Eurofighter Typhoon sợ đối mặt với 'Lời nguyền Rafale'

Nam Trực |

Chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon đang khiến các nhà sản xuất của châu Âu lo lắng khi không thể nhận được bất kì hợp đồng nào trong 3 năm qua.

BAE Systems sợ phải đóng một phần dây chuyền Typhoon

Công ty Dassault Aviation của Pháp đã nhiều lần tiến gần tới các hợp đồng xuất khẩu chiến đấu cơ Rafale nhưng sau đó các thương vụ này đều đổ bể tại giai đoạn cuối, trái ngược với dòng tiêm kích Mirage cũng của công ty này đã bán được hàng trăm chiếc.

Với việc 15 năm không bán được chiếc nào, Rafale từng được cho là mắc “lời nguyền” đen đủi. Vận hạn này có thể được xóa khi vào hôm 13-2, Ai Cập xác nhận sẽ mua 24 chiếc Rafale trị giá 5,7 tỉ USD. Tuy nhiên, khi hợp đồng chưa được ký thì mọi việc chưa thể khẳng định được điều gì.

Hiện tại, các nhà phân tích quân sự lại bắt đầu đặt câu hỏi liệu “lời nguyền” này có được chuyển qua máy bay chiến đấu tốt nhất của châu Âu là Eurofighter Typhoon, mẫu máy bay mà công ty BAE Systems của Anh đóng góp 33% tổng ngân sách phát triển.

Vừa qua, đại diện của BAE lo lắng là hãng sẽ buộc phải đóng cửa một phần dây chuyền sản xuất vào năm nay nếu Typhoon không nhận được bất kì đơn hàng nào.

Giám đốc Ian King của BAE nhận định rằng, lợi nhuận của hãng vào năm 2015 sẽ phụ thuộc nhiều vào số lượng các chiến đấu cơ Typhoon được bán và hợp đồng đóng tàu đang được thương lượng với chính phủ Australia.

BAE chưa từng công bố phần đóng góp của từng chương trình phát triển vũ khí trong tổng doanh thu của hãng, nhưng theo một vài chuyên gia dự đoán, các hợp đồng mua bán loại chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 này chiếm khoảng 16% doanh thu trị giá 16,6 tỉ Bảng Anh của BAE vào năm 2014.

Trước đây, chiến đấu cơ tốt nhất của châu Âu cũng đã từng nhận được 2 đơn hàng xuất khẩu 72 chiếc máy bay chiến đấu loại này cho Saudi Arabia vào năm 2007 và 12 chiếc cho Oman vào 2012, làm dấy lên sự tin tưởng vào tương lai tươi sáng trên thị trường xuất khẩu của loại chiến đấu cơ này.

BAE lo lắng trước nguy cơ đóng cửa một phần dây chuyền Typhoon
BAE lo lắng trước nguy cơ đóng cửa một phần dây chuyền Typhoon

Tuy nhiên, sau đó Typhoon đã thua trong rất nhiều cuộc đấu thầu, mất các hợp đồng trị giá hàng tỉ USD với các nước Các tiểu vương quốc Ả-Rập (UAE) thống nhất, Singapore và Ấn Độ.

Trong khi đó, hợp đồng cung cấp thêm các phụ kiện từ Saudi Arabia vẫn chưa được công bố chính thức.

Theo chuyên gia phân tích quân sự Francis Tusa, chiến đấu cơ Rafale có hàng loạt những lời đề nghị, nhưng cuối cùng thường thất bại do vấn đề giá cả, vậy nên đây chính là điều mà Typhoon có thể tận dụng do nó có giá thành rẻ hơn một chút.

Typhoon có vấp phải “lời nguyền Rafale”?

Điều quan trọng mà BAE và các đối tác như Airbus và Finmeccanica cần làm hiện nay là giữ dây chuyền lắp ráp hoạt động thay vì phấn đấu để có lãi.

Do nếu máy bay không thể sản xuất, BAE sẽ thui chột các công nghệ và kĩ thuật cần thiết, nhằm cạnh tranh với các hãng sản xuất khác.

Đây cũng là vấn đề mà Dassault gặp phải khi buộc phải giữ cho dây chuyền sản xuất Rafale hoạt động mặc dù nhu cầu từ Không quân Pháp đã giảm đi. Việc hãng này tiếp tục sản xuất Rafale cũng là yếu tố làm hợp đồng mua bán các chiến đấu cơ này với Ai Cập trở nên dễ dàng hơn.

Một trong những vấn đề khiến khả năng xuất khẩu của Typhoon bị hạn chế bắt nguồn từ chính sách ngoại giao của chính phủ Anh, điều mà được nhiều chuyên gia nhận định là làm suy yếu khả năng quân sự của nước này.

“Chính sách ngoại giao của Anh có phần đi theo chủ nghĩa biệt lập, thậm chí nhiều khi quá cứng rắn, điều sẽ không giúp gì được cho Typhoon. Trong khi đó, Pháp lại có phần thoải mái hơn trong chính sách mua bán vũ khí đối với những nước khác”, ông Tusa cho biết.

Khó khăn lớn nhất của Typhoon có thể kể đến đó chính là khả năng chiến đấu, vốn đang có dấu hiệu thua kém hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác. Do Typhoon được sản xuất bởi nhiều đối tác nên sẽ rất khó để tất cả cùng đồng tình cho một gói nâng cấp vũ khí và hệ thống radar đắt đỏ.

Tương lai ngắn hạn của Typhoon khá bấp bênh
Tương lai ngắn hạn của Typhoon khá bấp bênh

Theo chuyên gia quân sự Howard Wheeldon, các đối tác của BAE đã đồng ý cho một gói nâng cấp cần thiết vào cuối năm nay, tuy nhiên, yếu tố chính trị cũng có thể là một phần ảnh hưởng đến quyết định này.

Qatar nhiều khả năng sẽ mua Rafale do mối quan hệ thân tình giữa nước này với Pháp. Kuwait cũng có thể là một khách hàng tiềm năng của Typhoon, tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng nước này đang nghiêng về phía Mỹ.

Khách hàng mới cho Typhoon có thể được kể đến Bahrain, nơi Anh đã thành lập một căn cứ quân sự mới vào năm ngoái. Tuy nhiên, hiện không quân nước này chưa công bố ý định mua sắm máy bay chiến đấu nào trong thời gian ngắn hạn.

Typhoon hiện cũng đang là ứng cử viên số một cho Malaysia nhưng có thể Kuala Lumpur sẽ chọn những chiến đấu cơ Typhoon đã qua sử dụng thay vì mua mới, bởi ngân sách quốc phòng của quốc gia đông nam Á này tương đối hạn hẹp.

Điều này sẽ không giúp BAE có được đơn hàng mới để duy trì hoạt động của dây chuyền sản xuất, nhưng ít nhất công ty vẫn có các hợp đồng bảo dưỡng và bán thêm linh kiện.

Nhưng điều này vẫn chưa chắc chắn bởi Malaysia cũng đang muốn nâng cấp loạt tiêm kích MiG-29 mua của Nga.

Ngoài ra, nếu Ấn Độ quyết định đấu thầu lại dự án chiến đấu cơ đa nhiệm tầm trung đang gặp trục trặc với Pháp thì Typhoon cũng sẽ là một lựa chọn tiềm năng.

Tuy nhiên, hiện New Dehli đang có xu hướng quay về với Su-30MKI, vừa được trang bị tên lửa BrahMos siêu mạnh.

Bởi vậy, tương lai của Eurofighter Typhoon vẫn còn khá bấp bênh, rất có thể lời nguyền Rafale có thể sẽ bị lây lan sang loại chiến đấu cơ của châu Âu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại