Đơn độc trong đêm, phi công tiêm kích VN xuất sắc hạ 2 máy bay Mỹ

Đoàn Hoài Trung |

Một mình xuất kích giữa đêm tối mịt mùng, trong vòng chưa đầy 2 phút bắn rơi tại chỗ 2 máy bay Mỹ, xuất sắc lập công trong trận đánh đêm đầu tiên của không quân tiêm kích Việt Nam.

Đó là trận đánh để đời của phi công tiêm kích Lâm Văn Lích, Đại tá - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, người đã từng bắn rơi 4 máy bay của đế quốc Mỹ.


Vợ chồng Anh hùng LLVTND - Đại tá phi công Lâm Văn Lích. Ảnh: Đoàn Hoài Trung.

Vợ chồng Anh hùng LLVTND - Đại tá phi công Lâm Văn Lích. Ảnh: Đoàn Hoài Trung.

Đã định va chạm trực tiếp để hạ máy bay địch...

Đêm 3 tháng 2 năm 1966, phi công Lâm Văn Lích được phân công trực ban sẵn sàng chiến đấu. Sở chỉ huy báo động có máy bay địch vào xâm phạm vùng trời của ta.

Cả sân bay nhộn nhịp chuẩn bị cho ông cất cánh, những người thợ máy kiểm tra lại lần cuối, xe nạp điện đã sẵn sàng. Chiếc máy bay Mig-17 lao vút lên bầu trời đêm và phi công Lâm Văn Lích hồi hộp không tả, vì đây là lần đầu tiên đánh đêm của không quân ta.

Ông được sở chỉ huy các cấp dưới đất dẫn bay vào tiếp cận mục tiêu. Ban ngày trời trong xanh, phi công có thể phát hiện máy bay địch bằng mắt thường hơn 10 cây số, nhưng ban đêm chỉ còn trông chờ vào radar trên máy bay.

Nhưng radar phải khi nào vào gần địch mới được mở, vì mở sớm địch sẽ phát hiện ngay, vì trên máy bay địch có thiết bị phát hiện sóng radar của ta. Khi máy bay đến Hoà Bình Mộc Châu, ông đã mở ra đa và phát hiện máy bay địch ở cự ly 8 km.

Ông lập tức cho máy bay tăng tốc đuổi theo. Trên máy bay MiG-17 có 1 khẩu pháo 37 ly và 2 khẩu pháo 23 ly, có radar ngắm bắn. Ông quan sát đưa máy bay mình vào đúng độ cao máy bay địch phía trước khoảng 5000 mét, rồi đưa mục tiêu vào vòng ngắm.


Những máy bay tiêm kích MiG-17 và MiG-21 lập nhiều chiến công được trưng bày trang trọng trong Bảo tàng PK-KQ.

Những máy bay tiêm kích MiG-17 và MiG-21 lập nhiều chiến công được trưng bày trang trọng trong Bảo tàng PK-KQ.

Mục tiêu đã rõ, cự ly khoảng 800 mét, ông tăng tốc và định tiếp cận khoảng 400 mét thì bắn, nhưng thật bất ngờ, mục tiêu trên màn ra đa bỗng chao đảo không ổn định, rồi biến mất.

Lúc đó ông không hiểu nguyên nhân tại sao, nhưng giờ đây ngẫm lại, ông cho rằng có thể hai máy bay địch đi sát nhau quá, nên ra đa cũng không biết phải bám mục tiêu nào và hơn nữa ông tăng tốc độ quá lớn, nên không kịp xử trí khi tiếp cận địch.

Lúc ấy, trong máy bay của ông có các đèn báo nguy hiểm và tiếng chuông báo hiệu sắp va chạm máy bay với nhau. Thoáng bối rối, trong khi luyện tập, nếu tình huống 2 máy bay sắp va nhau thì phi công phải nhanh chóng thoát ly.

Nhưng lúc này Lâm Văn Lích quyết định lao cả máy bay vào địch làm một cảm tử quân vì tổ quốc. ý chí của người phi công lúc ấy mong muốn tiêu diệt máy bay địch bằng mọi giá dù hy sinh tính mạng để lập công dâng lên Đảng kính yêu.

Nhưng lao mãi mà không gặp máy bay địch, ông nhìn ra ngoài trời đêm thì phát hiện máy bay địch lù lù dưới cánh mình khoảng 8 mét.

Lúc đầu ông định chúi xuống đập máy bay vào cánh máy bay địch, nơi chỗ hiểm yếu dễ rơi và sẵn sàng nhẩy dù, nhưng sau đó một ý nghĩ chợt loé ra, sao mình không lùi lại để dùng súng bắn nó?


Phi công tiêm kích Lâm Văn Lích trên buồng lái một chiếc MiG-17.

Phi công tiêm kích Lâm Văn Lích trên buồng lái một chiếc MiG-17.

... nhưng có quyết định sáng suốt hơn

Nghĩ vậy ông giảm tốc độ lùi lại cách chừng 10 mét, ông không dám lùi xa vì sợ mất mục tiêu địch trong đêm.

