Mặc dù đã tốn bao công sức, tiền của để truy tìm con đường vận chuyển vũ khí của ta bằng đường biển, địch vẫn không thể hiểu bằng cách nào những con tàu của đối phương lại vượt qua được những hiểm nguy của bão gió biển khơi và sự kiểm soát gắt gao suốt đêm ngày của hệ thống phòng phủ hiện đại trên biển để đưa vũ khí vào cung cấp cho miền Nam chiến đấu.
Sau chuyến đi mở đường của con tàu gỗ Phương Đông 1 tháng 10-1962 cập bến Vàm Lũng, Cà Mau an toàn, tính đến tháng 2-1965, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 đã vượt hàng ngàn hải lý, vận chuyển thành công 90 chuyến tàu với hơn 5 ngàn tấn vũ khí cho miền Nam, góp phần làm nên chiến thắng quyết định, phá tan nhiều ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng.
Sau thất bại ở Ấp Bắc tháng 1-1963, địch phải thú nhận: “Trận Ấp Bắc cùng các trận đánh lớn của cộng sản đã gây thiệt hại quan trọng cho quân đội Việt Nam Cộng hòa về người và trực thăng, tạo được tiếng vang trên quốc tế và chứng tỏ cộng sản đang phát triển mạnh”.
Trong báo cáo gửi Phủ Tổng thống nguỵ, Thiếu tá Nguyễn Thanh Hoàng, tỉnh trưởng An Xuyên (nay là Cà Mau) cho rằng:
“Vũ khí của Việt cộng vượt ra ngoài tất cả các ước tính của chúng ta. Việt cộng đã dùng cối 82mm, đại liên 12,7mm, ĐKZ75… là những thứ mà quân đội Việt Nam Cộng hòa chưa có. Đạn của chúng rất dồi dào, điều mà trước đây chúng chưa bao giờ làm được”.
Mặc dù chưa phát hiện được dấu hiệu con đường vận chuyển nhưng Mỹ- ngụy nghi ngờ vũ khí chúng ta sử dụng chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ, Nam Trung Bộ và ven biển Khu 5 có thể được đưa vào bằng đường biển.
Trong một báo cáo thường xuyên của Bộ Quốc phòng Mỹ đã viết: “Mỹ và chính quyền Sài Gòn cảm thấy số lượng vũ khí rất lớn mà Việt cộng đang sử dụng được vận chuyển bằng đường biển. Nhưng sự triệt hạ con đường đó là vô cùng khó khăn đối với Mỹ và chính quyền Sài Gòn”.
Sau sự kiện tàu C143 bị lộ ở Vũng Rô tháng 2-1965, Mỹ-ngụy đã thấy được ý đồ và phương thức vận chuyển của ta. Đại tá Mỹ R.Schrosbay đã viết trên tờ Naval institute Press rằng:
“Vụ Vũng Rô khẳng định điều đã ngờ trong một thời gian dài nhưng chưa có bằng chứng. Số lượng chiến cụ lớn bị phát hiện chỉ ra rằng, nhiều lô hàng lớn hơn đã được chở đến bằng tàu trước đó... một điều chắc chắn là địch còn sử dụng các vị trí khác nữa để nhận hàng chuyển bằng đường biển”.
Phát hiện các tàu của ta chở vũ khí vào Nam bằng đường biển, địch tiến hành chiến dịch phong tỏa vùng biển Việt Nam mang tên Maket Time.
Theo kế hoạch này, Hải quân Mỹ thực hiện ngăn chặn ngoài khơi, Hải quân ngụy thành lập đội đặc nhiệm 115 có máy bay trinh sát, 7 khu trục hộ vệ, 2 tàu quét mìn, 2 tàu đổ bộ loại lớn, 17 tàu ven bờ.
Đến tháng 7-1965, số tàu trên được tăng lên 54 chiếc. Tháng 9-1965 lại thêm 5 tàu tuần tiễu ngoài khơi, 30 tàu trên sông và 9 tàu tuần tiễu ven bờ.
Năm 1966, Mỹ-ngụy thành lập thêm Đội đặc nhiệm 116, rồi Đội đặc nhiệm 117, 40% lực lượng Hạm đội 7 của Mỹ tập trung xuống khu vực Đông Nam Á để làm nhiệm vụ này.
Chúng chia vùng biển Việt Nam thành 9 khu vực chiến sự để dễ kiểm soát. Ở mỗi khu vực có các trạm ra-đa trên bờ, trên đảo và mạng lưới thông tin viễn thông hiện đại hoạt động nhằm rào chặt con đường trên biển.
Mặc dù địch tìm cách ngăn chặn con đường biển nhưng với sự sáng tạo, trí thông minh và lòng dũng cảm, cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu Không số vẫn tìm cách đưa hàng vào chiến trường.
Sau 8 tháng tạm ngừng tìm phương thức vận chuyển mới, cuối năm 1965 ta tiếp tục đi 4 chuyến Nam Bộ, thành công 3 chuyến, trong đó có tàu C42 chở 61 tấn vũ khí cùng 4 quả thủy lôi vào Rạch Kiến Vàng, Cà Mau.
Đó là một kỳ tích tuyệt vời, khiến kẻ địch phải thốt lên rằng: “Việt cộng chở vũ khí vào Nam bằng đường biển là mạo hiểm, cuồng tín, không sao hiểu nổi”.
Năm 1966, ta tổ chức 8 chuyến đi, có 2 chuyến vào được bến ở Cà Mau; 3 chuyến bị địch giám sát phải quay về; 3 chuyến vào gần bến gặp địch xảy ra chiến đấu phải hủy tàu và vũ khí, có một tàu không hủy được rơi vào tay địch.
Năm 1967 ta tổ chức 5 chuyến đi, cả 5 chuyến đều không thành công, trong đó 2 chuyến phải hủy tàu, một chuyến tàu không hủy được đã rơi vào tay địch.
Nói về những đội thuyền vận chuyển của ta, nhiều báo chí của Mỹ đã viết: “Cộng sản Bắc Việt có những đội thuyền viên lão luyện, vượt xa hải quân Việt Nam Cộng hòa hai mươi năm. Họ có thể điều khiển tàu đi trong bất kể thời tiết nào, địa hình nào”.
Đầu năm 1968, 6 chuyến tàu rời bến có 3 chuyến phải quay về, còn 3 chuyến gặp địch, chiến đấu, phải hủy tàu, nhiều cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh. Trong đó, tiêu biểu là tấm gương của tàu C235 do thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh chỉ huy ở bến Hòn Hèo (Khánh Hòa).
Tàu vào bến, bị địch phát hiện, ngăn chặn. Ta đã tổ chức chiến đấu, thả hàng xuống biển và hủy tàu. Sau trận đấu, 14 cán bộ, chiến sĩ đã mãi mãi nằm lại với vùng đất Hòn Hèo.
Về vụ tàu C235, đài Tự do của Sài Gòn đã tường thuật khá chi tiết sự việc. Còn tạp chí Lướt Sóng của hải quân ngụy thì viết:
“Mười hai chiến hạm và hàng chục hải thuyền của Hoa Kỳ cùng quân lực Việt Nam Cộng hòa có phi cơ yểm trợ, đụng độ ác liệt với một tiểu đoàn Việt Cộng gan góc và thiện chiến trên con tàu chở vũ khí từ Bắc Việt thâm nhập tiếp tế cho mặt trận giải phóng.
Họ đã nổ súng đến viên đạn cuối cùng, đến người cuối cùng và hy sinh với con tàu bằng khối lượng hàng tấn bộc phá do chính tay họ tự hủy, không để lại một dấu vết”.
Tuy dùng nhiều lực lượng, trang bị kỹ thuật hiện đại phong tỏa, kiểm soát gắt gao nhưng Mỹ-nguỵ vẫn không thể chặt đứt được con đường vận chuyển trên biển của ta chi viện cho miền Nam.
Năm 1969, ta tổ chức đi 4 chuyến, 2 chuyến thành công. Năm 1970, đi 17 chuyến có 6 chuyến tới bến. Năm 1971 đi 15 chuyến có 2 chuyến thành công và năm 1972 đi 12 chuyến có 2 chuyến thắng lợi.
Sau vụ tàu C176 chở hàng vào Bến Tre bị địch phát hiện ngày 21-11-1970, ta phải hủy tàu, địch đã nhận xét: "Có thể coi đây là một thời kỳ đối phương gia tăng vận chuyển bằng đường biển trở lại.
Từ ngày 24-8-1969 đến 23-12-1969 đã phát hiện 4 vụ. Năm 1970, phát hiện 12 vụ, nhưng chỉ đánh chìm được một vụ vào rạng ngày 22-11-1970 ở Thạnh Phú (Bến Tre), còn các vụ khác, họ đã thoát. Có vụ ta kèm được 9, 10 ngày; có vụ chỉ kèm được một ngày thì mất mục tiêu...”.
Để đối phó với sự ngăn cản, đánh phá ác liệt của Mỹ-ngụy, cuối năm 1972, ta dùng thuyền đánh cá có giấy tờ của địch cấp để vượt biển ra Bắc nhận vũ khí bí mật chở vào cung cấp cho Nam Bộ.
Với phương thức đó, Đoàn 371 đã thực thành công hàng chục chuyến đưa vào chiến trường Nam Bộ hơn 600 tấn vũ khí, góp phần làm nên thắng lợi của trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc.