Hải quân nước nào dẫn đầu Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương?

Thay vì sắp xếp thứ tự lực lượng hải quân của các nước tiếp giáp với Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương bằng cách đưa ra những con số thống kê mệt mỏi, có thể đánh giá tiềm lực của họ theo những khả năng có thể giúp họ thực hiện được những nhiệm vụ mà lãnh đạo của họ đã đặt ra trước những lực lượng này để đạt được những mục tiêu chiến thuật và chiến lược.

Trên cơ sở của quan điểm này, GS James R. Holmes tại Trường Hải quân  thuộc  Đại  học Georgia  (Mỹ) đã trình bày trên tạp chí Nhật Bản The Diplomat những đánh giá của ông về lực lượng hải quân đang được coi là mạnh nhất trong khu vực tiếp xúc với Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Vốn là một cựu sĩ quan hải quân từng tham gia chiến đấu, GS James R. Holmes hiện nay chuyên về nghiên cứu và giảng dạy các kiến thức quân sự trong thời hiện đại.

Trên cơ sở nghiên cứu của mình, GS James R. Holmes đã vẽ nên bức tranh tổng quát về 5 lực lượng hải quân mà ông cho là đang dẫn đầu ở khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Theo GS James R.  Holmes, vị trí thứ nhất thuộc về hải quân Hàn Quốc.

Trong lúc hoạt động của các  hạm đội Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản luôn được chú mục theo dõi thì Seoul đã lặng lẽ và chậm rãi xây dựng nên được một lực lượng hải quân hoàn toàn có đủ khả năng đạt tới những mục tiêu có thể coi là tương đối khiêm tốn mà ban lãnh  đạo chính trị quốc gia đã đặt ra.

Hải quân Hàn Quốc.

Trong những nhiệm vụ này có việc phòng vệ trước những nguy cơ tấn công có thể xảy đến từ nước láng giềng ở khu vực biên giới biển và ngăn chặn kịp thời những quả tên lửa có thể được phóng tới từ các đối thủ tiềm tàng… Hải quân Hàn Quốc hoàn toàn có thể tự hào với nhóm tàu khu trục với hệ thống chỉ huy Aegis cùng các máy bay lên thẳng cũng như hàng loạt những tàu chiến rất tối tân và hiện đại khác.

Một lực lượng hùng hậu và đa dạng như thế về tàu chiến cho phép hải quân Hàn Quốc có thể ngang ngửa tham gia các cuộc tập trận chung với hải quân Mỹ  và các hạm đội tiên tiến khác. Theo đánh giá của GS James R. Holmes, ở thời điểm hiện nay, hải quân Hàn Quốc có những khả năng tốt nhất để thực hiện những nhiệm vụ mà họ sẽ phải đối mặt.

Hải quân Nhật Bản được GS James R. Holmes xếp ở vị trí thứ hai về năng lực hành động. Cũng giống như trong trường hợp của Hàn Quốc, hải quân ở đất nước Mặt trời mọc tuy không đông về số lượng nhưng lại được trang bị vũ khí khí tài rất tốt. Tokyo hiện có các tàu khu trục mang tên lửa được điều khiển từ xa với hệ thống Aegis, các máy bay lên thẳng gọn nhẹ cũng như những đơn vị tàu ngầm tinh hoa chạy diezel.

Hải quân Nhật Bản.

Ngoài ra, Nhật Bản còn có ưu thế nữa là ở chỗ, hải quân của họ tác chiến trong sự phối hợp rất chặt chẽ với các hạm đội Mỹ. Muốn nói gì thì nói cũng phải công nhận rằng, quá trình hợp tác quân sự lâu năm giữa hai siêu cường kinh tế này đã giúp cho hải quân Nhật có thêm nhiều kỹ năng tác chiến tốt.

Theo GS James R.  Holmes, lẽ ra hải quân Nhật Bản đã được xếp ở vị trí đầu bảng tại châu Á về khả năng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu nếu như Tokyo không tự hạn chế các chi phí quân sự ở mức 1% GDP. Chính vì kinh phí bị hạn chế, lại ở thời điểm môi trường địa chính trị tại khu vực đông bắc Á đang có dấu hiệu ngày một trở nên căng thẳng hơn, nên đã phần nào hạn chế quy mô và tham vọng phát triển của hải quân Nhật Bản.

GS James R. Holmes cho rằng, Tokyo nên lựa chọn mức chi phí quân sự là 3% GDP thì sẽ hợp lý hơn trong giai đoạn hiện nay. Chưa rõ trong tương lai, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe có đưa ra một quyết định nào đó theo hướng này không.

Hải quân Mỹ.

GS James R. Holmes cho rằng, hải quân Mỹ hiển nhiên vẫn tiếp tục là tiên tiến nhất và hùng hậu nhất về tiềm lực tàu chiến và máy bay ở trên thế giới. Thế nhưng, lực lượng và trang thiết bị của hải quân Mỹ hiện đang được bố trí ở khắp thế giới, bất chấp những tuyên bố về sự gắn kết với khu vực châu Á.

Quan điểm đó đã làm suy yếu đáng kể vị thế của Washington trong khưc vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Thay vì phải biến châu Á thành trung tâm chú ý, Washington chỉ mới đề ra kế hoạch chuyển dần tới đây trong giai đoạn kéo dài tới vài năm một số con tàu và khí tài quân sự. Và hiện nay vẫn chưa rõ là liệu Washington để củng cố vững chắc chiến lược của mình có đẩy nhanh hơn tiến độ tập trung lực lượng hải quân ở khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương hay không.

Một câu hỏi khác cũng đang bị để ngỏ là liệu hải quân Mỹ sẽ có trong tay bao nhiêu nhân lực và vật lực tập trung ở khu vực này? Chính những yếu tố này nên về khả năng đáp ứng các nhiệm vụ có thể có, hải quân Mỹ trong khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương chỉ được GS James R. Holmes  xếp ở vị trí thứ ba…

Trước đây Đô đốc J. C. Wylie từng nhận xét rất đúng rằng, quốc hội Mỹ thông qua  các quyết định chiến lược trong quá trình xây dựng ngân sách và không rõ các ông nghị có ý thức được những gì mình làm hay không… Sức mạnh hải quân, đó là sự lựa chọn chính trị chứ không phải là một quyền không thể tách rời.

Các nhà quan sát trong khu vực hiểu rõ sự việc này dù rằng nhiều nghị sĩ Mỹ không hề hay biết điều đó. Theo dõi các xu thế tập trung các đơn vị hải quân và địa bàn hoạt động của nó có thể thấy rõ nhiều điều về hướng phát triển chiến lược hải quân của Washington .

GS James R.  Holmes  xếp hải quân Ấn Độ ở vị trí thứ tư. Trong giai đoạn hiện nay, New Delhi đang gia tăng tốc độ phát triển hải quân trên mọi khía cạnh. Năm 2012, báo chí đã loan tin rộng rãi về các vấn đề kỹ thuật trên tàu sân bay Vikramaditya (đây là hàng không mẫu hạm hạng nặng mà người Nga đang thực hiện quy trình hiện đại hóa toàn diện trên con tàu Đô đốc Gorshkov của mình để chuyển giao cho hải quân Ấn Độ).

Hải quân Ấn Độ.

Tuy nhiên, những khiếm khuyết như thế về mặt kỹ thuật hoàn toàn có thể khắc phục được. Điều hiện nay đang gây lo ngại lớn hơn là tốc độ chuyển đổi nền công nghiệp quốc phòng sang hoạt động nội địa, tức là gia tăng khả năng dựa vào sức mình thiết kế và sản xuất vũ khí khí tài hiện đại.

Vì chưa thể tự đáp ứng được các nhu cầu xây dựng quốc phòng nên hiện nay New Delhli vẫn phải mua vũ khí khí tài ở nước ngoài và vì thế, tạo ra thêm các vấn đề trong việc hòa đồng, thích nghi, bảo dưỡng và sửa chữa cho lực lượng vũ trang. Nhìn từ góc độ khác, cần phải thấy rằng, lãnh đạo Ấn Độ hiện rất biết liệu cơm gắp mắm, kiềm chế các tham vọng chính trị quân sự trong ranh giới hữu lý, vừa sức mình.

Và một khi lãnh đạo chính trị chưa sẵn sàng ký séc cho những hợp đồng vũ khí mà hải quân Ấn Độ chưa đủ sức làm chủ thì đất nước chưa bị ảnh hưởng nhiều từ những diễn tiến nhanh chậm trong sự nghiệp phát triển lực lượng tác chiến trên biển.

GS James R. Holmes  xếp hải quân Trung Quốc ở vị trí thứ năm mặc dù ông cho rằng, các chuyên gia về tình hình Trung Quốc như ông đều đang đưa ra những kết luận dài hơi khi chứng kiến những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm mau chóng đưa hải quân nước này trở thành lực lượng phát triển hàng đầu về quân sự. Những tiến bộ về vật lực đã biến Bắc Kinh thành một đối thủ kỳ phùng về chiến lược.

Hải quân Trung Quốc.

Tuy nhiên, cũng theo GS James R. Holmes xếp hải quân, chất lượng thực sự của các con tàu và máy bay do hải quân Trung Quốc đang sử dụng vẫn là một điều bí ẩn đối với các quan sát viên từ bên ngoài. Một phần lý do là vì các hạm đội của Bắc Kinh hiện chưa thường xuyên tung tẩy trên các đại dương trong các điều kiện thực tế như các con tàu Mỹ hay Nhật vẫn làm.

Cũng theo đánh giá của GS James R. Holmes, vấn đề lớn nhất đối với Bắc Kinh có lẽ lại là những mục tiêu đối ngoại của họ dường như lớn hơn nhiều so với khả năng thực tế của hải quân Trung Quốc. Trung Quốc hiện nay đang phải đối mặt với không chỉ một quốc gia gần kề trong các cuộc tranh chấp chủ quyền trên biển...

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại