Tu-95 là mối đe dọa thực sự đối với Mỹ và các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - trang mạng chuyên về quân sự Aerobuzz (Pháp) bình luận.
Chính quyền Nga đang điều tra vụ một chiếc Tu-95 của không quân nước này rơi ở vùng Viễn Đông khi đang bay huấn luyện hồi tuần trước, làm 2 phi công thiệt mạng.
Trái ngược với thông tin ban đầu cho rằng nguyên nhân là do động cơ trục trặc, các điều tra viên hiện quay sang giả thuyết máy bay gặp nạn là do sử dụng nhiên liệu chất lượng kém.
Sức mạnh của Tu-95 khiến Mỹ và NATO e ngại. Ảnh: Sputnik
Nếu kết luận cuối cùng là nhiên liệu, thì những lời lẽ mà giới chuyên gia đưa ra bấy lâu vẫn đúng: Bất chấp tuổi đời cao, “Con gấu” vẫn đầy uy lực và vụ tai nạn không làm độ tin cậy của loại máy bay ném bom chiến lược này mất đi.
Giới tướng lĩnh NATO luôn xem Tu-95 là cơn “ác mộng”. Trước việc liên minh này tăng cường các hoạt động quân sự gần biên giới Nga, Moskva đã tăng tần suất các chuyến bay huấn luyện, tuần tra sử dụng Tu-95, làm phương Tây lo sợ.
Mỗi khi radar của khối NATO phát hiện ra “Con gấu”, họ tức tốc phái máy bay chặn đầu, giám sát và áp sát bay Nga.
“Những phi công lái máy bay chiến đấu phương Tây từng được giao nhiệm vụ chặn đầu, áp tải Tu-95 sẽ không bao giờ quên được cảm giác về âm thanh, độ rung lớn khi bay sát”, trang Aerobuzz viết.
Lý do NATO bị “ám ảnh” bởi Tu-95 là ở chỗ: Loại máy bay ném bom tầm xa này có thể bay liên tục 14 giờ, ở độ cao 11.000m, có khả năng tấn công nước Mỹ bằng bom hạt nhân.
“Cựu binh” thời Chiến tranh Lạnh này vẫn không ngừng nghỉ giám sát không phận gần biên giới nước Nga, như để nhắc nhở rằng Nga là cường quốc cần phải được tôn trọng.
Tu-95 là dòng máy bay ném bom hạng nặng, có khả năng mang bom hạt nhân, tên lửa hạt nhân, được không quân Liên Xô lần đầu tiên đưa vào sử dụng năm 1965 và đã ngưng sản xuất vào năm 1994. 60 chiếc Tu-95 hiện vẫn được Nga sử dụng.
Sứ mệnh đặt trên vai Tu-95 chưa thể sớm chấm dứt: Nga mới đây tuyên bố sẽ nâng cấp mẫu máy bay này để tiếp tục sử dụng trong nhiều thập kỷ tới.