Hàn Quốc, Nhật, Mỹ lo Triều Tiên chế tạo bom hạt nhân

Theo VOV |

Việc Triều Tiên phóng thành công vệ tinh và vụ thử hạt nhân mới đây làm dấy lên lo ngại nước này có thể chế tạo bom hạt nhân.

Ngày 15/2, Tổng thống sắp mãn nhiệm của Hàn Quốc, Lee Myung-bak tuyên bố, Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình hạt nhân. Trong khi đó, Nhật Bản tuyên bố có quyền đánh phủ đầu bất kỳ một cuộc tấn công nào sắp xảy ra do môi trường an ninh đang thay đổi. Còn Mỹ cũng buộc phải tăng cường khả năng phòng thủ trước mối đe dọa của tên lửa Triều Tiên.

Một người dân đang theo dõi trên truyền hình địa điểm được cho là nơi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân (Ảnh: Fox News)

Trong bối cảnh Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tiếp tục thảo luận về cách thức trừng phạt Triều Tiên liên quan đến vụ thử hạt nhân mới nhất của nước này hôm 12/2, Tổng thống Hàn Quốc, Lee Myung-bak,  phát biểu trong một cuộc họp có nhiều quan chức cấp cao Hàn Quốc, cho rằng: "Không thể làm cho Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân thông qua đàm phán và đối thoại".

Ông Lee Myung-bak là người có lập trường cứng rắn đối với CHDCND Triều Tiên, và sẽ rời chức vụ Tổng thống Hàn Quốc trong 10 ngày tới. Tân tổng thống Hàn Quốc, Park Geun-hye, là người chủ trương đẩy mạnh sự chủ động giao tiếp với Triều Tiên.

Trong diễn biến khác có liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Itsunori Onodera tuyên bố, Tokyo có quyền đánh phủ đầu bất kỳ một cuộc tấn công nào sắp xảy ra, do môi trường an ninh đang thay đổi. Ông Onodera khẳng định: "Khi một ý định tấn công Nhật Bản trở nên rõ ràng và sắp xảy ra, luật pháp cho phép chúng tôi đánh phủ đầu các mục tiêu của kẻ thù nếu không còn lựa chọn nào khác. Tuy nhiên, chúng tôi hiện chưa có kế hoạch làm điều đó vào lúc này".

Bình luận của ông Onodera được hiểu là do tình hình chính trị trong nước và đường lối ngoại giao hướng đến hòa bình mà Nhật Bản đang thực thi. Bên cạnh đó, việc Nhật Bản muốn phát triển năng lực đánh phủ đầu để ứng phó chương trình hạt nhân của Triều Tiên, có thể khiến Trung Quốc và Hàn Quốc lo lắng. Hai nước láng giềng này từng có phản ứng mạnh trước ý định trên của Tokyo trong thời gian trước đây.

Trong khi đó, Mỹ cũng đang tăng cường khả năng phòng thủ  trước mối đe dọa của tên lửa Triều Tiên. Nước này đã thử nghiệm thành công hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis, đánh chặn được một tên lửa trên bầu trời Thái Bình Dương, gần quần đảo Hawaii hôm 13/2 (giờ địa phương).

Phát biểu với truyền thông Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Leon Panetta nói: "Nước Mỹ có một hệ thống phòng thủ tên lửa đủ vững mạnh để ứng phó với các tình huống khiêu khích. Chúng ta đã được chứng kiến Triều Tiên làm những gì trong thời gian qua. Họ là mối đe dọa thực sự đối với nước Mỹ. Bởi vậy, chúng ta buộc phải chuẩn bị để đối phó với điều đó".

Mỹ hiện có khoảng 30 tên lửa đánh chặn tầm xa đặt trên đất liền, hầu hết là ở Alaska. Những tên lửa đánh chặn này được phát triển dưới thời Tổng thống George W Bush để đối phó với chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Việc Nhật Bản và Mỹ có thái độ đề phòng xuất phát từ một nguồn thông tin cho rằng Triều Tiên đang nâng cấp 1 trong 2 địa điểm phóng tên lửa chính của nước này. Mục đích có thể là nhằm thử nghiệm những tên lửa có kích thước lớn hơn.

Ông Siegfried Hecker, chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên, trường Đại học Stanford, phân tích: "Triều Tiên đã có tiến triển lớn trong việc xây dựng một bệ phóng mới và các cơ sở khác ở địa điểm thử tên lửa Tonghae nằm trên bờ biển phía Đông Bắc kể từ tháng 10/2012. Nó giúp họ có thêm tự tin trong việc thực hiện các kế hoạch đầy tham vọng khác. Và điều đó khiến Mỹ sẽ luôn phải có một thái độ thận trọng khi đánh giá về những nguy cơ có thể xảy ra trong không gian thuộc nước Mỹ".

Việc Triều Tiên phóng thành công một vệ tinh hồi tháng 12/2012 và vụ thử hạt nhân mới đây làm dấy lên những lo ngại rằng nước này đang tiến gần tới mục tiêu chế tạo một quả bom hạt nhân đủ nhỏ, có thể gắn vào tên lửa liên lục địa./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại