Trong bài viết đăng trên tạp chí National Interest (Mỹ), chuyên gia Kyle Mizokami nhận định:
Thời thế đã thay đổi. Giờ đây Nga, nhà cung cấp vũ khí độc quyền của Trung Quốc hơn 20 năm qua, lại rất có thể trở thành khách hàng của vũ khí Trung Quốc.
Chuyến thăm của đội tàu hải quân Trung Quốc tới Biển Đen, trong đó có tàu hộ vệ Type 054A, đã làm dấy lên đồn đoán rằng Nga có thể sẽ mua một lô tàu loại này để tránh tình trạng thiếu hụt tàu chiến.
Song, nếu thương vụ đó có thành công đi chăng nữa thì trên thực tế, năng lực sản xuất vũ khí của Trung Quốc vẫn còn nhiều hạn chế, dù nước này đã bỏ ra không ít nỗ lực để phát triển toàn diện ngành công nghiệp vũ khí nội địa.
Trong khi đó, các viện thiết kế và ngành công nghiệp Nga vẫn cho ra đời nhiều loại vũ khí mà Trung Quốc phải khao khát.
Từ xe tăng cho tới tàu ngầm, Nga vẫn dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ vũ khí và… vẫn là nhà cung cấp duy nhất sẵn lòng bán công nghệ cho Trung Quốc.
Các thương vụ vũ khí Nga – Trung luôn mang lại lợi ích cho đôi bên.
Trung Quốc có được những hệ thống vũ khí mới nhất và tiên tiến nhất trên thế giới mà không tốn tiền phát triển và tiến hành những nghiên cứu phức tạp. Còn Nga có được khoản tiền kếch xù mà nước này đang rất cần.
Chỉ cần Nga còn vũ khí để bán thì mối quan hệ này giữa 2 bên sẽ không có gì thay đổi trong tương lai gần.
Theo chuyên gia Kyle Mizokami, dưới đây là 3 loại vũ khí Nga mà Trung Quốc cần có:
Xe chiến đấu hạng nặng trên khung gầm Armata
So với các quân chủng khác của Quân đội Trung Quốc, Lục quân là lực lượng được hưởng lợi ít nhất từ các chương trình nghiên cứu và phát triển của nước này.
Type 99, xe tăng chiến đấu chủ lực của Trung Quốc, đơn thuần là một biên thể của xe tăng T-72 từ thời Liên Xô, với thiết kế từ giữa thập niên 80 của thế kỷ trước.
Trang bị các xe chiến đấu hạng nặng trong gia đình Armata sẽ mang lại sức mạnh mới cho Lục quân Trung Quốc.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata. Ảnh: Wiki
Có thể kể đến xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata.
T-14 Armata được trang bị pháo nòng trơn 125mm, súng máy 7,62mm điều khiển từ xa, cùng tháp pháo tự động hóa. Kíp xe 3 người ngồi trong một khoang bọc thép kín phía trước thân xe.
Các hệ thống phòng thủ chủ động - bị động, cùng hệ giáp module và công nghệ mới nhất đều được Nga trang bị cho xe tăng T-14.
Khung gầm Armata còn được dùng để chế tạo nhiều loại xe chiến đấu khác, như xe chiến đấu bộ binh hạng nặng T-15.
Xe chiến đấu bộ binh hạng nặng T-15. Ảnh: Wiki
T-15 sẽ cho phép Trung Quốc vận chuyển bộ binh trong khu vực có nhiều mối đe dọa, nó có thể chống chọi trước các loại vũ khí chống xe thiết giáp.
Phiên bản xe cứu kéo và xe bắc cầu trên khung gầm Armata cũng đang được Nga phát triển.
Trung Quốc rất cần có các mẫu xe tăng và xe chiến đấu bọc thép mới nhất. Tuy nhiên, chúng lại chưa quan trọng tới mức Trung Quốc phải tự mình phát triển mẫu xe riêng.
Nhập khẩu mẫu thiết kế mới từ Nga sẽ cho phép các viện nghiên cứu và ngành công nghiệp vũ khí Trung Quốc tập trung vào các dự án khác quan trọng hơn.
Hệ thống phòng không S-400 “Triumf”
S-400 “Triumf” là một trong những hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến và mạnh nhất thế giới.
Là phiên bản nâng cấp của hệ thống phòng không S-300, S-400 nhanh chóng được đánh giá là một giải pháp hiệu quả để tiêu diệt nhanh gọn các mối đe dọa trên không, từ tên lửa hành trình bay thấp cho tới các tên lửa đạn đạo chiến thuật.
S-400 sử dụng nhiều biến thể của cùng một loại tên lửa để tấn công các mục tiêu khác nhau: Tên lửa 40N6 có tầm bắn tới 400km; tên lửa 9M96E2, với tầm bắn 120km, thích hợp để tiêu diệt tên lửa hành trình; tên lửa 77N6N1 có thể tiêu diệt các tên lửa đạn đạo.
Tháng 4 năm nay, Trung Quốc đã đàm phán mua các hệ thống tên lửa S-400, với tổng giá trị hợp đồng lên tới 3 tỷ USD.
Trung Quốc nhiều khả năng sẽ triển khai S-400 để đối phó Đài Loan. Song vẫn có khả năng nước này sẽ triển khai S-400 ở Chiết Giang, Tây Tạng và Tân Cương, Quảng Tây, Vân Nam để đối phó Nhật Bản, Ấn Độ, Myanmar…
Hệ thống phòng không S-400 không chỉ bảo vệ không phận Trung Quốc trước các mối đe dọa mà thậm chí còn có thể tấn công các mục tiêu ở New Delhi, Calcutta, Seoul…
Ngoài đặt mua các hệ thống tên lửa S-400 từ Nga, trong tương lai, Trung Quốc có thể sẽ sản xuất các tổ hợp tên lửa này theo giấy phép.
Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Yasen
Chương trình tàu ngầm tấn công hạt nhân của Trung Quốc không mấy suôn sẻ.
Trung Quốc bắt đầu chế tạo tàu ngầm lớp Han (thế hệ tàu ngầm tấn công hạt nhân đầu tiên) từ giữa thập niên 70 của thế kỷ XX. Tuy nhiên, lớp tàu này đã gặp phải nhiều vấn đề như độ ồn và hệ thống động cơ đẩy hạt nhân không an toàn.
Tàu ngầm lớp Shang, thế hệ thứ 2, có thời gian phát triển dài hơn nhưng vẫn thất bại, khi chưa phải là mẫu tàu ngầm Trung Quốc muốn sản xuất với số lượng lớn.
Type 095, thế hệ tàu ngầm tấn công hạt nhân thứ 3, hiện đang trong giai đoạn phát triển.
Thay vì tiếp tục chế tạo tàu ngầm thế hệ 3, Trung Quốc có thể tìm tới giải pháp đơn giản hơn là mua và đóng theo giấy phép tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Yasen của Nga.
Tàu ngầm lớp Yasen có lượng giãn nước khi lặn là 13.500 tấn, dài 119m, tốc độ 31 hải lý/h và có thể lặn sâu 600m. Các ống phóng ngư lôi 533mm trên tàu còn có thể dùng để phóng tên lửa P-800 Onik và Klub.
Thương vụ này có thể được thúc đẩy bởi các mối lo ngại mới mang tính chiến lược.
Chẳng hạn, việc Mỹ đưa vào trang bị các hệ thống tác chiến mới sẽ khiến Trung Quốc gia tăng tham vọng kiểm soát chuỗi đảo thứ 2, kéo dài từ đảo Honshu của Nhật Bản tới quần đảo Mariana và Palau.
Ngoài ra, chương trình phát triển hệ thống răn đe hạt nhân trên biển của Ấn Độ, với trọng tâm là các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Arihant, sẽ đòi hòi Trung Quốc phải có khả năng tạo ra mối đe dọa với những tàu ngầm này.
**Bài viết thể hiện quan điểm riêng của chuyên gia Kyle Mizokami.