Dàn vũ khí thải của Philippines có "ăn" được đồ cổ Nga?

Nằm trong chiến lược hiện đại hóa quân đội, Philippines quyết định mua sắm loạt vũ khí đã qua sử dụng của phương Tây.

Theo thông tin mới nhất được tạp chí Jane’s Defence Weekly cho biết, ngày 22/12/2013, công ty dịch vụ máy bay Rice (Mỹ) và Hawk Helicopter (Canada) đã trúng thầu cung cấp 21 trực thăng đa năng UH-1 Huey đã qua sử dụng cho Không quân Philippines. Được biết, trước khi bản hợp đồng UH-1 Huey lần này được ký kết, trong biên chế lực lượng Không quân Philippines có 36 trực thăng đa nhiệm UH-1H/V.
UH-1 Huey được phát triển vào năm 1955 trong quân đội Mỹ với bản thử nghiệm Bell 204. UH-1 Huey được sử dụng trong quân đội vào năm 1959 và đưa vào sản xuất hàng loạt năm 1962 dưới tên UH-1. Chiếc cuối cùng xuất xưởng năm 1976 với hơn 16.000 chiếc được sản xuất. Khi được tiếp nhận, Không quân Philippines sẽ sử dụng những trực thăng này cho “tìm kiếm cứu hộ và mục đích khác”.
Nằm trong chương trình hiện đại quân đội của mình, hiện nay Philippines đang tìm kiếm nhà thầu cung cấp 14 xe bọc thép chở quân M113 vào năm 2015. Phát ngôn viên Quân đội Philippines Anthony Bacus tuyên bố, số xe bọc thép M113 này sẽ lắp đặt tháp pháo 76mm được lấy từ xe tăng hạng nhẹ Scorpion. “Nó sẽ được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại cùng thiết bị trinh sát ảnh nhiệt. Sau khi được hoàn thành, xe bọc thép M113 vũ trang pháo 76mm trở thành vũ khí khá nguy hiểm”, ông này nói.
Thiết giáp chở quân M113 là loại xe phổ biến nhất trong lịch sử chiến tranh hiện đại. Ra đời vào cuối những năm 1950, cho tới ngày nay, có hơn 28.000 chiếc M113 đã được sản xuất với 12 phiên bản khác nhau nhưng chủ yếu là các phiên bản M113A1, M113A2, M113A3. Hiện nay, M113 còn phục vụ trên 50 quốc gia.
M113 có khối lượng chiến đấu 12,3 tấn, vỏ thép dày 12-38mm, kíp chiến đấu 2 người và có thể chở theo 1 tiểu đội bộ binh. Trên phiên bản chuẩn, M113 được trang bị một đại liên 12,7 mm và hai trung liên 7,62 mm bắn được về phía bên sườn. Với thiết kế khá nhỏ gọn, M113 vẫn loại thiết giáp đa năng.
Trong năm 2013, Philippines đã tiếp nhận 2 chiếc tàu đã qua sử dụng lớp Hamilton của Mỹ. Theo thông báo từ phía Philippines thì tàu lớp Hamilton dài 115 m, được Philippines mua lại từ Lực lượng Cảnh vệ bờ biển Mỹ năm 2012. Hai chiếc tàu lớp Hamilton từng phục vụ trong Lực lượng Cảnh vệ bờ biển Mỹ trong 4 thập kỷ.
Do chỉ là tàu của lực lượng cảnh vệ bờ biển nên tàu lớp Hamilton không được tên lửa mà sử dụng pháo hạm làm vũ khí tấn công chính. Tàu trang bị một pháo hạm Oto Melara 76mm, có tốc độ bắn khá nhanh khoảng 85 viên/phút, tầm bắn 20km. Loại pháo này chỉ thích hợp cho nhiệm vụ tiêu diệt mục tiêu cỡ nhỏ, tầm gần trên biển hoặc pháo kích bờ biển hỗ trợ tác chiến đổ bộ với hệ thống kiểm soát hỏa lực MK-92 dùng cho việc tác chiến phòng không và tấn công tàu nổi.
Ngoài ra, tàu còn được trang bị một tổ hợp pháo bắn nhanh MK-15 để tiêu diệt máy bay ném bom bổ nhào và đạn chống hạm của đối phương với tốc đố bắn đạt 3.500 phát/phút. Radar trinh sát phòng không trang bị cho tàu là loại AN/SPS-40E và radar trinh sát mặt biển AN/SPS-73. Với những gì được trang bị, tàu lớp Hamilton bị đánh giá rất thấp về năng lực tác chiến.
Tiếp tục chương trình hiện đại hóa quân đội bằng vũ khí đã qua sử dụng, hồi cuối tháng 7/2013, trang mạng Đông Phương cho biết, lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đầu tư hơn 6 triệu USD để mua sắm và cải tạo một tàu tuần tiễu cũ của Pháp. Ông Rena - Tư lệnh lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cho biết: “Các tàu tuần tiễu loại khác của lực lượng bảo vệ bờ biển tương đối phù hợp cho nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn cùng với bảo vệ môi trường và các nguồn lợi hải dương, còn chiếc tàu tuần tiễu đa năng mới này rất phù hợp với nhiệm vụ tuần tra chấp pháp và bảo vệ chủ quyền trên biển của Philippines”. (Trong ảnh: Tàu lớp Hamilton)
Tuy không tiết lộ đó là loại tàu nào, tuy nhiên ông Rena cho biết, chiếc tàu tuần tiễu này có chiều dài 54,8m. Nó được trang bị 1 bệ pháo hạm 40mm, 1 khẩu pháo phòng không 20mm và 2 khẩu súng máy 7,62mm. Hiện kế hoạch mua sắm đã được ông Joseph Abaya, Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải và truyền thông Philippines phê duyệt. (Trong ảnh: Tàu hộ tống lớp Peacock của Philippines)
Ngoài những vũ khí qua sử dụng mà Philippines quyết định mua, hồi đầu tháng 11/2013, Đài Loan còn có kế hoạch tặng Philippines 11 máy bay săn ngầm cũ S-2T. Được biết, S-2T là loại máy bay săn ngầm được Đài Loan đưa vào hoạt động từ hơn 40 năm nay. Máy bay này là loại hai động cơ cánh quạt, do hãng Grumman (Mỹ) sản xuất. S-2T được sản xuất từ những năm 1950, ban đầu dùng trên tàu sân bay Mỹ, có thể hoạt động trên không trung 4 giờ, bán kính tác chiến 450 hải lý (724 km). S-2T có gắn radar, trang bị thủy lôi Mk44 hoặc Mk 46, tải trọng khoảng 2 tấn.
Nhìn vào trang bị của của quân đội Philippines cho thấy, những vũ khí này khó có thể tác chiến hiệu quả nếu xảy ra một cuộc xung đột vũ trang với dàn vũ khí hiện đại của Hạm đội Nam Hải Trung Quốc trên Biển Đông. Bởi đây được coi là hạm đội mạnh nhất của Hải quân Trung Quốc với trang bị gồm: 29 tàu khu trục, 3 tàu đổ bộ đa năng cỡ lớn, 8 tàu ngầm thông thường, ít nhất 4 tàu ngầm hạt nhân chiến lược, 11 tàu đổ bộ xe tăng, 6 tàu vận tải cỡ lớn, 4 tàu đổ bộ hạng trung, 1 tàu bệnh viện và 4 tàu quét mìn. (Trong ảnh: Tàu hộ tống lớp Admirable Philippines)
Theo một số chuyên gia, với trang bị này của Hải quân Philippines, lực lượng này còn thua kém nhiều ngay cả với dàn vũ khí ra đời từ thời Liên Xô. Tàu hộ vệ săn ngầm Đề án 159 (NATO đặt tên là lớp Petya) phục vụ trong Hải quân Liên Xô từ 1961. Tàu có lượng giãn nước tiêu chuẩn 970 tấn (phiên bản 159A) đến 1.000 tấn (phiên bản 159AE), tốc độ khoảng 30 hải lý/giờ, thủy thủ đoàn 106 người. Hệ thống vũ khí của tàu gồm 2 bệ pháo 2 nòng AK-726 cỡ 76,2mm, 1 bệ 3 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm, 2 bệ pháo phản lực 12 ống phóng đạn chống ngầm RBU-6000 Smerch-2 và 22 thủy lôi.
Hồi đầu tháng 12/2013, Hải quân Ba Lan đã chính thức cho nghỉ hưu 2 tàu cao tốc tên lửa Project 1241RE. Được biết, hai chiếc tàu Project 1241RE (NATO định danh là Tarantul I) do Liên Xô sản xuất từ cuối những năm 1970. Loại tàu này có kích nhỏ với lượng giãn nước khoảng 496 tấn, dài 57m nhưng được thiết kế với hỏa lực mạnh cho phép tiêu diệt tàu chiến cỡ lớn hơn gấp nhiều lần, tàu đổ bộ và các loại tàu khác.
Tàu có thể tác chiến độc lập hoặc theo biên đội, hoạt động liên tục trên biển 10 ngày. Project 1241RE trang bị một pháo hạm AK-176M cỡ 76,2mm, 2 bệ pháo phòng không cao tốc AK-630 và 4 tên lửa hành trình chống tàu cận âm P-21/P-22 Termit (NATO định danh là SS-N-2B/C Styx) đạt tầm bắn khoảng 80kg, lắp đầu đạn nặng gần 500kg. (Trong ảnh: Tàu hộ tống lớp Auk của Philippines)
Tàu phóng lôi Đề án 206 (NATO đặt tên là lớp Shershen) có mặt trong Hải quân Liên Xô từ 1960. Tàu có lượng giãn nước tiêu chuẩn 129 tấn, tốc độ 46 hải lý/giờ, thủy thủ đoàn 21 người. Hệ thống vũ khí của tàu gồm 2 bệ pháo 2 nòng AK-230 cỡ 30mm, 4 ống phóng ngư lôi OTA-53-206 cỡ 533mm với cơ số ngư lôi 4 quả loại 53-56V, 12 bom chìm và 6 thủy lôi.
Tàu phóng lôi Đề án 206M (NATO đặt tên là lớp Turya) được đưa vào phục vụ trong Hải quân Liên Xô từ 1970. Tàu có lượng giãn nước tiêu chuẩn 218 tấn, tốc độ 44 hải lý/giờ, thủy thủ đoàn 25 người. Hệ thống vũ khí của tàu gồm 1 bệ pháo 2 nòng AK-725 cỡ 57mm, 1 bệ pháo 2 nòng 2M-3M cỡ 25mm, 4 ống phóng ngư lôi OTA-53-206M cỡ 533mm với cơ số 4 ngư lôi loại 53-56V/53-56VA/53-65K và 10 bom chìm.
Tàu tên lửa Đề án 205 (NATO đặt tên là lớp Osa) có mặt trong Hải quân Liên Xô từ 1960. Tàu có lượng giãn nước tiêu chuẩn 192 tấn, tốc độ 42 hải lý/giờ, thủy thủ đoàn 29 người. Hệ thống vũ khí của tàu gồm 4 bệ phóng tên lửa KT-161 với cơ số 4 đạn P-15U và 2 bệ pháo 2 nòng AK-230 cỡ 30mm.
Tuy với kích thước nhỏ gọn, nhưng các tàu chiến ra đời từ thời Liên Xô được trang bị hỏa lực mạnh có thể tiêu diệt những chiến hạm có kích thước lớn hơn nó nhiều lần. Như vậy, với những phương tiện - vũ khí Philippines mua sắm, rõ ràng nó không đủ mạnh để có thể đương đầu với một cuộc chiến thực sự trên Biển Đông. Trong ảnh: Tàu tuần tra cao tốc lớp Jose Andrada của Philippines.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại