng thời làm giảm chi phí mua sắm quốc phòng của Nhật Bản trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Tokyo và thái độ ngày càng ngang ngược của Trung Quốc.

Dự án trực thăng vận tải mới được gọi là UH-X dự kiến sẽ thay thế cho khoảng 150 chiếc trực thăng UH-1 Huey đã già cỗi trong biên chế lực lượng trực thăng chở quân của Nhật Bản.

Nhật Bản sẽ chi tới 2 tỷ USD trong chương trình thay thế 150 chiếc trực thăng vận tải già nua UH-1 Huey.
Nhật Bản sẽ chi tới 2 tỷ USD trong chương trình thay thế 150 chiếc trực thăng vận tải già nua UH-1 Huey.

Bằng cách tạo ra một thị trường ngoài Nhật Bản cho dự án trực thăng UH-X, các quan chức hy vọng sẽ giảm chi phí cho mỗi đơn vị trực thăng cho Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, đây là một phần của nỗ lực nhằm bắt kịp với quy mô phát triển quân sự của Trung Quốc.

Một nguồn tin giấu tên tiết lộ “mục đích chính là để giảm chi phí”. Nguồn tin cho hay, Chính phủ Nhật Bản đã gửi thông tin mời thầu từ hai tháng nay. Các quan chức hy vọng sẽ nhanh chóng đi đến giai đoạn tiếp theo, khi đó các nhà thầu quốc phòng sẽ trình đề xuất chi tiết, bao gồm cả vấn đề chi phí.

Nhật Bản và Trung Quốc đang sa lầy trong một cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Những căng thẳng tiếp tục gia tăng khi mới đây, Nhật Bản cáo buộc máy bay của Trung Quốc đã bay chỉ cách vài chục mét so với máy bay chiến đấu của Nhật Bản.

Theo theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, trong vòng 20 năm qua tính đến năm 2012, Nhật Bản là quốc gia có mức chi tiêu quốc phòng đứng thứ 6 thế giới. Trung Quốc đã nhảy từ vị trí thứ 7 lên vị trí thứ 2 sau khi họ gia tăng chi tiêu quốc phòng gấp 5 lần so với cùng kỳ.

Chương trình trực thăng mới không chỉ cung cấp cho lực lượng phòng vệ Nhật Bản mà còn hướng đến thị trường xuất khẩu để  giảm chi phí.
Chương trình trực thăng mới không chỉ cung cấp cho lực lượng phòng vệ Nhật Bản mà còn hướng đến thị trường xuất khẩu để giảm chi phí.

Năm ngoái, chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ gia tăng chi tiêu quốc phòng thêm 3% trong vòng 5 năm tới. Với chi tiêu hạn chế đó, các nhà hoạch định chiến lược quốc phòng Nhật Bản đã chuyển sang tìm cách tăng hiệu quả của các chương trình chi tiêu quốc phòng để đối phó với Trung Quốc.

Các nhà phân tích nhận xét, lực lượng vũ trang Nhật Bản thường phải trả cao hơn từ 2-3 lần cho thiết bị quân sự so với các nước khác vì các nhà thầu quốc phòng bị giới hạn số lượng chế tạo lô nhỏ cho Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF).

Do đó, bán trực thăng mới ở nước ngoài sẽ giảm được chi phí cho mỗi đơn vị bằng cách mở rộng các cơ sở sản xuất. Sự tham gia của các công ty nước ngoài sẽ giúp trang trải chi phí trong quá trình phát triển. Trong một động thái liên quan, Nhật Bản đang có kế hoạch tạo ra một cơ quan mua sắm vũ khí để sắp xếp các khoản chi tiêu hợp lý nhất giữa các lực lượng không quân, hải quân, lục quân và thúc đẩy xuất khẩu quân sự.

Những đề xuất cho dự án trực thăng mới

Các hãng trực thăng nước ngoài đang tham gia vào dự án là Airbus, Bell và AugustaWestland.

Một nguồn tin trao đổi với Reuters rằng, tập đoàn Kawasaki Heavy Industries (Nhật Bản) và Airbus Helicopters (đã hợp tác cùng nhau trong dự án trực thăng vận tải đa tiện ích BK117 thực hiện chuyến bay đầu tiên cách đây 35 năm) sẽ cung cấp một thiết kế mới cho dự án UH-X.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã trao hợp đồng dự án UH-X cho Kawasaki Heavy Industries vào năm 2012 nhưng hợp đồng đã bị hủy bỏ vào tháng 03/2013 sau khi hai nhân viên cấp cao của SDF thừa nhận rằng họ đã giúp công ty này giành được hợp đồng bằng cách tiết lộ thông tin quá trình đấu thầu.

Bell Helicopters và Fuji Heavy Industries đang đề xuất một mẫu trực thăng dựa trên mẫu trực thăng đa tiện ích Bell 412, biến thể quân sự của nó đã được sử dụng ở các nước khác nhau như Anh, Colombia, Ghanna và Thái Lan. Trong khi đó, AgustaWestland giới thiệu mẫu trực thăng vận tải 10 chỗ ngồi AW-169 hai động cơ. Nguyên mẫu của nó đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2012.

AgustaWestland sẽ sử dụng Mitsui như là đối tác của mình tại Nhật Bản, công ty đã trao đổi với chính phủ Nhật Bản sẽ sử dụng Fuji Heavy để lắp ráp các trực thăng theo giấy phép. Một quan hệ đối tác lớn khác giữa Sikorsky Aircraft thuộc United Technologies Corp và nhà thầu quốc phòng lớn nhất Nhật Bản Mitsubishi Heavy Industries đã bày tỏ sự quan tâm đến dự án UH-X. Tuy nhiên, họ chưa phản hồi yêu cầu thông tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản.

Trực thăng UH-1 Huey của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại