CNQP Ấn Độ: Vũ điệu thần Shiva "lạc nhịp và đầy nghịch lý"!

Tâm Minh |

Ấn Độ với tiềm lực quân sự hàng đầu thế giới nhưng ít ai hình dung về hành trình gian truân “lạc nhịp và đầy nghịch lý" đến khó hiểu về nền công nghiệp quốc phòng của họ.

Ấn Độ, một cường quốc hạt nhân hạng trung với tên lửa đạn đạo vượt đại châu; một nền văn hoá đa thần lâu đời bậc nhất; là nền kinh tế có quy mô thứ 10 thế giới...

Thật vậy, Ấn Độ với tiềm lực quân sự hàng đầu thế giới nhưng ít ai hình dung về hành trình gian truân “lạc nhịp và đầy nghịch lý" đến khó hiểu về nền công nghiệp quốc phòng (CNQP) của họ.

Có thể xem nơi đây hàm chưa nhiều bài học nhất nhì thế giới về phát triển công nghiệp quốc phòng cho các nước kém phát triển rút tỉa kinh nghiệm.

Chúng ta cùng điểm qua các đặc điểm của nền quốc phòng đầy trắc trở với tham vọng tự chủ từ rất sớm này.


Pháo 155ly L45 bán tự hành Dhanush do OFB sản xuất rất giống FH-77B02 của BOFORS.

Pháo 155ly L45 bán tự hành Dhanush do OFB sản xuất rất giống FH-77B02 của BOFORS.

Những chương trình vũ khí trang bị kết thúc không có hậu

Như đã trình bày, Ấn Độ luôn cố gắng tự chủ mọi vũ khí trang bị từ thấp đến cao. Tuy nhiên, các chương trình vũ khí của họ khá tốn kém, kéo dài, trượt giá đến mức đắt hơn cả hàng nhập khẩu và khi chuẩn bị trang bị hàng loạt thì đã lạc hậu.

Khẩu súng trường L1A1 của Bỉ từng là vũ khí cá nhân trang bị chính quy trong Quân đội Ấn Độ từ những năm 1950.

Đến giữa những năm 1980, Quân đội Ấn Độ yêu cầu phát triển một hệ vũ khí cá nhân đa dụng INSAS (Indian Small Arms System) dùng cỡ đạn 5,56 x 45 mm để thay thế L1A1 vốn dùng cỡ đạn 7,62 x 51 mm rất lớn và đã lạc hậu với súng cá nhân.

Kết quả là Cơ quan nghiên cứu phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) và Hệ thống các nhà máy quốc phòng OFB (Ordnance Factories Board) cho ra đời một khẩu súng trường nặng 4,15kg vào năm 1998. Một kết quả khá muộn màng.

Sau 30 năm thăng trầm trắc trở với một số lượng nhỏ được trang bị thì đến tháng 4 năm 2015, Quân đội Ấn Độ buộc phải thay thế tạm thời INSAS bằng AK-47 và gọi thầu cung cấp súng trường cho quân đội từ 34 công ty nước ngoài.

Nhưng sau đó lại huỷ thầu để phát triển phiên bản kế tiếp của INSAS gọi là Modified INSAS Rifle (MIR) và không biết đến bao giờ MIR mới đi vào trang bị.

Tejas LCA là chương trình máy bay chiến đấu nội địa hạng nhẹ của Bộ Quốc Phòng (BQP) nước này, được thiết kế nhằm tạo ra một dòng máy bay bội địa, thay thế các máy bay tiêm kích đánh chặn nhập khẩu chuẩn bị lỗi thời vào đầu những năm 1970.

Tuy nhiên, dù hoàn thành thiết kế từ 1975, chương trình vẫn kéo dài đến hơn 40 năm với bao trắc trở. Nếu không có các chuyên gia của Boeing, không biết ngày nay nó đã bay được chưa.

Cho đến hôm nay, máy bay Tejas vẫn chưa đi vào trực chiến và có thể coi nó là chiếc máy bay lạc hậu của thập kỷ 1980, không đáng đưa vào trang bị.

Giá của nó cũng đắt ngang các máy bay tân tiến nhất của Tây Âu như Rafale, EF-2000 Typhoon, Jas-39 Gripen dù tầm vóc công nghệ lạc hậu hơn rất xa. Đây là bài học về lựa chọn hướng đi tự chủ vũ khí sai lầm do không biết lượng sức mình.


Máy bay tiêm kích hạng nhẹ Tejas của Hindustan Aeronautics Limited (HAL).

Máy bay tiêm kích hạng nhẹ Tejas của Hindustan Aeronautics Limited (HAL).

BHIM là chương trình pháo tự hành nội địa trên khung gầm xe tăng Ajun sản xuất trong nước kết hợp giữa thiết kế của Denel Land System (Nam Phi) và năng lực sản xuất của OFB, Larsen & Turbo từ 1999.

Ấn Độ khá tự tin sau khi mua khoảng 410 khẩu pháo bán tự hành Bofors FH-77B02 từ Thuỵ Điển kèm theo một số công nghệ từ những năm 1980. Họ thuê Denel thiết kế và muốn tận dụng công nghệ này từ Bofors cho loại pháo tự hành của riêng họ.

Sau những nỗ lực không ngừng thì cuối cùng họ chỉ có bản copy của FH-77B02 là pháo bán tự hành Dhanush. Nếu không mua công nghệ tiếp thì vô phương sản xuất nòng pháo 155mm/L52.

Chỉ có điều Denel từ chối bán công nghệ. BHIM và Advanced Towed Artillery Gun System (ATAGS) với nòng pháo 155mm/L52 đành gác lại để gọi thầu chương trình mới. Ứng viên chiến thắng là K-9 Thunder từ Samsung Techwin, Hàn Quốc.

Hy vọng từ đây họ sẽ giải quyết được toàn diện các công đoạn chế tạo Dhanush 155mm/L52. Như vậy, thành quả của cả quá trình mua bán, nghiên cứu mất 35 năm chỉ là dùng công nghệ, sản phẩm mẫu mua từ nước ngoài để sản xuất pháo 155mm trong nước.

Theo nhiều chuyên gia, một chương trình như thế nhẽ ra chỉ cần 5 năm như MKEK (Thổ Nhĩ Kỳ) sản xuất tất cả các pháo 155mm/L52.


Nguyên mẫu pháo tự hành BHIM trên khung gầm xe tăng Arjun do Denel xây dựng.

Nguyên mẫu pháo tự hành BHIM trên khung gầm xe tăng Arjun do Denel xây dựng.

Arjun là chương trình xe tăng tiên tiến của Quân đội Ấn Độ được khởi động từ khá sớm, năm 1972, thời điểm mà loại T-72 nổi tiếng bắt đầu sản xuất loạt đầu tiên.

Đây là chương trình ban đầu được xem là đã giảm các tham vọng nhằm tránh thất bại khi họ chỉ giao cho DRDO thiết kế các modul cấu phần của tổ hợp chiến đấu trên cơ sở nhập khẩu linh kiện.

Sau ròng rã 25 năm nghiên cứu thì bắt đầu sản xuất loạt đầu tiên tại các nhà máy của OFB. Nhưng đến nay nó vẫn chưa đi vào trực chiến mà vẫn trong giai đoạn thử nghiệm tính năng.

Chính vì sự chậm chễ của chương trình này, BQP Ấn Độ đành phải nhập khẩu và lắp ráp xe tăng T-90S của Nga nhằm lấp vào khoảng trống xe tăng hiện đại trong trang bị. Tất nhiên, cũng như các chương trình khác, đơn giá Arjun đắt hơn T-90S nhập khẩu.

Điều đó đã giúp kế hoạch lắp ráp trên 1.000 chiếc T-90S dễ thành hiện thực hơn và tương lai Arjun lại càng mờ mịt.


Xe tăng Arjun, một trong những xe tăng có chương trình phát triển lâu nhất thế giới.

Xe tăng Arjun, một trong những xe tăng có chương trình phát triển lâu nhất thế giới.

Arkash, chương trình tự chủ tên lửa phòng không tầm trung của BQP Ấn Độ dưới sự chủ trì của DRDO. Nó dựa trên loại 2K12 Kub của Liên Xô để nhanh chóng có mẫu thử vào năm 1990.

