Chuyên gia hạt nhân VN: Triều Tiên "đốt" tiền để có bom H!

Bình Nguyên |

Nhân việc Triều Tiên bất ngờ tuyên bố thử thành công bom H, PGS-TS Trần Thanh Minh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Hạt nhân đã chia sẻ ra vài nhận định về vấn đề này.

LTS: Triều Tiên vừa tuyên bố thử thành công bom H, nhận thấy bài viết này còn nguyên giá trị, nên chúng tôi xin đăng tải lại để cung cấp thêm cho độc giả thông tin về vấn đề thời sự đang được quan tâm.

Phóng viên (PV): Thưa nhà khoa học hạt nhân, PGS-TS. Trần Thanh Minh, ông có bất ngờ không khi nghe tin Triều Tiên thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch (bom H)?

PGS-TS. Trần Thanh Minh: Tôi cũng hơi bất ngờ về việc Triều Tiên thử quả bom khinh khí hay nhiệt hạch này. Các vụ thử trước đây của họ đều là bom A, để tiến tới chế tạo được bom H là cả một bước tiến dài không hề dễ dàng.

Nhưng vì các vụ nổ đều ở dưới lòng đất, nên chỉ qua sức chấn động cũng chưa khẳng định được loại bom gì, bom A hay bom H.

 
PGS-TS trần thanh minh
Nguyên là giảng viên (PGS.TS) ở Đại học Tổng hợp Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng Đại học Đà Lạt (1977-1991), nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Hạt nhân (1991-1999). Nay là nghiên cứu viên cao cấp, cộng tác viên khoa học, nhà báo khoa học và Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam.

PV: Loại bom H này và bom A có gì khác nhau?

PGS-TS. Trần Thanh Minh:: Bom khinh khí cũng là bom hạt nhân. Có hai loại bom hạt nhân:

- Bom phân hạch hay bom A là bom hoạt động theo nguyên lý phân hạch hạt nhân với nhiên liệu là Uranium 235 hay Plutonium 239.

Khi cho các mảnh nhiên liệu này va chạm và kết hợp với nhau tạo thành một khối lượng lớn hơn một giá trị nhất định gọi là khối lượng tới hạn, vụ nổ xảy ra cùng với sự phân chia (hay phân hạch) của các hạt nhân nặng Uranium hay Plutonium.

Các lần thử trước đây, vì vụ nổ xảy ra ở dưới lòng đất nên không xác định chính xác là loại bom gì, chỉ nghe Triều Tiên công bố là bom A.

- Bom khinh khí hay bom H, còn gọi là bom tổng hợp nhiệt hạch. Quả bom này bao gồm một quả bom A nhỏ và một khối khí Hydro H1 hay Tritium H3.

Nguyên tắc hoạt động của nó như sau: Khi cho bom nổ, quả bom A được kích động cho nổ trước và phát ra nhiệt lượng lớn đưa nhiệt độ lên hàng triệu độ C.

Dưới sức nóng đó, các hạt nhân H va chạm và kết hợp với nhau tạo ra phản ứng tổng hợp nhiệt hạch với sức nổ mới mạnh hơn sức nổ quả bom A nhiều lần.

Chuyên gia hạt nhân VN: Triều Tiên đốt tiền để có bom H! - Ảnh 1.

Sức mạnh khủng khiếp của bom hạt nhân.

PV: Hiện trên mạng có lưu truyền một số tài liệu được cho là có thể dùng để chế tạo bom hạt nhân và bom nhiệt hạch, liệu để làm ra chúng có khó không?

PGS-TS. Trần Thanh Minh: Nếu dễ thì chắc chắn đã có nhiều quốc gia, thậm chí là cả các cá nhân có lắm của nhiều tiền và sẽ tìm cách chế tạo hoặc sở hữu chúng!

Để chế tạo được bom hạt nhân (bom A) chứ chưa nói là bom H, là vô cùng khó khăn! Đòi hỏi không chỉ tiềm lực về tài chính, con người tức là những nhà khoa học công nghệ hạt nhân mà còn phải có nhiều loại máy móc và công nghệ hiện đại.

PV: Ông có thể cho biết để chế tạo được bom hạt nhân tốn bao nhiêu tiền? Phải chăng dù đất nước còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng các nhà khoa học Triều Tiên vẫn đủ sức làm được một việc cực lớn.

PGS-TS. Trần Thanh Minh: Hiện không có thông tin cụ thể để chể tạo được bom hạt nhân sẽ tốn bao nhiêu tỉ USD.

Tuy nhiên, nếu dốc sức, mà trên thực tế là như vậy, Triều Tiên đã đổ tới gần 1/4 GDP vào quân sự (23,8% GDP - PV), do vậy cũng không hoàn toàn bất ngờ khi họ có thể chế tạo bom A hay bom H, họ đã làm được một việc cực lớn.

Chuyên gia hạt nhân VN: Triều Tiên đốt tiền để có bom H! - Ảnh 2.

Triều Tiên chi tiêu gần 24% GDP bình quân hằng năm cho quân sự trong thời gian từ 2002 đến 2012 - Ảnh: AFP.

Nhưng tôi cho rằng họ có thể tạo ra được vụ nổ chứ chưa hẳn đã chế tạo được quả bom với khối lượng tối ưu cùng với các tên lửa mang bom xuyên lục địa có khả năng mang “thứ vũ khí chết người này” vượt đại dương đi xa đến Mỹ v.v…

PV: Liệu vụ thử của Triều Tiên vừa rồi có ảnh hưởng gì tới an toàn phóng xạ ở Việt Nam không ạ?

PGS-TS. Trần Thanh Minh: Chắc chắn các nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tính toán rất kỹ khi thử nghiệm những loại bom khủng khiếp như vậy để không ảnh hưởng đến chính người dân của họ.

Vì sai một ly, đi một dặm, một quả bom hạt nhân có thể hủy diệt cả một vùng rộng lớn, chưa kể bụi phóng xạ có thể bay xa và để lại hậu quả ghê gớm mà hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm cũng chưa thể khắc phục được.

Được biết, quả bom được cho nổ ở dưới lòng đất đã khiến các nước láng giềng xung quanh hết sức lo ngại, nhưng tôi cho rằng sự lo ngại của họ chỉ là ở chỗ Triều Tiên sắp có trong tay thứ vũ khí hủy diệt kinh hoàng.

Đó là lý do chính chứ không hẳn là lo về bụi phóng xạ hay sự hủy diệt tức thời do vụ thử gây ra.

Việt Nam chúng ta lại ở xa hàng nhiều ngàn cây số. Do vậy, chúng ta hoàn toàn không có gì phải lo lắng về bụi phóng xạ có thể bay tới Việt Nam!

Vâng, xin cảm ơn nhà khoa học hạt nhân PGS-TS. Trần Thanh Minh đã chia sẻ cùng bạn đọc những thông tin thú vị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại