Xe tăng T-54/55 thuộc thế hệ cũ, đã lạc hậu nhưng hiện vẫn chiếm số lượng rất lớn trong trang bị của lực lượng tăng thiết giáp Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới.
Những nước có tiềm lực kinh tế mạnh đã tiến hành thay thế T-54/55 bằng các loại xe mới, hiện đại hơn nhưng các quốc gia nghèo, tiềm lực hạn chế thì lại chọn phương án nâng cấp để tiếp tục sử dụng.
Nắm bắt thời cơ, một số tập đoàn công nghiệp quốc phòng trên thế giới đã đưa ra nhiều gói nâng cấp nhằm tăng cường sức mạnh cho những “con cua đồng” thuộc hàng cóc cụ này.
Trong đó Nga và Ukraine cũng không chịu đứng ngoài cuộc, dưới đây là một số mẫu nâng cấp T-54/55 đáng chú ý nhất của họ.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-55M5
T-55M5 là gói nâng cấp thiên về khả năng phòng thủ do Nga tiến hành, xe được lắp đặt thêm giáp phản ứng nổ Kontakt-5 quanh mặt trước tháp pháo và mặt trước thân, trang bị kính ngắm TVK-3 cho pháo thủ và TKN-1SM cho trưởng xe.
Hỏa lực chính của T-55M5 vẫn là pháo nòng xoắn D-10T2S cỡ 100 mm, bên cạnh đó xe được thay mới động cơ diesel V-55U mạnh hơn. Đơn giá của gói nâng cấp T-55M5 vào khoảng 700.000 USD/chiếc.
T-55AGM do nhà máy Morozov của Ukraine thực hiện có thể coi là gói nâng cấp toàn diện toàn diện cho xe tăng T-54/55.
Phiên bản T-55AGM được trang bị pháo nòng trơn KBM1 125 mm với khả năng bắn tên lửa chống tăng qua nòng, súng máy phòng không NSV 12,7 mm được điều khiển từ trong xe, lắp đặt giáp phản ứng nổ Kontakt-5 và hệ thống gây nhiễu điện tử tiên tiến.
Động cơ của T-55AGM cũng được thay mới bằng loại có công suất 850 mã lực. Theo nhà sản xuất, sau nâng cấp T-55AGM có sức tấn công và phòng thủ gần tương đương với T-80.
Sức chiến đấu lên cao của T-55AGM dĩ nhiên cũng đi kèm với một mức giá tương xứng, lên tới 1,5 triệu USD/chiếc.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-55M6
Tưởng như gói nâng cấp T-55AGM của Ukraine đã là giới hạn cuối cùng đối với dòng xe tăng cổ lỗ này, nhưng người Nga lại tiếp tục đẩy giới hạn đó đi xa hơn bằng phiên bản T-55M6.
Xe tăng T-55M6 được bổ sung thêm 1 hàng bánh chịu lực mỗi bên
Điểm đáng chú ý nhất của phiên bản này là xe được trang bị hệ thống treo mới với việc bổ sung thêm một hàng bánh chịu lực mỗi bên, khiến T-55M6 khi nhìn thoáng qua rất dễ bị nhầm lẫn với dòng xe tăng T-72.
Động cơ diesel của T-55M6 là loại V-46-5M có công suất 690 mã lực, tháp pháo cũng được nâng cấp hoàn chỉnh với thiết bị nạp đạn tự động và pháo nòng trơn 2A46M cỡ 125 mm tương tự như xe tăng T-72BM.
T-55M6 nhìn từ phía sau, có thể thấy rất rõ phần tháp pháo được kéo dài để phù hợp với pháo 125 mm và thiết bị nạp đạn tự động
Ngoài ra, nhờ giáp phản ứng nổ Kontakt-5 mà khả năng bảo vệ của T-55M6 cũng được đánh giá tương đương với T-80U (trọng lượng của xe với giáp Kontakt-5 lên tới 43 tấn, nặng hơn đáng kể con số 36 tấn nguyên bản).
Khách hàng có thể tùy chọn trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực 1A40-1 tương thích với tên lửa chống tăng 9K120 Svir (tương tự T-72BM) hoặc tổ hợp 1A42 để bắn được tên lửa 9K119 Refleks (tương tự T-80U).
Năng lực chiến đấu và hiệu quả hoạt động của T-55M6 chưa hề được kiểm chứng qua thực tế, còn gây nhiều nghi ngại cho khách hàng lại đi kèm với mức giá quá "khủng", lên tới 2,4 triệu USD/chiếc nên tương lai của mẫu nâng cấp này rất u ám.
Với mức giá phải chi cho việc nâng cấp, khách hàng có thể mua được tới 2 xe tăng T-64BM Bulat hoặc 3 chiếc Leopard 2A4 cũ (tham khảo giá bán cho Indonesia).
Do đó rất khó hiểu tại sao người Nga lại đưa ra một gói nâng cấp quá phức tạp và không cần thiết như vậy.