Sau 25 năm miệt mài cải tiến thì đến tháng 5 năm 2015, nó đã đi vào trực chiến trong quân đội Ấn Độ và trở thành tên lửa phòng không nhiên liệu lỏng trang bị muộn nhất thế giới Có điều, nó đã lạc hậu và xứng đáng bị loại bỏ trước khi đi vào trang bị.


TLPK Arkash, thành viên đến muộn của gia đình TLPK nhiên liệu lỏng thế giới.

TLPK Arkash, thành viên đến muộn của gia đình TLPK nhiên liệu lỏng thế giới.

Theo sau chương trình LCA với thành phẩm Tejas, một chương trình AMCA (Advanced Medium Combat Aircraft) nhằm tạo ra một tổ hợp hàng không thế hệ 5 để thay thế các máy bay trong gói thầu MMRCA như Rafale…

Đây là chương trình hướng mục tiêu tận dụng thành quả của chương trình FGFA với Sukhoi để nội địa hoá hoàn toàn một máy bay thế hệ 5.

Sau khi các thành quả từ chương trình Su-30MKI không ứng dụng được vào đâu do người Nga khéo léo điều tiết dòng chảy công nghệ sao cho nó không đến đúng lúc, khó có thể kỳ vọng AMCA sẽ khá hơn LCA.

Phương thức tổ chức và diện mạo

Ấn Độ tổ chức hệ thống các nhà máy quốc phòng khắp cả nước trong một hệ thống gọi là OFB (Ordnance Factories Board). Các nhà máy này ban đầu không kinh doanh gì ngoài việc sản xuất, trước tiên, là các loại hoả khí theo yêu cầu của BQP.

Hiện nay, có đến 41 nhà máy đặt ở nhiều các bang khác nhau. Quản lý về thiết kế phát triển được giao cho DRDO và các nhà máy chỉ việc sản xuất theo thiết kế được giao.


Một quả bom điều khiển bằng laser Sudarshan do OFB sản xuất.

Một quả bom điều khiển bằng laser Sudarshan do OFB sản xuất.

Đây là hình thái tổ chức đã lạc hậu của các nước Xã hội chủ nghĩa. Chính các nhà máy này cùng với sự lạc nhịp của DRDO sẽ tạo ra gánh nặng ngân sách. Một hệ thống khổng lồ ngồi trông chờ vào ngân sách sẽ rất khó duy trì và phát triển lực lượng nhân sự kỹ thuật…

Về bản sắc, Ấn Độ cũng từng có các công ty sản xuất sản phẩm lưỡng dụng có thể dùng cho mục đích quốc phòng như Samtel. Tuy nhiên, chính Công ty này lại bị Thompson mua lại và thuộc về Tập đoàn toàn cầu Thales sau này.

Khi cần đến năng lực của Samtel thì Thales lại lập một liên doanh giữa Samtel với Bharat Electronic Limited (BEL) để sản xuất các màn hình đa năng cho Su-30MKI và các máy bay khác do Ấn Độ sản xuất lắp ráp. Đó là một hành trình chát đắng của CNQP Ấn Độ.

Cho đến tận gần đây, Ấn Độ mới tổ chức ra các công ty quốc phòng tự chủ để kinh doanh các sản phẩm quốc phòng và tận dụng năng lực các nhà máy trong OFB.

Ngày nay, nói đến diện mạo nền CNQP Ấn Độ, người ta thường biết đến các công ty như BEL hay HAL (Hindustan Aeronautics Limited), ngoài các xưởng đóng tàu không mấy danh tiếng và OFB như đã giới thiệu.

BEL là một công ty chuyên phát triển các hệ thống, khí tài điện tử cho quân đội Ấn Độ và xuất khẩu. Đây cũng là đơn vị thường được bố trí tiếp nhận chuyển giao công nghệ điện tử trong các chương trình có nhập khẩu thiết bị công nghệ quốc phòng.

Sản phẩm của họ trải dài tất cả các loại dùng trong quân đội như hệ thống thuỷ âm, tác chiến điện tử, thông tin, radar, quang điện tử, điện tử hàng không… chủ yếu từ công nghệ nhập khẩu và liên doanh với các tập đoàn lớn như Thales…


UTTAM Mark 2 AESA radar của BEL dự định lắp trên máy bay Tejas MK2.

UTTAM Mark 2 AESA radar của BEL dự định lắp trên máy bay Tejas MK2.

Đa số các sản phẩm của họ sao chép ý tưởng các sản phẩm đã có trên thế giới chứ ít khi hàm chưa các đột phá ý tưởng có bản sắc hay đỉnh cao công nghệ.

HAL là Tập đoàn kỹ nghệ hàng không vũ trụ Ấn Độ sản xuất hẩu hết các tổ hợp hàng không nội địa cho Quân đội từ thiết kế riêng đến mua thiết kế và công nghệ nước ngoài.

Hiện nay, sản phẩm tiêu biểu của họ là máy bay tiêm kích đa năng Su-30MKI danh tiếng với tỷ lệ nội địa hoá trên 90%, kể cả động cơ. Ngoài ra, HAL còn phụ trách sản xuất các thiết bị cho các chương trình hàng không vũ trụ Ấn Độ.


Trực thăng hạng nhẹ Dhruv của HAL trong biên chế quân đội Nepal.

Trực thăng hạng nhẹ Dhruv của HAL trong biên chế quân đội Nepal.

BDL (Brahat Dynamics Limited) là công ty chuyên sản xuất kinh doanh các loại hoả khí như bom đạn, tên lửa, ngư lôi… tận dụng năng lực các nhà máy trong OFB cho mục đích thương mại. Các sản phẩm tiêu biểu là bom điều khiển hay tên lửa Arkash.

SM Group là một công ty quốc phòng hiếm hoi của Ấn Độ mà không phải của nhà nước. Họ sản xuất các loại đạn pháo, đạn cối và nhiều loại đạn khác bên cạnh các trang bị chống đạn, chống mìn cùng các sản phẩm gốm kỹ thuật cao.


Một phương tiện bọc thép của SM Group.

Một phương tiện bọc thép của SM Group.

Ashok Leyland cũng là một công ty không thuộc nhà nước chuyên sản xuất các phương tiện vận chuyển cho quân đội Ấn Độ từ những năm 1970.

Sản phẩm của họ bao gồm các xe bọc thép, xe tải và hệ thống gầm bệ cho các tổ hợp mặt đất khác như tên lửa phòng không, pháo…


Nền tảng gầm bệ Ashok Leyland Super Stallion với 5 cầu chủ động (10x10).

Nền tảng gầm bệ Ashok Leyland Super Stallion với 5 cầu chủ động (10x10).

Lời sơ kết

Ấn Độ, một cường quốc hạt nhân hạng trung nhưng là nước nhập khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới với hàng chục tỷ USD mỗi năm. Một quân đội khổng lồ nuôi sống hàng loạt công ty quốc phòng… nước ngoài.

Đó là một thực tế cay đắng không tránh khỏi, dù BQP Ấn Độ đã nhìn thấy viễn cảnh trước đây nửa thế kỷ.

Họ không tránh khỏi thực tế đó vì cách thức tổ chức không phát huy được tác dụng thúc đẩy nền CNQP phát triển bền vững dù được hậu thuẩn bởi ngân sách quốc phòng khổng lồ.

Ấn Độ đang có một nền tảng quốc phòng tương đối tốt. Đó là thực tế không thể phủ nhận.

Nếu họ, ngay từ bây giờ, biết tổ chức sản xuất kinh doanh trên nền tảng đó thay vì để lực lượng bám trên ngân sách, họ sẽ là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm về các sản phẩm quốc phòng trên thị trường thế giới.

Nếu họ không đi theo con đường đó, sẽ khó có cách nào giảm giá thành sản phẩm để xoá bỏ nghịch lý Ấn Độ: Nội địa hoá để chủ động sản phẩm và giảm giá thành – giá thành sản phẩm sau nổ lực nội địa hoá lạc hậu hơn và giá cao hơn sản phẩm nhập khẩu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại