Xe tăng T-62 do cục thiết kế OKB-520 thiết kế cải tiến từ loại xe tăng T-54/55. Năm 1961, T-62 chính thức đưa vào trang bị và sớm trở thành dòng xe tăng tiêu chuẩn trong Quân đội Liên Xô. Trong thời gian từ 1961-1975, đã có 22.700 chiếc T-62 sản xuất và cung cấp cho nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockhom (SIPRI), cuối những năm 1970 Việt Nam đã nhận viện trợ một số lượng nhỏ xe tăng chiến đấu chủ lực T-62. Vào thời điểm đó, đây được xem là loại xe tăng hiện đại nhất của lực lượng tăng – thiết giáp Việt Nam.
Xe tăng T-62 có trọng lượng 40 tấn, dài 9,34m, rộng 3,30m và cao 2,40m. Giáp xe được đánh giá là dày hơn so với T-54/55 nhưng được đúc bằng thép thường nên dễ bị tổn thương trước đạn chống tăng.
Phần giáp dày nhất tập trung ở trước mặt tháp pháo và thân xe với các con số lần lượt là 203mm và 102mm. Ở hai sườn tháp pháo dày khoảng 153mm, sườn xe dày 79mm, gầm xe dày chừng 20mm.
Về hỏa lực, T-62 trang bị pháo nòng trơn 2A20 cỡ 115mm có khả năng bắn tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM). Pháo trên xe tăng T-62 chưa có thiết bị hỗ trợ nạp đạn tự động, nhưng tốc độ bắn cũng có thể đạt 3-5 phát/phút.
So với pháo 100mm của T-54/55, 2A20 115mm trên T-62 rõ ràng có uy lực lớn hơn. Trên 2/3 nòng có thiết bị để ngăn hơi thuốc bay ngược lại khoang lái.
Tuy nhiên, cũng giống như T-54/55, pháo chỉ đạt độ chính xác cao nhất khi xe đứng yên khi bắn. Nếu vừa hành tiến vừa bắn, pháo 115mm có độ chính xác khá kém do thiếu hệ thống ổn định và hệ thống điều khiển hỏa lực.
Ngoài ra, tháp pháo còn có một súng máy đồng trục 7,62mm và một súng máy phòng không hạng nặng 12,7mm (pháo thủ điều khiển).
Xe tăng T-62 trang bị động cơ diesel V-55 công suất 580 mã lực cho phép đạt tốc độ trên đường bằng phẳng 40-50km/h. Xe có khả năng lội nước sâu 5m, tuy nhiên cần thời gian chuẩn bị khoảng nửa tiếng (bịt khe hở, lắp ống thông khí và thải khói).
Hiện nay, xe tăng T-62 vẫn được xem là loại xe tăng hiện đại nhất của lực lượng tăng – thiết giáp Việt Nam.