Cùng lính ra đảo

Trọng Hùng |

May mắn và hạnh phúc, khi tôi được cùng những người lính Hải quân đặt chân đến đảo xa tác nghiệp.

Háo hức ngày lên tàu

Tháng 1-2012, tôi được Ban Biên tập phân công theo đoàn Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân đi thăm, tặng quà quân và dân huyện đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) và Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi).

Đây là lần đầu trong nghề làm báo, tôi được đi tác nghiệp ở đảo xa nên tâm trạng rất háo hức và mong đợi.

Vì vậy, gần 1 tuần trước ngày lên đường tôi tranh thủ tìm kiếm, thu thập mọi thông tin, tư liệu cần thiết về hai huyện đảo này, cộng với việc lân la học hỏi, tiếp thu những kinh nghiệm của đàn anh nhằm giúp ích cho việc tác nghiệp trên đảo.

Đúng 17 giờ ngày 13 tháng Chạp Tân Mão, đoàn lãnh đạo Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân và 13 nhà báo đến từ các báo, đài Trung ương và địa phương lên tàu vượt biển đi thăm, tặng quà Tết quân và dân hai huyện đảo này.

Sau khi ổn định chỗ ăn, ở, thuyền trưởng tàu HQ-628 thông báo mọi người cần nghỉ ngơi lấy sức vì phải mất hơn chục giờ đồng hồ tàu mới đến đảo Cồn Cỏ.

Trong số 13 phóng viên, nhà báo có mặt trên tàu, cũng có không ít phóng viên như tôi lần đầu được đến với đảo.

Vì thế, ai nấy đều có chung tâm trạng háo hức được đi, được thấy, được nghe, được ghi nhận những nỗ lực vượt qua khó khăn của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang ngày đêm nỗ lực bám đảo, bám biển bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Sau một đêm lênh đênh trên biển, tàu HQ 628 kéo những hồi còi dài báo hiệu đã đến đảo Cồn Cỏ. Nhìn từ xa, Cồn Cỏ được bao phủ một màu xanh của rừng cây giữa biển nước mênh mông. Phải mất gần 1 giờ chuyển tải qua tàu nhỏ, chúng tôi mới đặt chân lên đảo.

Như bao người con đất Việt khác, mỗi khi đứng trước biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, cánh phóng viên chúng tôi cũng có tâm trạng bồi hồi xúc động, với đủ mọi cung bậc cảm xúc khó tả, nhưng ngay sau đó mọi người lại nhanh chóng tập trung vào nhiệm vụ.

Chúng tôi tranh thủ trong lúc các lực lượng quân đội đóng trên đảo tiếp đoàn, vội đi thăm các hộ dân, tìm hiểu đời sống vật chất, tinh thần của họ; phỏng vấn các chiến sĩ về điều kiện sinh hoạt, công tác…

Với một khối lượng công việc nhiều, quỹ thời gian ngắn, nên chúng tôi ai nấy mồ hôi nhễ nhại bởi cái nắng mang vị mặn chát của muối biển táp vào mặt, thậm chí có phóng viên đến bữa trưa cũng bỏ ăn, tranh thủ đi thu thập tư liệu.

Mong một lần đến Trường Sa

Khó khăn về nơi sinh hoạt trên tàu hay tình hình địa lý cách trở trên vùng biển, đảo không phải là chuyện thường tình đối với các nhà báo tác nghiệp ở đảo xa.

Cái khó lớn nhất tác động trực tiếp đến tác nghiệp mà cánh phóng viên quan tâm nhiều chính là đường truyền Internet.

Trước khi đi tác nghiệp, chúng tôi đều trang bị đầy đủ máy tính xách tay, thiết bị 3G nhằm kịp thời chuyển tải tin tức, hình ảnh các hoạt động của quân và dân trên đảo đến độc giả

. Nhưng có những lúc cũng phải “bó tay” vì không có bất cứ tín hiệu nào của sóng điện thoại hay sóng 3G khi tàu rời đảo, vì thế các phóng viên tranh thủ chuyển thông tin qua Internet khi tàu chưa di chuyển.

Phóng viên Đình Thiệu, công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết:

“Tôi đã có dịp tác nghiệp tại đảo Cồn Cỏ và Lý Sơn cách đây vài năm và hôm nay đến đây, tôi rất vui khi các điều kiện về văn hóa về tinh thần cho người dân đã phát triển, giờ đây tôi có thể ngồi làm việc ở một quán cà phê…”

Do phải di chuyển liên tục trên tàu và thời gian tác nghiệp không nhiều tại hai huyện đảo Cồn Cỏ và Lý Sơn, nên hầu hết nhà báo đều tranh thủ bất cứ lúc nào có thể, từ ngay trên boong tàu, hay trong một góc khuất căn phòng nhỏ của các thuyền viên.

Nhà báo Trung Nghĩa, công tác tại Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng cho rằng, để quay được nhiều hình ảnh từ các buổi tiếp xúc với lính đảo, đời sống của cư dân trên đảo, người quay phim phải chạy đua với thời gian.

Cũng lần đầu được đến đảo xa, một phóng viên nữ của Báo Nhân dân bày tỏ mong muốn có thêm nhiều chuyến đi đảo để hiểu thêm cuộc sống của người lính đảo và qua đó bản thân trau dồi được nhiều kinh nghiệm sống, để việc tuyên truyền về biển, đảo trong thời gian tới được tốt hơn.

Khi về lại đất liền, 13 nhà báo, phóng viên được may mắn ra đảo lần này đều mong muốn một lần trong đời được đặt chân đến Trường Sa tác nghiệp, bởi tác nghiệp ở đảo xa không chỉ đem đến cho chúng tôi một cơ hội trải nghiệm quý báu, một góc nhìn mới về một lĩnh vực, một địa danh mà bất cứ người làm báo nào cũng ước ao đặt chân đến, mà hơn nữa qua đó nuôi dưỡng, bồi đắp thêm niềm đam mê, gắn bó với nghiệp báo mà mình đã chọn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại