Để đánh thắng, Su-30MK2 VN cần phải được tiếp dầu trên không!

Chuyên gia quân sự Nam Hoài |

Muốn tác chiến bảo vệ biển đảo thắng lợi, lực lượng không quân chiến đấu mà nòng cốt là các đơn vị được trang bị máy bay tiêm kích Su-30MK2 phải xây dựng được thế trận không quân vững chắc.

LTS: Nhân câu hỏi "Việt Nam đã nên mua máy bay tiếp dầu trên không cho Su-30MK2?" đang thu hút rất nhiều bạn đọc bình luận rất rôm rả, nhóm chuyên gia quân sự quyết định cung cấp thêm thông tin về khả năng tiếp dầu của Su-30MK2.

Bài 1: Su-30MK2 của Việt Nam tiếp dầu trên không như thế nào?

 

BÀI 2: ĐỂ ĐÁNH THẮNG, SU-30MK2 VIỆT NAM CẦN PHẢI ĐƯỢC TIẾP DẦU TRÊN KHÔNG

Phải xây dựng được thế trận không quân vững chắc

Nước ta có bờ biển dài trên 3.260 km nằm tiếp giáp với biển quốc tế, với khoảng cách xa nhất không quá 800 km từ bờ tới các điểm đảo và vùng biển thuộc chủ quyền cần được bảo vệ của Việt Nam theo Công ước Luật biển quốc tế 1982.

Trên phần đất liền duyên hải tương đối hẹp nằm dọc theo đường bờ biển này, chúng ta đã có nhiều sân bay cả quân sự cũng như lưỡng dụng có thể làm căn cứ xuất kích cho Su-30MK2 khi nảy sinh tình huống tác chiến bảo vệ biển đảo.

Trước nay vẫn có ý kiến cho rằng số lượng sân bay ven biển có thể phục vụ tác chiến cho Su-30MK2 và bản thân tầm hoạt động của Su-30MK2 không làm phát sinh nhu cầu sở hữu năng lực tiếp dầu trên không cho loại máy bay này.

Ý kiến đấy quả thực không xác đáng nếu xét trong công tác chuẩn bị và thực hành tác chiến bảo vệ biển đảo nếu phát sinh tình huống khẩn cấp.

Muốn tác chiến bảo vệ biển đảo thắng lợi, lực lượng không quân chiến đấu mà nòng cốt là các đơn vị được trang bị máy bay tiêm kích Su-30MK2 phải xây dựng được thế trận không quân vững chắc.


Máy bay Su-30MK2 của Không quân Việt Nam. Ảnh: QĐND.

Máy bay Su-30MK2 của Không quân Việt Nam. Ảnh: QĐND.

Trong thế trận chung này, thế trận mặt đất có thể được chuẩn bị bài bản từ khi chưa phát sinh tình huống, gồm:

- Thế bố trí và tổ chức lực lượng chiến đấu.

- Bảo đảm chiến đấu, vũ khí, phương tiện kỹ thuật của không quân như hệ thống các sân bay, sở chỉ huy, các đài, trạm radar trinh sát, dẫn đường, trung tâm thông tin chỉ huy, kho hậu cần kỹ thuật và nhà xưởng sửa chữa vũ khí, khí tài,...

Tất cả quá trình chuẩn bị thế trận mặt đất theo phương châm “vững chắc, hiểm hóc” là nhằm tạo cho lực lượng Su-30MK2 có thể xuất kích bất ngờ, nhanh chóng tiếp cận khu vực biển đảo bị xâm lấn và kịp thời giáng trả thắng lợi đối với lực lượng của đối phương giả định.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải xác định rằng đối phương giả định luôn chiếm ưu thế trước chúng ta khi chủ động chọn thời điểm và địa điểm xâm lấn biển đảo, về số lượng và chất lượng vũ khí xâm lấn, về công tác trinh sát, thông tin, tình báo và tác chiến điện tử.

Những ưu thế này cho phép kẻ thù giả định có thể tiến hành các đòn tập kích phủ đầu, các chiến dịch chế áp và phong tỏa lực lượng không quân và hải quân của ta tiếp cận hiện trường từ những căn cứ xuất kích mà địch đã biết.

Chính vì thế, lực lượng chủ công Su-30MK2 phải xây dựng những phương án chiến đấu và phương tiện bảo đảm chiến đấu một cách linh hoạt, vừa nhằm khai thác tối ưu tính năng vũ khí, vừa nhằm ứng phó hiệu quả trước ưu thế của địch để thắng địch.

Lấy thế trận trên không linh hoạt, bất ngờ để bổ sung cho thế trận mặt đất tuy có hiểm hóc, vững chắc, nhưng luôn bị ưu thế của kẻ thù giả định nhắm tới, chính là tiền đề cho việc trang bị phương tiện tiếp dầu trên không cho lực lượng máy bay tiêm kích Su-30MK2.

Khi có phương tiện bảo đảm việc tiếp dầu trên không, máy bay tiêm kích Su-30MK2 sẽ được tăng thêm sức mạnh chiến đấu đáng kể.

Thứ nhất, Su-30MK2 sẽ tăng thêm thời gian trực ban trên không với đầy đủ cơ số vũ khí theo nhiệm vụ cho mỗi lần xuất kích, qua đó phản ứng kịp thời với các thời cơ tiêu diệt địch theo lệnh gọi hoặc khi tự trinh sát phát hiện mục tiêu.

Thứ hai, Su-30MK2 sẽ mang được lượng vũ khí tối đa thay vì phải mang quá nhiều dầu ngay từ khi xuất kích, qua đó tăng hiệu suất sử dụng vũ khí cho mỗi lần xuất kích chiến đấu.

Thứ ba, Su-30MK2 có thể cất cánh từ các đường băng dã chiến rất ngắn hoặc vừa được phục hồi, với đầy đủ cơ số vũ khí theo nhiệm vụ, qua đó đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ giáng trả địch giành chiến thắng.

Thứ tư, Su-30MK2 có thể tăng quãng đường bay thêm nhiều lần, qua đó giúp chỉ huy và phi công chuyển hóa thế trận trên không kịp thời.

Đồng thời tăng khả năng điều chỉnh hướng tiến công, chuyển đổi khu vực tác chiến và mục tiêu công kích, thay đổi đường bay và đội hình bay nhằm triệt tiêu ưu thế chiến thuật của lực lượng địch.


Máy bay vận tải quân sự đa dụng C-295M có thể gắn thiết bị tiếp dầu trên không. Ảnh: QĐND.

Máy bay vận tải quân sự đa dụng C-295M có thể gắn thiết bị tiếp dầu trên không. Ảnh: QĐND.

Lựa chọn phương tiện tiếp dầu trên không cho Su-30MK2

Việc lựa chọn phương tiện tiếp dầu trên không nào cho Su-30MK2 còn tùy thuộc vào nhu cầu nhiệm vụ của lực lượng bảo đảm của không quân trong từng thời kỳ và địa bàn tác chiến của không quân.

Có nhiều phương tiện tiếp dầu trên không cho Su-30MK2 như máy bay tiếp dầu chuyên dụng, máy bay vận tải quân sự đa dụng có năng lực tiếp dầu và máy bay tiêm kích có gắn thiết bị tiếp dầu trên không.

Các máy bay tiếp dầu chuyên dụng gồm loại hạng nặng như Ilyushin IL-78, Airbus A310/330 MRTT hay hạng trung Lockheed Martin KC-130B.

Các máy bay vận tải quân sự đa dụng có thể gắn thiết bị tiếp dầu trên không bao gồm Airbus A400M, Airbus DS C-295M, Alenia Aermacchi C-27J.

Máy bay tiêm kích có gắn thiết bị tiếp dầu trên không có thể gồm các máy bay tiêm kích của Nga phái sinh từ Mig-29 và Su-27.

Trong số các phương án lựa chọn trên, máy bay tiếp dầu chuyên dụng có ưu điểm là năng lực tiếp dầu lớn, chặng bay đường dài, có thể tiếp dầu cùng lúc cho nhiều máy bay, nhưng chúng lại đòi hỏi chiều sâu chiến dịch và lực lượng hộ tống đáng kể.

Điều đó làm phát sinh công tác bảo đảm và hộ tống tốn kém lực lượng chiến đấu để duy trì hoạt động của máy bay tiếp dầu chuyên dụng trên địa bàn tác chiến phức tạp khi phát sinh tình huống biển đảo.

Phương án trang bị máy bay vận tải quân sự đa dụng có gắn thiết bị tiếp dầu trên không có thể là giải pháp thay thế ít tốn kém và hạn chế rủi ro hơn so với phương án máy bay tiếp dầu chuyên dụng.

Hiện nay, hãng Airbus DS đang cung cấp gói thiết bị bổ sung tính năng tiếp dầu trên không cho các máy bay vận tải quân sự đa dụng C-295 đã và đang bán cho các khách hàng.

Nếu Việt Nam quan tâm tới gói thiết bị trên của Airbus DS thì với đội tàu bay C-295 đang khai thác, chúng ta có thể nhanh chóng sở hữu năng lực tiếp dầu trên không cho Su-30MK2.

Tuy nhiên, khi phát sinh tình huống xung đột quân sự ngoài biển đảo thì kẻ thù giả định luôn tìm cách khai thác ưu thế chiến thuật ban đầu của chúng để vô hiệu năng lực tiếp dầu trên không của Không quân ta ngay từ đòn tiến công phủ đầu.

Vì thế, phương án tối ưu nhất để bảo đảm năng lực tiếp dầu trên không cho mũi nhọn Su-30MK2 phát huy tối đa sức mạnh đánh địch là sử dụng chính các máy bay tiêm kích Su-27SK, Su-27UBK và Su-30MK2 hiện có và được gắn thêm thiết bị tiếp dầu trên không.


Thực hành tiếp dầu trên không giữa các máy bay tiêm kích Su-27UB và Su-27S. Ảnh: Zvezda.

Thực hành tiếp dầu trên không giữa các máy bay tiêm kích Su-27UB và Su-27S. Ảnh: Zvezda.

Bên cạnh khả năng mang theo lượng dầu tương đối lớn, các loại máy bay tiêm kích làm nhiệm vụ tiếp dầu trên không có tốc độ tương đồng và có thể mang theo vũ khí đối không để tự hộ tống và yểm hộ đội hình máy bay tiến công.

Theo các tài liệu khai thác từ hãng Sukhoi, máy bay tiêm kích Su-27SK và Su-27UBK có thể mang theo tối đa 9.400 kg nhiên liệu phản lực (12.000 lít dầu).

Số lượng dầu có thể tăng thêm nếu các máy bay tiêm kích Su-27SK/UBK mang thêm 2 thùng dầu phụ đeo dưới cánh loại PTB-2000 (mỗi thùng có dung tích 2.150 lít dầu).

Để mang được lượng dầu tối đa (gồm dầu trong máy bay và dầu từ thùng phụ), thiết bị tiếp dầu trên không, các vũ khí đối không tự vệ và hộ tống, máy bay tiêm kích Su-27SK/UBK và Su-30MK2 cần trải qua công đoạn nâng cấp hoán cải.

Kết quả của công đoạn này là việc đi lại các tuyến ống dẫn dầu từ thùng chứa tới các điểm treo thùng dầu phụ ở hai cánh và thiết bị tiếp dầu trên không ở dưới bụng máy bay, đồng thời thay càng đáp chính loại KN-41 đi kèm lốp 017A cho Su-27SK/UBK.

Về thiết bị tiếp dầu trên không lắp cho Su-27SK/UBK và Su-30MK2, hiện nay hãng Zvezda của Nga đang cung cấp thiết bị tiếp dầu trên không dạng thùng đeo dưới bụng máy bay tiêm kích được gọi là UPAZ.

Thùng tiếp dầu UPAZ có máy bơm dầu chạy bằng tua bin dòng khí và cuộn ống cấp dầu với chiều dài 28 m, đường kính 40 mm, công suất cấp dầu tối đa là 1.600 lít/phút

Trong Không quân Nga, thùng dầu UPAZ đã được gắn trên máy bay ném bom Su-24M và thử nghiệm trên các máy bay tiêm kích phiên bản Su-27 khác.

Qua những nội dung được trình bày trong bài này và bài trước, chúng ta đã cùng xem xét nhu cầu sở hữu năng lực tiếp dầu trên không cho Su-30MK2 và các phương án đáp ứng nhu cầu đó.

Hy vọng lực lượng không quân của chúng ta sớm trang bị phương tiện bảo đảm quan trọng này nhằm tăng thêm sức mạnh và khai thác tối đa ưu thế chiến thuật của máy bay tiêm kích Su-30MK2 trong chiến đấu bảo vệ biển đảo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại