Ấn Độ, khách hàng trung thành của Nga, đã mua hàng loạt vũ khí phương Tây trong năm 2012 như Boeing AH-64 Apache
Ấn Độ từng là một trong những khách hàng truyền thống lớn của Nga nhưng gần đây cũng bắt đầu lựa chọn vũ khí phương Tây cho quân đội.
Ông Alexander Fomin - người đứng đầu trung tâm Hợp tác kỹ thuật - quân sự liên bang Nga và cũng là người dẫn đầu phái đoàn Nga đến dự triển lãm hàng không Ấn Độ bắt đầu ngày 6/2/2013 cho biết: “Mất một số thị trường, nhưng chúng tôi cũng đạt được những thành tựu mới ở Venezuela”, . “Chúng tôi đang lấy lại những thị trường cũ thời Liên Xô như Peru hay Mali, Ghana, Tanzania, Uganda ở châu Phi và Oman ở châu Á”, ông Fomin nói thêm.
Ông này cũng thừa nhận, Nga đã đánh mất một số khách hàng mua vũ khí sau những sự kiện diễn ra ở Trung Đông và Bắc Phi. "Hợp tác với Libya đang tạm thời bị gián đoạn. Ngoài ra, chúng tôi cũng dừng giao dịch với Ai Cập, Iran. Công việc với Syria thì bị cản trở. Đó là thực tế. Nga cũng đánh mất Iraq và gần như mất Afghanistan”.
Bình luận của ông Fomin được đưa ra sau khi Ấn Độ, một khách hàng vũ khí truyền thống từ thời Liên Xô đã ký hàng loạt hợp đồng trong những năm gần đây với Mỹ và các nước châu Âu thay vì lựa chọn Nga.
Những vũ khí được Ấn Độ lựa chọn bao gồm máy bay vận tải quân sự Boeing C-17 Globemaster và Lockheed Martin C-130J, máy bay trực thăng Boeing AH-64 Apache và CH-47 Chinook, máy bay chống ngầm Boeing P-8 Poseidon cũng như hợp đồng 10 tỷ USD mua máy bay Rafale của Pháp. New Delhi cũng mua hệ thống huấn luyện BAE Systems Hawk của Anh và lựa chọn máy bay tiếp dầu Airbus A330 vào tháng 1/2013 thay vì mẫu Ilyushin Il-78 của Nga.
Theo Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Ấn Độ là nước mua vũ khí nhiều nhất thế giới trong năm 2012. Trước đó, SIPRI cũng ước tính lượng vũ khí được Ấn Độ mua chiếm khoảng 9% số lượng vũ khí được mua bán trên thế giới trong khoảng thời gian 2006-2010. Trong khoảng thời gian này, số lượng vũ khí Ấn Độ mua của Nga chiếm tới 82%.
Lượng vũ khí xuất khẩu của Nga vượt qua 14 tỷ USD vào năm 2012 so với con số 13,2 tỷ USD vào năm 2012. Con số này giúp Nga bảo toàn vị trí thứ 2 trên thị trường xuất khẩu vũ khí sau Mỹ.