Ông từ từ cho máy bay tụt xuống ngang tầm máy bay địch và đưa vào vòng ngắm bằng mắt mục tiêu to bè , sẵn sàng bóp cò. Vừa lúc đó, một luồng khí phản lực của máy bay địch phụt ra làm máy bay của ông chao đảo lật nhào.

Đầu ông lắc lư, đập cả vào nắp buồng lái. Ông choáng váng, không biết trạng thái của mình ra sao, máy bay không điều khiển được, rơi xuống. Ông tưởng máy bay bị trúng đạn của địch.

Nhưng rơi được một lúc, độ cao khoảng 4000 mét, ông thử lái điều khiển, thì thấy máy bay vẫn bình thường. Nhớ lại hướng bay bám địch, ông tăng ga ngóc lên đi tìm địch. Quan sát lại màn ra đa, ông phát hiện mục tiêu cách 3 km.

Ông tăng tốc đuổi theo và quyết định kỳ này có cơ hội là bắn liền, không để lỡ thời cơ nữa. Và một may mắn đến, không biết có phải vì sợ va chạm vào nhau hay không, mà hai chiếc máy bay địch trước mặt bật đèn nhấp nháy thông tin với nhau.

Lúc đó ông mới biết phía trước mình 2 chiếc máy bay địch. Quan sát chúng bằng ra đa và mắt thường, Lâm Văn Lích tăng tốc bám sát máy bay địch.

Lần này ông không tăng tốc quá lớn và khi vào cự ly khoảng 600 mét, ông chọn một chiếc máy bay bên trái, ngắm bằng mắt giữa hai chiếc đèn đuôi và cánh máy bay địch bóp cò thật dài, để máy bay địch nổ tan tác trên bầu trời.

Luồng đạn đỏ rực xé màn đêm lao vào máy bay địch. Khi dừng bắn, tự nhiên không thấy chiếc máy bay bên trái đâu, còn chiếc bên phải đang chạy chốn, nhưng nó cũng quên tắt đèn. Ông lập tức nghiêng cánh, vòng đuổi theo.

Cùng lúc đó ông nhìn thấy chiếc máy bay kia đang bốc cháy lao nhanh xuống đất. Trong lòng tăng thêm niềm tin, ông ngắm ngay chiếc máy bay thứ hai và bắn xối xả. Khoảng cách giữa hai lần bắn thực ra chỉ hơn 1 phút, còn trận đánh chỉ hơn 2 phút.


Máy bay A1 của Hải quân Mỹ, tương tự như 2 chiếc đã bị phi công tiêm kích Lâm Văn Lích bắn hạ.

Máy bay A1 của Hải quân Mỹ, tương tự như 2 chiếc đã bị phi công tiêm kích Lâm Văn Lích bắn hạ.

Luồng đạn đỏ rực cắm thẳng vào mục tiêu, chiếc máy bay bùng lên thành ngọn đuốc cắm đầu xuống. Cảm giác của ông lúc ấy lâng lâng dạt dào, đến nỗi Sở chỉ huy thông báo có địch, báo ông quay về ngay, ông cũng không để ý.

Vì ông còn cuốn theo men thắng trận, ông lượn quay lại để xem cho rõ hình ảnh hai chiếc máy bay như hai cục lửa đỏ rực rơi xuống đất, phía tây Hoà Bình.

Giữa bầu trời bao la mênh mông, ông là người duy nhất nhìn thấy những chiếc máy bay địch rơi xuống đất bùng lên ngọn lửa đỏ. Đó là giây phút hạnh phúc nhất trên đời của người con đất Mũi qua bao tháng ngày rèn luyện vất vả.

Ông nhớ đến Bác Hồ, đến lần Bác đến thăm trung đoàn không quân tiêm kích 921 tại sân bay Nội Bài vào ngày 9.11 năm 1964. Bác đã dừng lại hồi lâu khi nghe ông giới thiệu: ”Cháu là Lâm Văn Lích, quê ở Cà Mau”.

Bác đã hỏi chuyện và mong ông xứng đáng với truyền thống anh hùng của miền Nam thành đồng Tổ quốc, tiêu diệt nhiều máy bay Mỹ.

Thế thì hôm nay, một mình ông đã chiến đấu với nhiều máy bay địch, đã dũng cảm bình tĩnh bắn rơi 2 máy bay A1 của hải quân Mỹ.

Khi ông thoát ly khỏi khu vực, thì đèn báo hiệu có máy bay địch bám đằng sau. Ông lập tức làm động tác chúi xuống tránh tầm kiểm soát của địch. Sở chỉ huy yêu cầu ông lái về khu vực trận địa tên lửa của ta, để mặt đất sắn sàng hỗ trợ.

Đến lúc tín hiệu hỏi trả lời của trận địa tên lửa nhấp nháy, ông sung sướng, tin rằng mặt đất sẽ bảo vệ mình. Phi công Lâm Văn Lích xin về hạ cánh, đèn đường băng sân bay Nội Bài rực sáng. Ông hạ cánh an toàn trong vòng tay của đồng đội bè bạn.

Chính ủy Đặng Tính ôm trầm lấy ông và chúc mừng. Các chòi quan sát mặt đất của ta đã báo về hai chiếc máy bay rơi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại