Điểm qua một số chương trình nâng cấp vũ khí nổi bật của VN (P3)

Tuấn Trung |

(Soha.vn) - Những chương trình nâng cấp vũ khí - khí tài do Việt Nam tự thực hiện đã thu được một số thành công bước đầu và là hướng đi cần được đẩy mạnh.

Điểm qua một số chương trình nâng cấp vũ khí nổi bật của VN (P1)

Điểm qua một số chương trình nâng cấp vũ khí nổi bật của VN (P2)

9. Nâng cấp trực thăng săn ngầm Ka-28

Trực thăng Ka-28 của Việt Nam được chuyển sang Ukraine nâng cấp vào tháng 7/2010

Ka-28 hiện được coi là một trong số những trực thăng săn ngầm tốt nhất thế giới với thiết kế rotor đồng trục quay ngược chiều độc đáo có tác dụng khử momen xoắn nên đã loại bỏ được cánh quạt đuôi, giảm tiếng ồn cũng như kích thước bề ngang máy bay. Ngoài ra cấu hình trên còn giúp trực thăng có độ cơ động và linh hoạt cao hơn, có thể cất hạ cánh trong mọi điều kiện thời tiết trên những tàu chiến nhỏ mà các loại trực thăng khác không thể hoạt động.

Ka-28 được trang bị hệ thống radar trinh sát mặt nước và gắn thêm thiết bị chống nhiễu, gây nhiễu để tàu ngầm không thể phát hiện, nó tìm tàu ngầm thông qua thiết bị dò từ trường MAD, phao thủy âm vô tuyến RGB hoặc thiết bị dò âm VGS. Khoang vũ khí của Ka-28 mang được ngư lôi tự dẫn và bom chìm. Máy bay được trang bị áo phao riêng để nổi trên mặt nước trong tình huống khẩn cấp.

Hiện tại Việt Nam đang duy trì hoạt động phi đội 8 trực thăng săn ngầm Ka-28 thuộc biên chế Lữ đoàn 954 Không quân Hải quân, những máy bay trên trải qua thời gian dài sử dụng nên đã xuống cấp và không còn đảm bảo năng lực tác chiến trong tình hình mới.

Trước thực tế trên, vào năm 2010 Việt Nam đã quyết định ký hợp đồng với nhà máy Sevastopol của Ukraine để sửa chữa và nâng cấp toàn bộ số Ka-28 có trong biên chế. Những máy bay Ka-28 của Việt Nam được chuyển sang Ukraine để thực hiện những hạng mục gồm: gia cố kéo dài thời hạn sử dụng khung vỏ, thay thế các linh kiện điện tử bán dẫn thế hệ cũ bằng thiết bị kỹ thuật số, lắp đặt các màn hình hiển thị LCD, trang bị phần mềm điều khiển vũ khí mới cho phép dẫn bắn các loại vũ khí hiện đại…

Sau nâng cấp những trực thăng Ka-28 của Việt Nam được đánh giá đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ tác chiến chống tàu ngầm khi phải đương đầu với đối thủ tiềm tàng.

Trực thăng Ka-28 của Việt Nam sau nâng cấp

10. Nâng cấp xe thiết giáp BTR-152

Xe thiết giáp BTR-152 của Việt Nam

BTR-152 là loại xe bọc thép chở quân mui trần không có khả năng đổ bộ và lội nước do Liên Xô chế tạo từ năm 1950. Cấu trúc thân xe kiểu thép hàn, vỏ giáp có độ dày từ 9 - 15 mm, phần mỏng nhất là 4 mm nằm ở sàn xe. Khoang chở quân có khả năng chở 1,9 tấn hàng hoặc 18 lính, do không có mui nên binh lính rất dễ bị tổn thương bởi mảnh đạn hay lựu đạn ném vào xe. Vũ khí chính của BTR-152 gồm 1 súng máy phòng không 12,7 mm và 1 súng máy 7,62 mm.

Xe thiết giáp BTR-152 của Việt Nam được Liên Xô viện trợ từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Do đã qua nhiều năm sử dụng, đến nay không còn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện và cơ động chiến đấu nên đòi hỏi phải được nâng cấp, sửa chữa.

Năm 2011, Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự - Tổng cục Kỹ thuật đã thực hiện dự án cải tiến, đồng bộ xe thiết giáp BTR-152 với nhiều ưu điểm và tính năng vượt trội. Các nội dung nâng cấp gồm: thay thế động cơ diesel mới tiết kiệm nhiên liệu hơn nhiều so với động cơ cũ chạy xăng; cải tiến hệ thống lái, lắp hệ thống trợ lực, lắp mui kín; phục hồi, cải tiến hệ thống bơm lốp tự động, lắp thêm đèn tín hiệu, còi, đèn ưu tiên, cần gạt mưa, kính chiếu hậu…

Sau cải tiến xe cho thấy có độ cơ động vượt trội (leo dốc, tăng tốc, chuyển hướng) so với nguyên mẫu đồng thời tăng cường khả năng di chuyển an toàn trong môi trường đô thị. Xe thiết giáp BTR-152 sau nâng cấp có thể coi như một loại HUMVEE của Việt Nam, thành công của dự án thí điểm đã được nhân rộng ở các địa phương, đơn vị, góp phần nâng cao khả năng cơ động, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị thiết giáp.

Xe thiết giáp BTR-152 sau nâng cấp

11. Nâng cấp xe thiết giáp V-100 Commando

Xe thiết giáp V-100 Commando trong Chiến tranh Việt Nam

V-100 Commando là loại xe bọc thép lội nước hạng nhẹ do hãng Cadillac Gage của Mỹ chế tạo. Đây là loại thiết giáp đa năng có thể dùng làm xe chở quân, xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe chống tăng và xe pháo cối. Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã đưa hàng trăm chiếc V-100 tới miền Nam để biên chế cho Quân cảnh, Không quân Mỹ và cả Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

V-100 có chiều dài 5,69m; rộng 2,26m; cao 2,54m; trọng lượng 9,8 tấn; tốc độ tối đa trên bộ 100 km/h và tốc độ bơi đạt 5 km/h; dự trữ hành trình 900 km, khả năng leo dốc 300. Thân xe V-100 dạng thuyền, mũi xe được thiết kế giảm sức cản nước khi bơi, hai bên thành xe dạng oval giúp tăng khả năng chịu lực của thân và có 2 cửa lên xuống cho binh lính. V-100 được bọc giáp thép Cadaloy 6 mm độ cứng cao, đủ khả năng chống chịu đạn cỡ 7,62 x 51 mm.

Sau ngày đất nước thống nhất, các xe thiếp giáp V-100 chiến lợi phẩm được Quân đội nhân dân Việt Nam biên chế cho nhiều đơn vị trinh sát thuộc Quân khu 7 hoặc 9 và đã tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Trải qua hàng chục năm sử dụng, V-100 đã bị xuống cấp nặng, động cơ xăng tiêu hao nhiên liệu lớn, nhiều thiết bị hỏng hóc và nguồn cung cấp đạn dược gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự thuộc Tổng cục kỹ thuật đã tiến hàng nâng cấp V-100 bằng cách thay thế động cơ diesel cho động cơ xăng, nâng cấp hệ thống phanh thủy lực, lắp đặt camera quan sát đêm, thay thế máy thông tin loại mới, thiết kế lại hệ thống điện, thay thế vũ khí Mỹ bằng vũ khí của Nga. Chỉ trong vòng 6 tháng, những chiếc V-100 nâng cấp đầu tiên đã hoàn thành và bắt đầu thử nghiệm. Sau khi nâng cấp, các tính năng kỹ thuật đều cao hơn xe nguyên bản, đảm bảo độ bền, tin cậy. Đặc biệt, tổng chi phí nâng cấp chỉ khoảng vài trăm triệu đồng/chiếc, tiết kiệm đáng kể ngân sách nhà nước so với phương án thuê nước ngoài.

Xe thiết giáp V-100 Commando chạy thử nghiệm sau nâng cấp

12. Nâng cấp radar cảnh giới thụ động Kolchuga

Radar cảnh giới thụ động Kolchuga của Việt Nam

Kolchuga là hệ thống trinh sát điện tử thụ động do Ukraine phát triển. Nó có thể phát hiện các mục tiêu bay từ khoảng cách 800 km ở mọi độ cao. Mỗi hệ thống gồm 3 đài thu tín hiệu sóng điện từ có thể bố trí cách nhau 10 km cùng 1 đài điều khiển xử­ lý tín hiệu trung tâm, có thể phát hiện và bám sát các loại phương tiện bay bằng giao hội sóng điện từ giữa 3 đài thu tín hiệu. Kolchuga cùng lúc bám sát được tín hiệu của 32 mục tiêu với đủ 3 tham số (cự ly, góc tà và phương vị). Các đài thu và trạm điều khiển trung tâm đ­ược đặt trên khung gầm xe vận tải việt dã Kraz 6x6.

Kolchuga được coi là một trong những hệ thống cảnh báo sớm đường không đặc biệt hiệu quả, nó có thể phát hiện các loại máy bay tàng hình hiện có hoặc sẽ xuất hiện trong tương lai thông qua sóng vô tuyến và sóng radar phát ra từ máy bay hoặc sóng điện từ phát ra từ động cơ. Theo tính toán, nếu đặt ở độ cao 100 m so với mặt đất và mục tiêu bay ở độ cao 10 km thì Kolchuga có thể phát hiện từ cự ly 450 km, còn mục tiêu bay ở độ cao 20 km thì cự ly phát hiện đạt tới 620 km. Hơn nữa, do là hệ thống cảm biến thụ động nên Kolchuga có khả năng sống sót cao vì không phát sóng nên các loại tên lửa bức xạ diệt radar không thể nương theo cánh sóng để bay tới tìm diệt.

Tuy nhiên theo Báo Quân đội nhân dân, sau khi về Việt Nam do gặp phải một số yếu tố ngoại cảnh tác động ví dụ như khí hậu quá nóng đã khiến hệ thống không hoạt động được như mong đợi. Trước tình hình trên 2 đề tài gồm: “Mở rộng dung lượng bộ nhớ radar Kolchuga” do Trung tá Nguyễn Văn Hải, Chủ nhiệm Kỹ thuật Trung đoàn radar 295 chủ trì và “Cải tiến hệ thống điều khiển máy lạnh radar Kolchuga” do Đại úy Nguyễn Trung Hậu, Phó chủ nhiệm kỹ thuật Trung đoàn radar 295 thực hiện đã được triển khai. Qua thực tế hoạt động, hệ thống mới cải tiến có độ ổn định cao, phù hợp điều kiện khai thác nên đã được Quân chủng Phòng không - Không quân nghiệm thu, đưa vào sử dụng từ tháng 7/2013.

Xe thiết giáp V-100 Commando được Việt Nam phục hồi và nâng cấp

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại