Các quan chức Mỹ từng lo ngại rằng, khả năng tiếp cận một khu vực biệt lập như Triều Tiên sẽ trở nên mong manh nếu không có căn cứ bàn đạp.
Tuy nhiên, Đại tá Kevin Felix thuộc Bộ Tư lệnh Huấn luyện và Học thuyết Quân đội Mỹ (TRADOC) cho biết, trong chiến tranh mô phỏng, giới chức Mỹ đã tìm ra một số phương thức tiếp cận, trong đó có cách vận chuyển xe bọc thép 8 bánh Stryker theo đường không hoặc sử dụng máy bay quân sự V-22 Osprey để rải quân một cách nhanh chóng.
Tuy nhiên, tiếp cận khu vực nhanh với số lượng nhỏ đồng nghĩa với việc các đơn vị quân đội này sẽ nhanh chóng bị lực lượng đối phương áp đảo và bao vây. Do đó, TRADOC đang xây dựng khái niệm hành quân hỗn hợp, sử dụng các lực lượng đổ bộ đường không để đối phó với chiến lược chống tiếp cận của đối phương.
Phát biểu tại một hội thảo, Đại tá Rocky Kmiecik cho biết, Quân đoàn Không vận XVIII đang hỗ trợ phát triển khái niệm hành quân hỗn hợp này bằng cách xem xét hỏa lực cơ động cho lực lượng đổ bộ đường không. Giới chức Mỹ đã tính tới một giải pháp trang bị cho các xe Stryker một khẩu pháo 105mm. Thiết kế mới sẽ tham gia thử nghiệm vận chuyển theo đường không.
Như vậy, sự điều động V-22 tới chiến trường Triều Tiên hé lộ khả năng Mỹ sẽ sử dụng máy bay này để vận tải các xe bọc thép được vũ trang hạng nặng (có thể hiểu là biến xe thiết giáp thành xe tăng bánh lốp hạng nhẹ) tới điểm nóng.
Dù vậy, giới chuyên gia nhận định: "Quân đội Mỹ vẫn chưa thể triển khai các hệ thống xe quân sự hạng nhẹ vừa sở hữu khả năng bảo vệ vừa được trang bị hỏa lực mạnh, những yếu tố mà các nhà lãnh đạo coi là điều tối cần thiết cho chiến tranh trong tương lai".
Ngoài ra, một khả năng khác mà các nhà hoạch định chiến tranh mô phỏng "ưng ý" là phương tiện di chuyển theo đường thủy (watercraft).
Thiếu tướng Bill Hix thuộc TRADOC cho rằng, quân đội Mỹ có thể sử dụng loại phương tiện này để điều động lực lượng, đặc biệt ở những nơi có địa thế giống như bán đảo Triều Tiên. Ông Hix cũng nhận định, việc triển khai loại phương tiện này sẽ gây rối loạn trong hàng ngũ địch khi đem quân đổ bộ ở nhiều địa điểm khác nhau.
Tham vọng lợi dụng đường biển của quân đội Mỹ cũng được thể hiện trong tài liệu chiến lược về hiện đại hóa thiết bị quân sự mà nước này công bố ngày 4/3/2013.
Tài liệu này đưa ra phương án cải tiến các hạm đội phương tiện quân sự đường thủy đang hoạt động trong biên chế quân đội Mỹ và nhấn mạnh rằng quá trình này sẽ hỗ trợ việc triển khai lực lượng, đặc biệt là ở khu vực Thái Bình Dương. Kế hoạch trang bị sẽ kéo dài từ năm tài chính 2014 đến 2048.