Công bố đáp án: Tại sao Mỹ thường mở màn các cuộc chiến bằng tập kích đường không?

Chuyên gia quân sự Nam Hoài |

Không kích chỉ đóng vai trò mở màn và hỗ trợ cho các biện pháp quân sự hoặc đe doạ sử dụng biện pháp quân sự kế tiếp một cách đơn phương hay tập thể do Mỹ phát động để can thiệp vào một quốc gia có chủ quyền. Nhóm chuyên gia quân sự công bố đáp án và trao thưởng như sau.

ĐÁP ÁN:

Trước hết, không phải hầu hết các chiến dịch quân sự của Mỹ đều được thực hiện bằng không kích.

Không kích chỉ đóng vai trò mở màn và hỗ trợ cho các biện pháp quân sự hoặc đe doạ sử dụng biện pháp quân sự kế tiếp một cách đơn phương hay tập thể do Mỹ phát động để can thiệp vào một quốc gia có chủ quyền.

Vì thế chỉ có thể nói rằng hầu hết các chiến dịch quân sự của Mỹ đều được phát động bằng không kích, hay còn gọi là tập kích đường không.

Mục đích chính là nhằm nhanh chóng, bất ngờ phá huỷ thế trận phòng không và lực lượng chiến đấu đối kháng, đồng thời tiêu diệt các mục tiêu chỉ huy chiến lược để làm rối loạn tổ chức chỉ huy và dập tắt ý chí kháng chiến của tầng lớp lãnh đạo chính trị, quân sự đối phương, qua đó giành thắng lợi hoặc hỗ trợ cho lực lượng tiến công trên bộ giành thắng lợi với mức thương vong ít nhất có thể.

Kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ 2, các chiến dịch quân sự của Mỹ thường được lực lượng viễn chinh Mỹ tiến hành ở nước ngoài.

Khi tiến hành các chiến dịch này, lực lượng viễn chinh Mỹ phải sử dụng các căn cứ quân sự đặt tại các nước đồng minh hoặc chư hầu, cũng như các căn cứ quân sự cơ động trên biển như các nhóm tác chiến tàu sân bay hoặc nhóm tác chiến viễn chinh đổ bộ, để tiến hành các chiến dịch không kích đối phương.

Lực lượng viễn chinh Mỹ có thể tiến hành các trận không kích độc lập hoặc hiệp đồng bằng các phương tiện bay và các phương tiện mang phóng tên lửa hành trình khác của không quân, hải quân, lính thuỷ đánh bộ và quân đội đồng minh, chư hầu.

Từ cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh lần 1 diễn ra vào năm 1991 về sau, lực lượng viễn chinh Mỹ thường tiến hành các chiến dịch tập kích đường không chiến lược quy mô lớn với hoả lực đường không chính xác, áp đảo, dồn dập của máy bay và tên lửa hành trình để vô hiệu toàn bộ hoạt động chỉ huy, lãnh đạo kháng chiến của bên đối địch ngay từ khi phát động xâm lược hay can thiệp quân sự.

Đây chính là các cuộc không kích theo “học thuyết Shock & Awe” mà chúng tôi sẽ trình bày sâu hơn trong một dịp khác.

TRẠO GIẢI:

Sau khi xem kỹ các phần bình luận, nhóm chuyên gia quyết định trao thưởng cho bạn Lão Nô, với đáp án chưa phải tối ưu nhưng có thể "chấp nhận được".

Phần bình luận của bạn Lão Nô (09h27, ngày 05-11-2015) như sau:

Chiến tranh thế giới đã đi qua rất lâu nhưng đâu đó vẫn còn văng vẳng tiếng súng ở những cuộc chiến cục bộ. Từ cuộc chiến Triều Tiên, đến cuộc chiến Việt Nam, đến các chiến dịch Bão Táp Sa Mạc hay gần đây nhất là cuộc chiến chống IS, quân đội Hoa Kỳ mà cụ thể là lực lượng không quân Hoa Kỳ trở thành lực lược chủ đạo trong các cuộc tấn công cấp chiến dịch, chiến lược.

Điều này có căn nguyên của nó. 

1. Giá trị cốt lõi của các học thuyết quân sự của Mỹ. 

Sau Đệ nhị Thế chiến, Hoa Kỳ bước vào cuộc chiến tranh Lạnh với Liên Xô và các nước XHCN. Sau thời kỳ chiến tranh lạnh là thời kỳ hậu chiến tranh Lạnh trôi qua chóng vánh trong nhiệm kỳ tổng thống Bush cha.

Đến nhiệm kỳ của tổng thống Bill Clinton, chiến lược toàn cầu được ra đời cho đến ngày hôm nay. Vị thế của Hoa Kỳ từ "sen đầm" chuyển qua trách nhiệm "trọng tài" của vị thế "đứng đầu thế giới". 

Dù đã đưa ra nhiều học thuyết chiến lược khác nhau nhưng xuyên suốt khoảng thời gian từ sau thế chiến đến ngày hôm nay, nước Mỹ chỉ hướng đến mục tiêu: đặt thế giới vào trong tầm kiểm soát của mình, gia tăng an ninh cho Mỹ và người Mỹ, đẩy lui những nguy cơ đe dọa tới sự bình ổn của nước Mỹ ra càng xa càng tốt. 

Từ đây việc hiện đại hóa quân sự cũng dựa trên những yếu tố, quyết sách này. Từ việc gia tăng hiện diện quân sự bằng việc mở hàng loạt các căn cứ quân sự trên khắp thế giới cho đến việc nghiên cứu chế tạo máy bay, tàu sân bay, tàu chiến, ... có khả năng tác chiến xa.

Rồi việc nghiên cứu, hình thành hệ thống vệ tinh định vị, giám sát, theo dõi toàn cầu. Tất cả chỉ nhằm mục đích đảm bảo "tai mắt" giám sát mọi động tĩnh và phản ứng kịp thời để nước Mỹ không bị bất ngờ trước các cuộc tấn công bằng quân sự.

2. Sự phát triền của các Hạm đội hàng không mẫu hạm 

Trong thế chiến thứ 2, vai trò của Hải quân nói chung và hàng không mẫu hạm nói riêng được thể hiện ngày một rõ rệt. Sự hiện diện của các tàu sân bay dần chiếm ưu thế và thay thế sự chủ chốt của các thiết giáp hạm.

Với tầm hoạt động rộng lớn cùng với khả năng cơ động của các loại máy bay được trang bị theo tàu sân bay, phạm vi tấn công của quân đội Mỹ được gia tăng gắp nhiều lần với độ chính xác, khả năng duy trì hỏa lực và tính áp chế mạnh mẽ hơn bao giờ hết. 

Đồng thời, sự hiện diện của tàu sân bay cho phép không quân hải quân Mỹ không chịu sự phụ thuộc vào vị trí các căn cứ quân sự cố định. Với tàu sân bay, Mỹ có thể đem "công lý" đi khắp thế giới và thực thi điều này theo cách của Mỹ. 

Sự phát triển của tàu sân bay kéo theo sự phát triển của các hệ thống, phương tiện bảo vệ tàu sân bay, từ đó hình thành nên những hạm đội tàu sân bay có đầy đủ hậu cần, kỹ thuật, bộ chỉ huy chiến thuật và khí tài cho bất cứ sự cân thiệp vào bất cứ cuộc chiến nào dù lớn hay nhỏ và ở bất cứ đâu. 

Đây là điều kiện tiên quyết để hình thành nên chiến lược không kích phủ đầu của Mỹ trong hầu hết các cuộc chiến tranh sau Đệ nhị thế chiến.

3. Sự phát triển mạnh mẽ, hiện đại của máy bay quân sự 

Bên cạnh sự lớn mạnh và ngày càng hiện đại của các lớp tàu sân bay, thì việc nghiên cứu, phât triển và chế tạo các loại máy bay chiến đấu chiến lược cũng đóng góp một phần quan trọng trong chiến lược "đánh úp" của Mỹ. 

Ban đầu, xuất phát từ những máy bay cánh quạt vận tốc dưới âm như Skyraider, P-38, ... đến những máy bay hiện đại ngày nay như F-35, F-18, ... có vận tốc mạnh gấp nhiều lần âm thanh cùng tầm tác chiến ngày càng được mở rộng khiến cho lực lượng không lực Mỹ ngày càng với tay ra khắp thế giới. 

Cùng với hệ thống căn cứ quân sự, các hạm đội tàu sân bay thiện chiến của mình, quân đội Mỹ còn phát triển hệ thống máy bay hậu cần nhiên liệu phục vụ cho việc tác chiến đường dài với những máy bay xuất phát từ các sân bay nội địa của Mỹ như các máy bay ném bom chiến lược B-1, B-2, ... từ đó giới hạn với nước Mỹ không còn là bầu trời.

4. Sự phát triển của tên lửa hành trình 

Dưới đôi cánh của những máy bay chiến đấu hay trong những hầm phóng tên lửa từ các tàu chiến viễn hải, những quả tên lửa hành trình được phóng đến mục tiêu được vạch đường bằng hệ thống vệ tinh quân sự cùng radar chủ động hiện đại.

Đây có thể nói là di sản rõ nét nhất của thế chiến thế giới và thời kỳ chiến tranh lạnh. 

Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, sự phát triển tên lửa đạn đạo (xuất phát từ những tài liệu và các phiên bản được tịch thu tên lửa V-1, V-2 của Đức Quốc xã) trở thành cuộc chạy đua vũ trang kịch tính và nguy hiểm nhất lịch sử nhân loại mà đỉnh điểm là cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân Cuba.

Song song với đó là thành quả của các công trình nghiên cứu tên lửa đẩy vũ trụ trong cuộc đua đưa người ra ngoài không gian. Những di sản này đã tạo nên những vũ khí quy ước sau này như tên lửa Tomahawk.

Từ đây, nước Mỹ có thể tấn công đối phuơng mà không cần lộ diện.

Tất cả những yếu tố này tựu chung lại nhằm mục đích cuối cùng tấn công đối phương từ rất xa, áp chế ngay trong loạt đạn đầu tiên, tiêu diệt các mục tiêu trọng yếu của địch, giảm thiểu thương vong cho lính Mỹ khi tham chiến.

Và cuối cùng, điều quan trọng nhất là không để nước Mỹ bị uy hiếp ở tầm gần, đẩy chiến tranh ra xa khỏi Bắc Mỹ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại