Chân dung đa diện của Nga ở Biển Đông

Một thời gian dài sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Biển Đông không phải là chiến lược được ưu tiên của Nga, nhưng với nhiều thay đổi trong khu vực, Nga đã đánh dấu sự trở lại Châu Á - TBD của mình bằng việc thành lập Bộ Phát triển Viễn Đông. Tuy nhiên theo đánh giá của người Trung Quốc, sự trở lại của Moscow tại Biển Đông không thật sự rõ ràng.

Người Trung Quốc cho rằng, trong khi Mỹ bộc lộ ý định rõ ràng là bao vây Trung Quốc, thì chiến lược của Nga vẫn còn rất mơ hồ và khó hiểu. Kết luận trên đã được sự đồng thuận của rất nhiều phương tiện truyền thông và các học giả quốc tế.

Một chuyên gia quân sự phân tích: “Cuộc diễn tập quân sự chung "Liên hợp trên biển 2013" giữa Nga và Trung Quốc, diễn ra hồi tháng 7 vừa qua, vừa giúp Nga thể hiện sức mạnh của hải quân nước mình, vừa nâng cao mức độ can dự của họ vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.

Một loạt các động thái và hợp đồng vũ khí trong thời gian qua giữa Nga và một số nước đang có tranh chấp trên biển Đông với Trung Quốc như bán máy bay chiến đấu Su-30 cho Indonesia, bán tàu ngầm Kilo cho Việt Nam đã giúp Nga đạt được mục đích “nam hạ” của mình. Còn dường như đối với cục diện tranh chấp trên biển Đông, Nga chưa có động thái nào quan tâm đặc biệt đến Trung Quốc.

Còn "Tiếng nói nước Nga" đã đăng bài nói về quan điểm của Nga với vấn đề Biển Đông. Theo báo này, đà gia tăng sự hợp tác của Nga với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng và quốc phòng, cũng như triển vọng phát triển lưu thông hàng hải theo tuyến đường biển phương Bắc - có thể là phương án thay thế cho tuyến qua eo biển Malacca, là những yếu tố đang làm thay đổi nhận thức về vai trò tiềm năng của Nga trong khu vực.

 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm và thị sát tàu ngầm Kilo 636 mang tên “Hà Nội” của Hải quân Việt Nam trong chuyến thăm Nga tháng 5/2013
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm và thị sát tàu ngầm Kilo 636 mang tên “Hà Nội” của Hải quân Việt Nam trong chuyến thăm Nga tháng 5/2013

Ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga hiện hữu trong bối cảnh các nước Đông Nam Á có nguyện vọng kiềm chế sự bành trướng của một Trung Quốc lớn mạnh nhanh chóng.

Đó là quan điểm do học giả nổi tiếng người Mỹ Elizabeth Vishnik chuyên nghiên cứu các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương nêu ra gần đây.

Còn một khía cạnh đáng chú ý nữa: Trong tương quan này, liệu có thể xuất hiện xích mích trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow? Ông Sergei Luzyanin Phó Giám đốc Viện Viễn Đông (Viện Hàn lâm khoa học Nga) phân tích tình hình trong khu vực dưới góc độ nhãn quan lợi ích của Nga.

Nga cho rằng khuôn khổ của quan hệ đối tác song phương Nga-Trung sẽ không thể kìm hãm những sáng kiến của Moscow về mở rộng vai trò của Liên bang Nga trong khu vực, đặc biệt là với các lĩnh vực năng lượng và an ninh.

Quan hệ đó cũng không được kiềm chế xu thế đa dạng hóa các liên hệ song phương mà Nga vốn xây đắp thành công với người bạn cũ là Việt Nam, cũng như phát triển các hình thức hợp tác song phương mới mẻ với những thành viên khác của ASEAN.

Các chuyên viên Trung Quốc đưa ra giải thích theo lối của họ. Trong khi về nguyên tắc không phản đối sự phát triển các quan hệ song phương và đa phương của Nga với các nước trong khu vực, Bắc Kinh vẫn tỏ thái độ tiêu cực trước thực tế Nga tăng cường hợp tác năng lượng với Việt Nam và những quốc gia khác mà Trung Quốc đang có "tranh chấp biển đảo", kể cả tranh chấp về thềm lục địa chứa hydrocarbon.

Tàu săn tàu ngầm cỡ lớn Shaposhnikov của Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga.
Tàu săn tàu ngầm cỡ lớn Shaposhnikov của Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga.

Dễ hiểu là các tập đoàn năng lượng của Nga đang cố gắng tuân thủ "luật chơi" bất thành văn nào đó, cố gắng không lọt vào vùng lãnh thổ tranh chấp. Nhưng như đã rõ, ranh giới của thềm lục địa tranh chấp là khá tương đối, được cắt nghĩa mỗi lần đều theo cách mới của các quốc gia dự phần tranh cãi. Và ở đây có thể xảy ra "hiểu lầm".

Vấn đề khác nữa là trong những trường hợp này, đòi hỏi sự phân định nghiêm túc, tách chính trị khỏi thương mại, không tạo ra cơ sở để ngờ vực lẫn nhau và không phá hoại những lợi ích chiến lược chung.

Chỉ mới cách đây 5 - 10 năm về trước, đối với Liên bang Nga và Trung Quốc tất cả đều được “quy định” trên bình diện những đánh giá chính trị.

Thời điểm hiện tại, có vẻ Trung Quốc muốn nhìn thấy lập trường rõ ràng hơn của Liên bang Nga về "xung đột biển đảo" và muốn có sự ủng hộ của Nga về những nội dung khác, kể cả vấn đề "quốc tế hóa eo biển".

Những thành tố mới không thể phá vỡ hình thức đối tác Nga-Trung đã được thiết lập, nhưng, hiển nhiên, sẽ cần đến những điều chỉnh từ cả hai bên. Cụ thể, về mức độ và điều kiện của khả năng "quốc tế hóa" tuyến đường biển phương Bắc, triển khai rộng hoạt động dầu khí của Nga trong vùng biển phần phía nam Đông Nam Á, mở rộng phạm vi hợp tác song phương Nga-Việt Nam, Nga-Philippine và vai trò của Nga trong nền an ninh khu vực nói chung.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại