Công bố đáp án: Xe tăng "bay" liệu có thể bắn trúng mục tiêu?

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Đây là câu hỏi tương đối khó, nhưng có những bạn đọc đã thể hiện kiến thức sâu về lĩnh vực này. Nhóm chuyên gia quân sự xin công bố đáp án và bạn đọc được trao thưởng như sau.

Ước mơ đã thành hiện thực

Nhìn tấm ảnh chiếc xe tăng T90 vừa lao như bay qua vật chướng ngại vừa phát hỏa chắc hầu hết mọi người đều cho rằng phát bắn đó không thể trúng mục tiêu. Không! Phát bắn đó hoàn toàn có thể trúng đích nhờ một thứ: thiết  bị ổn định vũ khí.

 
Đại tá nguyễn khắc nguyệt
Nguyên Trưởng ban KH-CN-MT Trường Sĩ quan Tăng - Thiết giáp, nguyên chiến sĩ lái xe tăng số 380 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn 203, cùng đơn vị với các xe tăng 390 và 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30-04-1975. Tác phẩm: Bão thép (4 tập), Bút ký lính tăng: Hành trình đến Dinh Độc Lập,...

Trong chiến đấu, xe tăng thường áp dụng ba phương pháp bắn sau:

- Tại chỗ hoặc dừng bắn: Khi phát hiện được mục tiêu, xe tăng dừng tại chỗ bắn một vài phát pháo hoặc vài loạt sung máy cho đến khi diệt được mục tiêu rồi mới cơ động tiếp.

Phương pháp này cho phép ngắm bắn rất chính xác song cũng rất nguy hiểm vì xe tăng dừng tại chỗ cũng sẽ là miếng mồi ngon cho đối phương.

- Tạm dừng bắn: Xe tăng đang chạy, phát hiện được mục tiêu lập tức tiến hành mọi công tác chuẩn bị cho phát bắn như: lấy thước ngắm, nạp đạn, ngắm sơ bộ v.v.. Khi pháo thủ đã bắt được mục tiêu sẽ ra lệnh cho lái xe “tạm dừng”.

Trong lúc xe dừng pháo thủ sẽ ngắm chính xác và bắn. Sau khi bắn lái xe lập tức cơ động. Sau một vài lần dừng- mỗi lần dừng không quá 10 giây - sẽ tiêu diệt được mục tiêu.

Phương pháp này cho phép ngắm bắn tương đối chính xác và đỡ nguy hiểm cho kíp xe so với xe dừng tại chỗ.

- Hành tiến bắn - nghĩa là xe vừa chạy vừa bắn. Đây là phương pháp bắn thể hiện được cao nhất sức mạnh tổng hợp của xe tăng, tạo được sự áp đảo rất lớn về mặt tinh thần với đối phương.

Tuy nhiên, do chấn động, rung xóc… nên ngắm bắn khó và xác suất trúng mục tiêu thường không cao.

Theo thống kê trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, khi vừa chạy vừa bắn thì xác suất trúng của pháo trên T34-85 chỉ vào khoảng dưới 10%, nghĩa là phải bắn hàng chục phát mới diệt được một mục tiêu.

Làm thế nào để pháo luôn “bám sát” mục tiêu bất kể xe chuyển hướng, vượt qua mọi địa hình phức tạp để nâng cao xác suất trúng mục tiêu trong khi vừa chạy vừa bắn đã là niềm mơ ước của các nhà chế tạo xe tăng ngay từ khi nó mới xuất hiện.

Tuy nhiên, giấc mơ đó chỉ thành hiện thực vào thập niên 50 của thế kỷ trước - khi thiết bị ổn định vũ khí trên xe tăng ra đời.

Cái gì làm cho vũ khí luôn nhắm vào mục tiêu

Thực ra nói như thế không thật chính xác cho lắm vì máy ổn định không giữ được cho vũ khí không rời mục tiêu mà chỉ giữ cho vũ khí luôn luôn song song với phương ban đầu của nó mà thôi.

Như vậy, nếu như không có chuyển hướng lớn và đột ngột thì cũng đúng là nó luôn nhắm vào mục tiêu. Vậy cái gì làm nên điều đó? Xin thưa: đó là do các đặc tính của “con quay hồi chuyển”.

Nói nôm na, con quay hồi chuyển là một vật nặng quay quanh một trục với tốc độ cao. Nhờ định luật bảo toàn động lượng nên nó có 2 đặc tính cơ bản là “định trục” và “tiến động”

Định trục là khả năng giữ cho trục quay của nó luôn song song với phương ban đầu.

Tiến động là khi có ngoại lực tác dụng vào trục quay thì nó không chuyển động theo phương của ngoại lực mà lại chuyển động vuông góc.

Có thể quan sát cả hai đặc tính này trong trò chơi đánh “gụ” của trẻ em. Con gụ quay tít có thể đứng trên mũi đinh (định trục), còn khi tác động vào nó một lực thì nó lại dạt sang bên cạnh (tiến động).

Với các đặc tính như vậy nên khi đạt con quay lên bệ đỡ ba bậc tự do thì dù bệ đỡ có quay đi đâu trục của con quay vẫn ở nguyên vị trí.

Khi máy ổn định làm việc, trục của con quay và trục nòng pháo súng được đồng bộ cho song song với nhau. Trường hợp xe chuyển hướng hoặc lên xuống dốc làm thay đổi góc pháo đồng thời làm thay đổi vị trí tương đối giữa bệ con quay với trục của nó.

Tín hiệu về góc độ lệch và tốc độ lệch này được chuyển hóa thành tín hiệu điện qua một “biến áp xoay”, sau đó nó được khuyếch đại lên và đưa tới các cơ cấu thực hiện (động cơ điện hay xi lanh thủy lực) để khôi phục vị trí ban đầu cho nòng pháo súng.

Còn khi muốn ngắm pháo súng sang một vị trí khác người ta sẽ tác động một lực vào trục con quay, tác động này cũng phát sinh tín hiệu và sau đó được khuyếch đại và truyền đến các cơ cấu thực hiện để đưa pháo về vị trí mới.

Ngay từ khi ra đời máy ổn định đã được đưa vào sử dụng trên máy bay, tàu chiến và xe tăng. Ở Liên Xô (cũ) các xe T-54 đời đầu chưa có máy ổn định. Đến đời T-54A thì có máy ổn định một mặt phẳng (về tầm hoặc cao thấp).

Chỉ từ T-54B trở đi mới có máy ổn định 2 mặt phẳng (cả tầm và hướng). Thiết bị đó ngày càng được hoàn thiện và chính xác hơn.

Nhờ có máy ổn định, xác suất trúng khi bắn trong hành tiến từ pháo tăng tăng lên rất nhiều, có thể đạt được từ 50% đến 70% tùy điều kiện cụ thể.

Vì vậy, hoàn toàn có thể nói rằng: Sự xuất hiện máy ổn định là một cuộc cách mạng trong hệ thống điều khiển hỏa lực và tất nhiên là: “Xe tăng bay” hoàn toàn có thể bắn trúng mục tiêu!

Mặc dù có nhiều bạn đọc rất tâm huyết nhưng hầu hết các câu trả lời vẫn chưa thật sự hoàn chỉnh, tuy nhiên, để khuyến khích, Nhóm chuyên gia quân sự vẫn quyết định trao thưởng cho bạn đọc Lê Chí Hiếu với đáp án chấp nhận được. Xin chúc mừng bạn.

Câu trả lời của bạn Lê Chí Hiếu (15h54, ngày 11-10-2015) như sau:

Thiết bị dẫn đường, đạn của xe tăng hiện đại có xu hướng bảo đảm: 
- Sự xác định tự động tọa độ của xe tăng 
- Tự động xác định góc hướng (phương vị) của xe tăng 
- Tự động xác định góc hướng (phương vị) tới điểm đến 
- Báo khu vực, vị trí của xe tăng trên bản đồ địa hình 
- Xác định tự động những sự khác nhau của tọa độ vị trí xe tăng và tọa độ điểm đến.

La bàn của pháo binh có trong tổ hợp được sử dụng cho việc xác định góc hướng trong những điều kiện quan sát kém và không có mốc quan sát.

Toàn bộ các xe tăng được trang bị thiết bị xác định vị trí địa hình và dẫn đường TNA-M “Gamma” trên cơ sở máy hồi chuyển sợi quang học.

Thiết bị được tổ hợp hóa trong sự tiếp nhận thiết bị chỉ thị của hệ thống dẫn đường vệ tinh định vị toàn cầu GLONASS và (hoặc) NAVSTAR.

Trong thành phần của nó gồm: hệ thống đồng hồ tự định hướng chính xác cao, cho phép trên đo đạc tọa độ góc không gian tức thời trên tỷ lệ thực, bảng, máy tọa độ với bảng tổng hợp nguyên gốc và đồng hồ chỉ hướng.

Trong vài trò xe tăng chỉ huy, ví dụ trên T-90 lắp thiết bị “Gamma-1” hoặc “Gamma-2”. Các thiết bị nạp đạn tự động, tính góc phương vị và khoảng cách mục tiêu tự động trong bất kỳ thời điểm nào là một lợi thế rất lớn cho khả năng bắn đạn khi đang di chuyển.

Hệ thống ổn định 3 trục hay 4 con quay hồi chuyển, một thực tế chỉ ra rằng việc bố trí không gian hợp lý các thiết bị trong xe để đảm bảo tính hợp lý hiệu quả khi tác chiến là khó hơn người ta nghĩ rất nhiều.

Kết luận: Xe tăng hiện đại ngày nay đã có thể khai hỏa bắn mục tiêu khi đang "bay". Tuy nhiên độ chính xác và trải nghiệm thực tế là chưa nhiều để chúng ta có thể kết luận tính hiệu quả đột phá của nó.

P/S : Khả năng về lý thuyết cấu tạo và vận hành là bao la,tuy nhiên hệ thống phụ trợ,cơ sở hạ tầng phục vụ và hiệu quả thực tế mới là then chốt.Chính vì vậy mà Xe tăng của Trung Quốc tuy vẫn đảm bảo hoạt động nhưng không thể so sánh với các xe tăng cùng thế hệ của Mỹ, Nga, Anh, Đức....

Ngoài ra, cũng có những bạn đọc khác thể hiện kiến thức khá sâu về lĩnh vực này như Lã Xuân Linh, Minh Tâm, Lê Quang Hưng,... nhưng vẫn chưa thật sự toàn diện. Vì vậy, chúc các bạn may mắn trong những câu hỏi tiếp theo.

Trân trọng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại