Hôm 4/11, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) và tờ Chosun Ilbo (Hàn Quốc) đồng loạt đưa tin trung tuần tháng 10, hai tàu hải quân của Triều Tiên bị chìm trong các cuộc tập trận trên biển Hoa Đông khiến hàng chục thủy thủ thiệt mạng.
Thậm chí, KCNA còn cho đăng tải hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới thăm khu nghĩa trang tưởng niệm khoảng 15 - 30 thủy thủ tử nạn trong vụ đắm tàu này.
Theo giáo sư Yang Moo-Jin thuộc Đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul, việc Bình Nhưỡng công khai thông tin về vụ tai nạn mang tính nhạy cảm trước công chúng lần này là một điều bất thường. “Ông Kim đang tận dụng thảm kịch trong chiến dịch giành sự trung thành từ phía người dân và binh sĩ”, ông Yang chia sẻ.
Giới truyền thông cho biết hai tàu hải quân bị đắm gồm tàu săn ngầm lớp Hainan số hiệu No.233 trọng tải 375 tấn, dài 60 m và một tàu tuần tra trọng tải khoảng 100 – 200 tấn. Trong đó, tàu săn ngầm lớp Hainan bị đắm tại Triều Tiên do Trung Quốc sản xuất. Từ thập niên 60 tới giữa thập niên 80, Trung Quốc đã sản xuất khoảng 126 chiếc tàu loại này.
Theo Viện tư vấn an ninh và quốc phòng IHS Jane, 26 tàu săn ngầm lớp Hainan đã được Trung Quốc biến đổi thành phiên bản xuất khẩu sang Bangladesh, Ai Cập, Myanmar, Pakistan và Triều Tiên.
Bình Nhưỡng đã tiếp nhận 3 tàu Hainan từ năm 1975 – 1978. Ban đầu, Hainan được thiết kế cho các nhiệm vụ chống tàu ngầm gần bờ biển song nó đã được tận dụng tham gia sứ mệnh thăm dò, rải mìn và cứu hộ bờ biển.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) về sự cân bằng lực lượng trên thế giới năm 2013 “The Military Balance 2013”, trước khi xảy ra vụ đắm tàu hồi tháng 10, Hải quân Triều Tiên vẫn duy trì hoạt động của 6 tàu Hainan.
Mặc dù, KCNA thông báo rõ rằng tàu săn ngầm số hiệu No.233 là chiếc tàu bị đắm trên Biển Hoa Đông song phân tích của quân đội Hàn Quốc khẳng định thông tin trên không chính xác.
Theo danh sách đội tàu của IHS Jane, không một tàu săn ngầm lớp Hainan nào của Triều Tiên mang số hiệu No.233. Do đó, câu hỏi đặt ra liệu giới tình báo quân sự Hàn Quốc và các chuyên gia hải quân quốc tế có thể xác minh những thông tin thiếu tính nhất quán mà Triều Tiên công bố.
Ngoài ra, nguồn thông tin xung quanh chiếc tàu tuần tra trọng tải khoảng 100 – 200 tấn bị đắm cũng không được rõ ràng bởi hiện nay, Triều Tiên đang nắm trong tay một lượng lớn các loại tàu quân sự.
Giới truyền thông nhận định khả năng chiếc tàu tuần tra bị chìm hồi tháng 10 chỉ có thể nằm trong danh mục 3 loại tàu sau: tàu Thượng Hải II trọng tải 130 tấn do Trung Quốc sản xuất được đưa tới Triều Tiên từ năm 1967 – 1975; tàu lớp Chong-Ju 150 tấn được quân đội Triều Tiên đưa vào biên chế trong những năm 1990; và tàu SO-1 trọng tải 190 tấn của Nga được lắp ráp vào năm 1957.
Theo các chuyên gia, nhiều khả năng con tàu thứ hai của Triều Tiên bị đắm chính là tàu SO-1 bởi tuổi thọ đã cao và thực tế, nó là loại tàu chính được Bình Nhưỡng điều động tới khu vực Biển Hoa Đông.
Tính trung bình, hạm đội gồm 700 – 800 tàu chiến của Triều Tiên đã có tuổi thọ từ 30 – 50 năm và phạm vi hoạt động chỉ giới hạn cách bờ không quá 50 dặm (80 km).
Do địa hình bao vây là biển và không có cơ hội trao đổi với các hạm đội phương Đông và phương Tây, Bình Nhưỡng hoàn toàn bị giới hạn về khả năng sẵn sàng triển khai lực lượng quy mô chiến lược và dài hạn. Ngoài ra, phần lớn các tàu tuần tra của Bình Nhưỡng chỉ được hoạt động quanh Đường giới hạn phía Bắc (NLL) – vùng tranh chấp giữa Triều Tiên – Hàn Quốc trên biển Hoàng Hải.
Địa hình trên biển Hoàng Hải với đường bờ biển gồ ghề và nước nông phù hợp với những tàu tuần tra cỡ nhỏ, di chuyển nhanh của Triều Tiên. Trong khi đó, biển Hoa Đông lại thích hợp với việc triển khai hạm đội tàu ngầm cỡ lớn của Triều Tiên. Điển hình, trong những năm 1990, Triều Tiên đã nhiều lần xuất hiện gần lãnh hải Hàn Quốc và xảy ra đụng độ với đội tàu của Hàn Quốc tại thị trấn Gangneung năm 1996 và tàu Sokcho năm 1998.
Mặc dù, không trực tiếp tham gia chiến đấu, các tàu tuần tra lại đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ các đường bờ biển – nơi những tranh chấp chủ quyền lãnh hải trên biển Hoàng Hải, đang trở thành thách thức ngày càng lớn với Triều Tiên.
Do đó, việc mất đi hai tàu hải quân trong các cuộc tập trận hồi tháng 10 không có nghĩa là năng lực hải quân của quốc gia cô lập đang sụt giảm nhanh chóng. Nhưng một điều chắc chắn, Triều Tiên sẽ mất thêm nhiều tàu chiến nếu quốc gia này tiếp tục tăng cường các cuộc tập trận nhằm chuẩn bị cho sứ mệnh chiến đấu.
Bởi thực tế, các tàu tuần tra của Triều Tiên không có năng lực chiến đấu. Khi đối mặt với lực lượng hải quân Hàn Quốc, tàu Triều Tiên sẽ nhanh chóng bị tấn công, gây thiệt hại nặng nề và xấu nhất là bị đánh chìm xuống đáy biển.
Tuy nhiên, lực lượng tàu ngầm của Triều Tiên lại đang mở ra một trang sử mới với sự kiện đánh chìm tàu hộ tống Cheonan của Hàn Quốc hồi đầu năm 2010.
Theo IHS Jane, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên hiện đang nắm trong tay khoảng 40 tàu ngầm lớp Sang-O tầm trung được sản xuất từ năm 1995 – 2003 và 20 tàu lớp Romeo cỡ lớn ra đời giữa năm 1976 – 1995.
Ngoài ra, kể từ những năm 1990, Bình Nhưỡng cũng cho khai thác các tàu ngầm cỡ nhỏ lớp Yono và dự trữ 20 tàu ngầm cỡ nhỏ lớp Yugo đã lỗi thời. Tính tổng thể, hạm đội tàu ngầm khá hiện đại của Triều Tiên rơi vào khoảng 70 – 90 chiếc, và trở thành hạm đội tàu ngầm lớn nhất thế giới.
Không chỉ sở hữu lực lượng tàu chiến đông đảo, các lực lượng vũ trang Triều tiên còn có tới 1,2 triệu quân nhân. Thậm chí, Bình Nhưỡng còn đang tập trung phát triển các chương trình tên lửa đạn đạo, làm giàu uranium, mở rộng các lực lượng đặc nhiệm và tăng cường phòng tuyến pháo binh.
Song sự kiện chìm 2 tàu hải quân sẽ buộc Bình Nhưỡng tiến hành công tác hiện đại hóa lực lượng hải quân đặc biệt khi so sánh với hải quân Hàn Quốc. Mới đây, Hàn Quốc đã cho ra mắt 3 tàu khu trục Aegis trị giá 3 tỷ USD và lên kế hoạch sản xuất thêm 3 chiếc nữa.