Hai tàu Molniya mới bàn giao được trang bị pháo AK-176M nâng cấp

Ly Vy |

Theo những bức ảnh đã công bố, hai tàu tên lửa Molniya mang số hiệu 379, 380 được trang bị loại pháo AK-176M nâng cấp cực kỳ hiện đại.

Chiều ngày 2/6, Tổng công ty Ba Son đã tổ chức lễ bàn giao 2 tàu tên lửa M3, M4 số hiệu 379, 380 cho Quân chủng Hải quân.

Hai tàu trên được khởi công vào tháng 10/2011 và nghiệm thu kỹ thuật bắn đạn thật thành công vào tháng 4/2015.

Đây là 2 trong tổng số 6 tàu tên lửa cao tốc Molniya 1241.8 được đóng tại Việt Nam theo giấy phép của Nga. Trước đó, cặp tàu M1, M2 số hiệu 377, 378 đã được bàn giao cho Vùng 2 Hải quân vào tháng 6/2014, cặp tàu M5, M6 dự kiến sẽ bàn giao vào giữa năm 2016.

Những hình ảnh công bố đã cho thấy, ngoài thông số kỹ thuật tương tự như các tàu thuộc đề án 1241.8 khác hiện đang có trong biên chế Hải quân Việt Nam thì cặp tàu 379, 380 đã được trang bị vũ khí hiện đại hơn, đó là pháo hạm AK-176M nâng cấp.

Pháo hạm AK-176
Pháo hạm AK-176

Mẫu pháo hạm AK-176 do Viện Burevestnik thiết kế vào năm 1971, nhằm trang bị trên tàu chiến để chống lại các mục tiêu trên không, trên biển, cũng như hỗ trợ hỏa lực cho các đơn vị đổ bộ.

Toàn bộ pháo có khối lượng 16.800 kg; chiều cao 2,6 m; cỡ nòng 76,2 mm; chiều dài nòng 4.496 mm; sơ tốc đạn 980 m/s; tốc độ bắn tối đa 120 phát/phút; cơ số đạn mang theo 152 quả.

Tầm bắn của pháo với một số mục tiêu như sau: mục tiêu bay 11,6 km; mục tiêu trên mặt nước và trên đất liền 15,7 km; tầm bắn đạn đạo 16 km.

Trong thử nghiệm, pháo AK-176 đã tỏ rõ hiệu quả khi bắn rơi 1 tên lửa chống tăng AT-2 đóng giả tên lửa hành trình Tomahawk sau 25 phát đạn.

AK-176 được điều khiển bằng radar kiểm soát hỏa lực MR-123-02 hoặc loại hiện đại hơn như 5P-10-03E Laska. Biến thể AK-176M có thể được điều khiển thông qua hệ thống quang tuyến và đo xa laser gắn kết hợp trên radar kiểm soát hỏa lực.

Ngoài ra khi cần thiết, AK-176 còn được điều khiển bằng tay thông qua hệ thống kính ngắm quang học gắn kèm pháo.

Vậy pháo AK-176M lắp đặt trên 2 tàu Molniya số hiệu 379, 380 có gì khác biệt?

Pháo AK-176M trên tàu Molnya mà Hải quân Nhân dân Việt Nam vừa tiếp nhận. Ảnh: Tuổi trẻ.

Pháo AK-176M trên tàu Molniya mà Hải quân Việt Nam vừa tiếp nhận. Ảnh: Tuổi trẻ.

Vị trí khoanh đỏ ở trên cho thấy pháo AK-176M mới được lắp đặt một thiết bị quang điện tử thay cho vị trí kính ngắm Kondensor 221A bán tự động trên các khẩu pháo AK-176 và AK-176M đời trước. Vị trí 2 ô kính ngắm cơ học cũng được loại bỏ.

Hình ảnh pháo AK-176M đời trước với vị trí trong vòng tròn đỏ là kính ngắm Kondensor 221A bán tự động, vị trí 2 vòng tròn đen là 2 ô kính ngắm thủ công có miếng bảo vệ.

Hình ảnh pháo AK-176M đời trước với vị trí trong vòng tròn đỏ là kính ngắm Kondensor 221A bán tự động, vòng tròn đen là 2 ô kính ngắm thủ công có miếng bảo vệ.

Qua một số thay đổi như trên, có thể thấy rằng pháo AK-176M mới, ngoài sử dụng radar thì khi cần thiết nó còn dùng chính hệ thống quang điện tử của mình để nhắm bắn.

Việc có hệ thống quang điện tử riêng sẽ ưu việt hơn rất nhiều so với kính ngắm Kondensor 221A, đó là độ chính xác cao hơn.

Hệ thống quang điện tử còn kết hợp đo xa laser giúp pháo lựa chọn phát bắn tối ưu, khả năng bám bắt mục tiêu tốt, có thể bắn trong điều kiện ban đêm.

Với việc loại bỏ cả 2 ô kính ngắm thủ công thì rất có thể loại pháo AK-176M này sẽ không có người điều khiển ở bên trong pháo, việc tác xạ khi không sử dụng radar sẽ thông qua hệ thống điều khiển từ xa đặt bên trong tàu.

Điều này giúp khắc phục hạn chế của phương pháp cũ chủ yếu dùng sức người để quay góc pháo cũng như dễ gặp nguy hiểm khi tác chiến do lớp bảo vệ của pháo khá mỏng.

Mẫu pháo AK-176M kiểu mới này hiện chỉ thấy lắp đặt trên 2 tàu 379, 380 cũng như tàu 275 (tàu pháo TT-400TP) và chưa có bất kỳ nước nào sở hữu ngoài Việt Nam.

Rất có thể chúng ta là quốc gia đầu tiên đưa vào trang bị loại pháo hạm cực kỳ hiện đại này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại