Đội cát nảy mầm xanh
Gặp chúng tôi chị Vũ Thị Ngân - nguyên là Liên đội trưởng liên đội Thanh niên xung phong (TNXP) Bạch Long Vĩ (nay là Phó Giám đốc cảng Bạch Long Vĩ) nở nụ cười tươi rói, lấp lánh niềm tự hào về đơn vị cũ:
“Trên hòn đảo hoang sơ cằn cỗi này, từ năm 1993 đến nay, lực lượng TNXP đã chắt chiu từng giọt nước, từng đụn cát để hôm nay cánh rừng phi lao này trở thành rừng phòng hộ, nơi lưu giữ nguồn nước ngọt cho đảo. Những loại cây trước đây không thể trồng được thì nay đã có thể đội cát nảy mầm…”.
Từ nhỏ bố đã là thần tượng của em, nên em quyết chí nối nghiệp cha giữ đảo. Cảm thông với sự lựa chọn của chồng, vợ em cũng xin chuyển ra đảo công tác hồi tháng 7/2009.
Trung úy Đào Quang Ngọc
Gần 20 năm chinh phục hòn đảo, lực lượng TNXP đã trồng được 80 ha rừng, đồng thời nhận chăm sóc và bảo vệ gần 130 ha rừng trên đảo.
Những cây phi lao tiên phong cùng con người đương đầu với sóng gió là khởi nguồn cho công viên tuổi trẻ 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng ra đời.
Trong ký ức của anh Nguyễn Văn Bảy cũng thuộc thế hệ TNXP đầu tiên ra đảo, thì hình ảnh 62 con người cần mẫn sáng phát cỏ, chiều đào hố, chiều tối trồng cây, trồng xong lấy cỏ lấp một lớp dầy rồi úp lồ tre, dùng cọc cột chặt lồ tre lại để tránh gió cho cây vẫn in đậm.
Gió ở đây “đặc sản” lắm, nhất là gió mùa, chỉ cần đi một đoạn có thể sờ trên mặt một lớp hạt muối nhỏ li ti. Vì vậy mỗi cây phải chăm trong 3 năm mới có thể khẳng định có sống được với đảo hay không.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn tăng gia của đơn vị, Trung úy Đoàn Thanh Tuấn, Chính trị viên Đại đội Xe tăng 5 (Trung đoàn 952, Quân khu 3), chia sẻ:
“Biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ đổ mồ hôi xuống mảnh đất này.
Những ngày đầu cải tạo đất cực kỳ vất vả, phải dùng những chiếc rổ sàng cát, bỏ sỏi như các mẹ ngày xưa sàng gạo. Nhặt xong sỏi thì dùng phân của các loại động vật ủ với cỏ, để mục, rồi trộn đều với cát tạo mùn.
Cứ như vậy, diện tích dần được mở rộng, những hạt cát trắng ngày nào nhuộm thành đất màu cho những loại rau nảy mầm.
Khắp Trung đoàn bộ phận nào cũng trồng rau xanh, đơn vị không những bảo đảm đủ rau xanh cho bữa ăn bộ đội mà còn cung cấp cả rau cho bà con và tàu thuyền ngư dân cập đảo”.
Niềm tin miền sóng gió
Chị Vũ Thị Ngân kể, lúc đầu ra đảo chỉ toàn các chiến sỹ hải quân, phòng không, trạm khí tượng hải văn. Các chị tự hào là những người đem một nửa thế giới đến với đảo, đem bàn tay chăm sóc đảo, ru đảo mãi xanh trên dập dờn sóng nước.
Mầm xanh của cây đã theo TNXP nảy lộc đâm chồi và mầm đời đã gieo tiếng trẻ thơ gọi mẹ nơi bạt ngàn sóng gió.
Phạm Thị Ngoan, cô gái quê xã An Hòa, Vĩnh Bảo, Hải Phòng ra đảo từ năm 2006, đã se duyên cùng chàng trai Nguyễn Văn Hường cũng là TNXP, chia sẻ:
“Để nói lời cảm ơn chắc em sẽ dành lời đầu tiên cảm ơn đảo vì đó là nơi chắp cánh nhân duyên cho chúng em. Bé Vĩnh Nguyên- con trai em đã hơn 3 tuổi, sau này lớn lên chắc nó sẽ rất tự hào vì nó được sinh ra trên đảo, được coi là dân gốc của đảo.
Còn ông xã em đang tham gia dự án nuôi bào ngư giống tại Trung tâm sản xuất, cung cấp giống bào ngư của Tổng đội TNXP Hải Phòng. Em tin rằng rồi đây đảo sẽ phát triển không kém gì đất liền”.
Được biết hiện nay đã có hàng trăm gia đình trẻ lập nghiệp, định cư trên đảo, trong đó có 27 gia đình quân nhân, nhiều gia đình chồng là quân nhân, vợ là TNXP, có gia đình cả hai vợ chồng đều là TNXP.
Có mặt trong bữa cơm đầm ấm của gia đình Trung úy Đào Quang Ngọc, Khẩu đội trưởng Khẩu đội 1 (Đại đội 8, Trung đoàn 952),
Ngọc vồn vã giới thiệu cô vợ trẻ Nguyễn Thị Hằng đang công tác tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xổ số kiến thiết Hải Phòng - chi nhánh Bạch Long Vĩ.
Ghé thăm nhà trẻ của Liên đội TNXP, tiếng trẻ nô đùa như gieo vào lòng tôi niềm mong đợi. Cô giáo Nguyễn Thị Nga, cho biết:
“Bọn trẻ đáng yêu lắm anh ạ! Có lẽ chúng được môi trường thiên nhiên ưu đãi nên ít ốm đau.
Nhìn chúng lớn lên từng ngày cũng đủ ấm lòng, chắc không chỉ riêng em, mà đối với tất cả người dân ở đây, chúng là niềm tin và hy vọng nơi miền sóng gió này”.