Hải quân Nga quyết thực hiện tham vọng thống trị đại dương

Thiên Nam |

Triển lãm vũ khí quân sự tại Army-2015, được tổ chức ở Moscow vừa qua đã cho người ta thấy sức mạnh tổng quan thật đáng gờm của hải quân Nga.

Diễn đàn quân sự quốc tế Army-2015, được tổ chức lần đầu tiên tại ngoại ô Moscow từ ngày 16-19 tháng 6 vừa qua đã quy tụ hơn 20.000 học giả và khách thăm quan, đến từ hơn 70 nước trên thế giới, với sự xuất hiện của hàng loạt những vũ khí, trang bị hàng đầu thế giới.

Trong khuôn khổ cuộc triển lãm tại diễn đàn, hải quân Nga đã phô trương sức mạnh tương lai thật đáng gờm, khi đưa ra những trang bị hiện có mới nhất và cả những khái niệm vũ khí tương lai, bao gồm cả những trang bị trên mặt nước, dưới đáy biển và phương tiện tác chiến trên không của hải quân.

Triển lãm nhiều phương tiện tác chiến độc đáo

Tại triển lãm, người xem có thể thấy những mô hình các tổ hợp phòng thủ ven bờ như tổ hợp tên lửa bờ đối hạm K-300P Bastion-P với tên lửa lừng danh P-800 Onyx và 3K60 Bal-E (SSC-6 'Sennight') với tên lửa Kh-35E, cùng với tổ hợp radar Monomer- БР.

Các loại tàu đổ bộ, tàu tấn công ven bờ, các thiết bị lặn không người lái, tàu mặt nước không người lái và trang bị, tìm kiếm, cứu hộ cũng gây được sự chú ý, đặc biệt là tàu không người lái lớp Typhoon có thể mang và phóng cả máy bay không người lái.

Hai quan Nga quyet thuc hien tham vong thong tri dai duong
Tàu hộ vệ hạng nặng lớp Admiral Gorshkov, Project 22350

Người xem đặc biệt hứng thú với tàu lặn ngầm không người lái lớp Juno, được trang bị thiết bị quan sát, nhận dạng và hệ thống thông tin tự động tối tấn.

Juno có chiều dài 2,9m, đường kính 0,2m, trọng lượng 80kg, thời gian hoạt động dưới đáy biển liên tục 6 giờ.

Theo Cục trưởng Cục thiết kế kỹ thuật hải dương trung ương Rubin Igor Vilnit, với khả năng lặn sâu tới 1km và các thiết bị hiện đại, Juno có thể sử dụng để điều tra môi trường dưới đáy biển ở Bắc Cực hay trong công tác tìm kiếm, cứu hộ dưới đáy biển.

Ngoài ra, Nga còn mang ra triển lãm Tàu tuần tiễu cỡ nhỏ lớp Tiger/Project 20382; Tàu đổ bộ đệm khí lớp Zubr, Project 12322; Tàu tuần tiễu thế hệ mới lớp Okhrana, Project 22160; Tàu tên lửa lớp Tornado-Project 21632; Tàu cứu hộ mặt nước БЛ-680, có thể sử dụng ở cả khu vực nhiệt đới và băng giá.

Về lĩnh vực tàu ngầm, hải quân Nga cũng trưng bày mô hình tàu ngầm thông thường sử dụng hệ thống động lực AIP thuộc Project 677E-lớp Lada, tàu ngầm mini lớp Piranha và Piranha-T (NATO gọi là Losos).

Ngoài ra, còn có ý tưởng thiết kế giai đoạn 2 của một loại tàu ngầm thông thường thế hệ mới.

Hai quan Nga quyet thuc hien tham vong thong tri dai duong
Tàu đổ bộ đệm khí Project 12061M lớp Murena

Các loại phương tiện tác chiến của không quân hải quân được hiển thị cho người xem bao gồm các chiến đấu cơ Su-30CM (Su-30SM), tiêm kích hạm MiG-29K, máy bay tuần tiễu chống ngầm Il-38 và máy bay trực thăng tuần tiễu mang radar Ka-31P.

Tư lệnh hải quân Nga cho biết, do không gian gian trưng bày của Army-2015 rất nhỏ nên Nga không hiển thị được toàn bộ thực lực hải quân.

Dự kiến tới triển lãm hải quân quốc tế được tổ chức vào ngày 1 tháng 7, các nhà chế tạo sẽ mang đến nhiều thiết kế hơn nữa.

Một số trang bị có thể được đưa ra triển lãm bao gồm:

Tàu hộ vệ hạng trung Project 20380, tàu ngầm diezen điện lớp Kilo 636, tàu rà quét lôi thế hệ mới Alexander Obukhov, tàu tấn công cỡ nhỏ lớp Grachonok; pháo hạm 130mm loại A-192Э và pháo hạm A-190Э, cỡ nòng 100mm.

Nga sẽ “thay máu” trang bị trong tương lai

Phát biểu trong khuôn khổ Diễn đàn, Đô đốc Viktor Chirkov - Tư lệnh hải quân Nga cho biết, các nhà thiết kế chế tạo của hải quân Nga đã thảo luận và tìm được hướng phát triển trang bị mới cho hải quân Nga, trong đó có tàu ngầm hạt nhân thế hệ 5 hay phương án thay thế tàu đổ bộ Mistral của Pháp.

Trong vòng 5 năm tới Nga sẽ tiếp nhận loạt đầu tiên của lớp tàu rà quét lôi thế hệ mới thuộc Project 12700, có chỉ số vật lý và từ trường vô cùng thấp.

Trong đó, chiếc đầu tiên đang được thử nghiệm tại nhà máy đóng tàu Neva, 3 chiếc khác đang được chế tạo.

Các tàu rà quét lôi thế hệ mới này được thiết kế rất tiên tiến, vỏ tàu lần đầu tiên được chế tạo theo nguyên tắc nhồi vật liệu composite trong vỏ cứng, lắp đặt hệ thống vũ khí chống thủy lôi thế hệ mới.

Với những tính năng này, các tàu thuộc Project 12700 được xếp vào loại hàng đầu thế giới.

Theo kế hoạch, từ năm 2015-2017, quân đội Nga sẽ tiếp nhận 2 tàu hộ vệ hạng nặng lớp Admiral Gorshkov, Project 22350 và 2 tàu Project 11356, lớp Krivak; 2 tàu hộ vệ tàng hình hạng trung Project 20380, lớp Steregushchy; 1 tàu đổ bộ hạng trung Project 11711, lớp Ivan Gren.

Trước năm 2020, hải quân nước này cũng sẽ được tăng cường tới 10 tàu tên lửa Project 21631, lớp Buyan-M cùng với các tàu tuần tiễu thế hệ mới Project 03160, lớp Raptor và tiếp nhận chiếc đầu tiên trong lớp tàu cứu hộ Project 21300, lớp Delfin (Dolphin).

 
Tàu tuần tiễu thế hệ mới Project 03160, lớp Raptor của hải quân Nga

Đồng thời, Nhà máy đóng tàu phương Bắc (Severnaya Verfi) ở St.Petersburg cũng sẽ hoàn thiện thiết kế và bắt tay vào khởi đóng tàu sân bay thế hệ mới, có lượng giãn nước trăm nghìn tấn và mang tới 100 máy bay khác nhau (gồm cả tiêm kích hạm thế hệ 4 và thế hệ 5 là MiG-29K và T-50).

Song song với dó, hải quân Nga cũng sẽ nhanh chóng hoàn tất việc nâng cấp hiện đại hóa tàu sân bay hiện đang sử dụng là chiếc Kuznetsov, thay thế toàn bộ các máy bay thế hệ cũ Su-33 bằng tiêm kích hạm thế hệ mới MiG-29K, mang được nhiều vũ khí tiên tiến hơn, tầm bắn xa hơn.

Ngoài ra, Nga cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ chế tạo 8 tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa đạn đạo Bulava thuộc lớp Borey và các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình thuộc lớp Yasen, nâng cao sức mạnh răn đe hạt nhân từ dưới đáy biển.

Một kế hoạch lớn nhằm nâng cao khả năng tác chiến viễn dương của hải quân Nga được tiết lộ qua “Army-2015” là việc Cục Đồ án thiết kế Neva (PKB) đưa ra thiết kế tàu đổ bộ trực thăng tương lai thuộc lớp Priboy, nhằm thay thế cho các tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral không nhận được từ Pháp.

 
Tàu đổ bộ trực thăng tương lai lớp Priboy để thay thế cho Mistral

Tàu lớp Priboy được chế tạo nhằm mục đích chuyên chở và đổ bộ lên bờ lực lượng hải quân đánh bộ và các trang bị, vũ khí từ hướng biển.

Các thiết bị đổ bộ, hệ thống vũ khí và máy bay trực thăng sẽ là những sản phẩm quốc nội hàng đầu của Nga.

Priboy có lượng giãn nước khoảng 14.000 tấn, chiều dài 165m, rộng 25m, mớn nước 5m, tốc độ khoảng 20 hải lý/h, phạm vi hành trình 6000 hải lý, thời gian hải hành liên tục là 60 ngày.

Tàu được trang bị hệ thống phòng không Pantsir-M, phiên hải hải quân của hệ thống Pantsir-S.

Nó được trang bị 8 trực thăng tấn công Ka-52K, 8 trực thăng săn ngầm Ka-27, 4 tàu đổ bộ đệm khí Project 12061M lớp Murena hoặc 4 tàu đổ bộ cao tốc Project 11770M, lớp Serna.

Priboy có khả năng chuyên chở từ 40-60 xe thiết giáp các loại cùng với khoảng 500 lính thủy đánh bộ.

Theo tư lệnh hải quân Nga Viktor Chirkov, căn cứ vào chiến lược quân sự và phương hướng hiện đại hóa quân đội, hải quân Nga có thể đặt mua tới 4 chiếc tàu đổ bộ trực thăng loại này, hợp cùng các tàu khu trục hạng nặng lớp Leader (trang bị hệ thống phòng không S-500 và S-350) và tàu sân bay thế hệ mới trở thành lực lượng tác chiến viễn dương mạnh mẽ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại