Tướng De Castries (Đờ-cát) sinh năm 1902 tại Paris (Pháp) với cái tên rất dài là Chistian Mari Fecdinand DelaCroix De Castries, trong một dòng họ quý tộc thuộc giới thượng lưu Pháp. Dòng họ này đã sản sinh ra 1 trung tướng, 7 thiếu tướng, 1 đô đốc hải quân và 4 thống đốc. Tướng De Castries sang Đông Dương năm 1946, ban đầu làm chỉ huy trưởng binh đoàn lê dương cơ động Morocco, tác chiến ở phía Nam đồng bằng Bắc Bộ và nhanh chóng nổi tiếng vì xông xáo trận mạc.
Ngày 8/12/1953, de castries tới Điện Biên Phủ, chính thức nhận nhiệm vụ chỉ huy trưởng GONO (Groupement Operadionnel du Nord-Ouest) tức binh đoàn tác chiến Tây Bắc, cũng là tên gọi tắt tiếng Pháp của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, theo sự bổ nhiệm của tướng Henri Eugène Navarre (Na-va). Có người đã khái quát những tháng ngày ở cương vị này của De Castries theo trình tự thời gian, từ cảm giác hoan hỉ, huênh hoang tới hoảng hốt và thất bại nhục nhã.
Theo báo chí Pháp, ngoài binh nghiệp, De Castries có thân hình cao lớn cũng là một nhà thể thao có hạng với hai lần vô địch thế giới môn điền kinh. Thậm chí, De Castries còn lái được cả máy bay dân dụng và là một kị sĩ đua ngựa. Khi ra trận, viên tướng này có điệu bộ rất oai phong với chiếc mũ ca lô đỏ trên đầu, khoác trên người chiếc khăn quàng sặc sỡ. Tuy nhiên, trong một trận bị phục kích, tướng De Castries bị thương nặng gãy hai chân, và từ sau đó ông ta đi khập khiễng và phải chống gậy.
Chuyện cây gậy của tướng De Castries
Số phận cây gậy của tướng De Castries bắt đầu từ năm 1951, khi chủ nhân của nó được thăng cấp tá. Năm 1951, sau khi trở về Pháp học xong bổ túc tại Trường quân sự Saint Syr và được đề bạt lên trung tá, De Castries quay trở lại Đông Dương. Trong một trận bị phục kích, De Castries bị gãy hai chân, phải trở về Pháp điều trị. Từ đó De Castries đi khập khiễng và phải chống gậy.
Năm 1952, khi tròn 50 tuổi, De Castries được thăng hàm đại tá. Tiếp tục được thăng chuẩn tướng vào ngày 16/4/1954 (cấp hàm được sử dụng gậy chỉ huy theo quy định của nhiều quốc gia phương Tây) nhưng trước đó, trong thời gian dài mang lon cấp tá, tướng De Castries luôn mang bên mình một cây gậy. Việc làm này liệu có "phạm thượng"?
Khác với gậy chỉ huy cấp tướng, gậy của trung tá rồi đến đại tá De Castries dài hơn. Nó được làm bằng hợp kim nhôm, dài 85 cm, đường kính thân 1,5 cm. Chuôi gậy không uốn cong theo kiểu ba-toong mà được thiết kế theo lối hình thang gồm hai bàn vừa tì vừa đỡ. Đó là hai khung nhôm hình thang cân, khi chống chập lại, cạnh lớn để nắm chống, cạnh nhỏ liên kết với thân gậy bằng một chốt sắt có thể xòe mở ra tạo thành chiếc ghế ngồi nghỉ. Đầu gậy được tạo thành một bàn đỡ để chống lún bằng hợp kim nhôm to hơn so với đường kính của thân.
Trong một trận chiến với bộ đội Việt Nam, đơn vị của De Castries bị phục kích và ông ta phải "chịu trận" khi bị thương nặng cả hai chân. Đời binh nghiệp của ông ta tưởng như chấm dứt ở đây, nhưng nỗ lực của quân y Pháp đã cứu được đôi chân chiến chinh, để rồi viên sĩ quan có dòng dõi quý tộc lại tiếp tục được “trở về” chiến trường Đông Dương vào năm 1952. Từ đây, cây gậy "chỉ huy" cấp tá luôn gắn với De Castries.
Tháng 5/1953, tướng Navarre - chỉ huy cũ của De Castries - được cử làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương. De Castries được sự tin cậy của Navarre, vì vậy từ 0 giờ ngày 7/12/1953, ông nắm quyền chỉ huy binh đoàn tác chiến Tây Bắc và chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ông ta đã cố xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thành một pháo đài "bất khả xâm phạm", mà báo chí vẫn gọi là pháo đài mạnh nhất và chưa từng có ở Đông Dương. Chính Navarre đã không khỏi kinh ngạc và từng rất ưu ái nhận định: không một quan chức dân sự, quân sự nào (kể cả Pháp lẫn Mỹ) khi đến thăm Điện Biên Phủ mà không ngạc nhiên về sức mạnh phòng thủ của pháo đài ấy.
Thế nhưng, thành trì tưởng chừng rất vững chãi ấy đã phải thúc thủ trước những người lính bộ đội Cụ Hồ, dưới sự chỉ đạo tài ba của Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. 56 ngày đêm (từ ngày 13-3 đến 7-5-1954) quần thảo với bộ đội Việt Nam chỉ giúp được De Castries "thay thế" cây gậy cấp tá bằng cây gậy cấp tướng chứ không giúp được cờ của nước Pháp bị hạ ở cánh đồng Mường Thanh.
17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, toàn bộ ban tham mưu gồm tướng De Castries và các quan chức cấp dưới đã bị bắt sống trong hầm chỉ huy. Trở thành tù binh của những người yêu nước Việt Nam mang khát khao và chiến đấu giải phóng dân tộc. Sau Hiệp định đình chiến Geneve năm 1954, De Castries được trao trả về quân đội Pháp. Rời quân ngũ năm 1959, hơn 30 năm sau, ngày 29/7/1991, De Castries qua đời.
Lon cấp tướng làm từ vỏ đồ hộp
Thời gian đầu được bổ nhiệm chỉ huy một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương cả về quân số và phương tiện chiến tranh mà đáng ra phải giao cho một cấp tướng, De Castries rất lấy làm hoan hỉ vì được cấp trên tin cậy. Ông ta ra sức ngày đêm củng cố Điện Biên Phủ, biến tập đoàn cứ điểm này thành một pháo đài phòng ngự bất khả xâm phạm, thành một Vecdun của quân Pháp tại Việt Nam. (Vecdun là một tỉnh của Pháp nằm trên bờ sông Meuse, nơi quân Pháp đã phòng ngự rất chắc chắn ở đây và đã đánh thắng quân Đức trong Thế chiến I).
Tập đoàn cứ điểm phòng thủ này nằm ở trung tâm lãnh thổ của đối phương rõ ràng là một việc làm đáng ngờ, đặc biệt, nếu như tính đến việc cung cấp hậu cần chỉ có thể thực hiện được bằng đường hàng không. Tướng De Castries chia khu vực này thành những vị trí phòng thủ vững chắc như một pháo đài, bao quanh sân bay trung tâm, và đặt cho mỗi vị trí đó một cái tên của một người phụ nữ: Claudine, Ellen và Dominic, Beatrice, Gabrielle, Anna Maria, và Isabel Hyuget. Nhiều người nói rằng, đây là cách ông tưởng nhớ những người phụ nữ của cuộc đời mình.
Rất chủ quan về sự vững chắc, kiên cố của tập đoàn cứ điểm ngày càng được tăng cường, De Castries đã huênh hoang cho máy bay đi rải truyền đơn xuống các khu vực xung quanh Điện Biên Phủ với nội dung khiêu chiến, thách thức và "sẵn sàng đón tiếp" bằng vũ lực. Ông ta còn dùng những lời khiêu khích qua làn sóng phát đi từ các máy thông tin quân sự. Thái độ chủ quan, huênh hoang của De Castries còn thể hiện khi một phóng viên của Báo Francesoir lo ngại về cái thế ở dưới thấp của lòng chảo Điện Biên Phủ, ông ta đã nhún vai trả lời: "Được lắm, họ từ trên cao bắn xuống chúng tôi ư? Tôi sẽ đội cái mũ ca lô đỏ đứng giữa trời để họ trông rõ hơn mà bắn!".
Có lần, chính De Castries đã huênh hoang nói với tướng Cogny, tư lệnh Bắc Bộ, rằng: "Việt Minh ư? Chúng tôi sẽ tiêu diệt ở ngay các sườn núi phía đông này khi chúng từ trên các đỉnh núi tiến xuống…". Cho đến ngày 7/3/1954, khi Navarre định đưa lên Điện Biên Phủ thêm 3 tiểu đoàn nữa để tăng cường phòng thủ, thì De Castries trả lời: "Không cần, sẽ gay go nhưng chúng tôi giữ được thế cờ". Đến khi nổ ra chiến cuộc đợt 1, Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo đã bị tiêu diệt, vị tướng này còn hung hăng dùng xe tăng, pháo cối và bộ binh phản kích quyết liệt, hòng lấy lại các vị trí đã mất, nhưng không thành.
Đến giữa tháng 4/1954 khi đã mất sân bay Mường Thanh, khu vực chiếm đóng bị thu hẹp, vòng vây ngày một bị siết chặt, từ huênh hoang, hung hăng, De Castries đã thật sự hãi hùng, hoảng hốt. Không còn cảnh ông ta đội mũ ca lô đỏ đứng ngoài trời giương ống nhòm quan sát xung quanh nữa. De Castries không còn đều đặn đi kiểm tra các cứ điểm nữa mà suốt ngày cố thủ trong hầm sở chỉ huy mái cong chất đầy các bao cát dày tới 3 mét đủ sức chống đỡ đạn pháo 105mm. Ngày nào cũng vài lần, De Castries gửi điện hoặc nói chuyện trực tiếp với tướng Cogny về tình hình bi đát ở Điện Biên Phủ và khẩn thiết yêu cầu tăng viện cứu nguy.
Khi De Castries được thăng hàm tướng, tướng Cogny từ Hà Nội gửi điện cho De Castries chúc mừng, và thông báo đã gửi lon mới cùng quà mừng lên Điện Biên Phủ. Nhưng chờ mãi chẳng thấy lon và quà đâu, De Castries đành sai lính cắt vỏ đồ hộp sắt tây làm cho ông ta bộ lon cấp tướng 1 sao để "đeo tạm", thay cho lon đại tá chỉ có 6 vạch vàng. Vậy thì lon tướng chính hiệu và quà mừng của De Castries đã đi đâu?
Theo một số nguồn tin thì chính bọn lính lê dương đã nhặt được kiện hàng từ máy bay ném xuống có ghi đích danh "Gửi tận tay ngài De Castries". Tò mò mở ra xem thấy toàn rượu ngon, thuốc lá thơm và bánh kẹo ngọt, nên đang cơn thiếu đói, bọn lính này quên cả kỷ luật nhà binh, đã lén gọi nhau đến chén sạch, còn lon thiếu tướng của De Castries chúng mang đi chôn để phi tang. Thậm chí, chính họ còn giấu nhẹm chuyện nhặt được một chiếc dù màu đỏ đeo phía dưới chiếc hòm sắt, khi mở ra thì thấy bên trong toàn những gói quà hảo hạng như xúc xích, khăn mùi xoa, áo may ô và cả hộp dao cạo râu Gillette cùng một lá thư viết trên giấy hồng thơm mùi nước hoa của vợ De Castries từ Hà Nội gửi cho chồng kèm theo quà mừng ông mới được lên chức.
Kể lại những chuyện này để thấy, tướng De Castries thuộc loại "họa vô đơn chí". Bị đẩy vào nơi tử địa, đến lúc sắp thua mới được trên chiếu cố lên chức. Nhưng việc này có lẽ chỉ nhằm khích lệ tinh thần tử thủ của De Castries và binh sĩ dưới quyền nhiều hơn là vì công trạng của ông ta. Được thăng cấp mà chẳng thấy lon, còn quà tặng thì lại bị lính dưới quyền "nẫng tay trên". Ngay cả quà và thư riêng của vợ gửi cho ông ta cũng không nhận được. Đeo lon tướng được đúng hai tuần, thì De Castries thất thủ và phải vào trại tù binh. Rõ ràng trong hàng ngũ các tướng lĩnh của quân đội Pháp tại Đông Dương, số phận của De Castries thực sự quá hẩm hiu…
"Tôi hân hạnh được làm đối thủ của Tướng Giáp"
Việc De Castries bị bắt sống tại hầm chỉ huy ngày 7/5/1954 đã đánh dấu sự thảm bại của quân Pháp trong cuộc chiến. Trước khi được trao trả về Pháp, De Castries đã dành nhiều lời lẽ bày tỏ sự thán phục tài cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Viên tướng Pháp chia sẻ: “Tướng Giáp là một người thông minh, dũng cảm và giỏi về chính trị. Nay qua trận Điện Biên Phủ, tôi thấy Tướng Giáp không những giỏi về chỉ huy đánh du kích, mà còn giỏi cả về chỉ huy trận địa chiến, chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng, và cả về nghi binh đánh lừa tình báo đối phương”.
Điều làm De Castries hết sức ngạc nhiên là không biết Tướng Võ Nguyên Giáp đã tốt nghiệp từ những trường, học viện võ bị cao cấp nào. Quân đội viễn chinh Pháp và các tướng tá Pháp là một đội quân nhà nghề, thiện chiến và trang bị hiện đại. “Sự kiện Tướng Giáp thắng chúng tôi ở Điện Biên Phủ làm chúng tôi ngạc nhiên về tài năng của ông ấy. Chúng tôi biết Đại tướng là một trí thức và là một giáo sư đã từng dạy học ở Hà Nội. Nhưng không phải nguồn kiến thức nào cũng biến được thành tri thức quân sự, không phải người trí thức nào cũng biến được thành vị tướng giỏi đâu”, vị tướng này cho biết.
De Castries thừa nhận Tướng Giáp rất sành sỏi binh nghiệp và khôn ngoan hơn, tài giỏi hơn ông, thậm chí hơn cả tướng Cogny và tướng Navarre. Tướng De Castries hân hạnh được làm đối thủ của Tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như Tướng Giáp. Ông tỏ ra vô cùng ngưỡng mộ và kính phục vị tướng tài ba của dân tộc Việt Nam.