Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đang ngày càng đóng vai trò tích cực hơn ở Trung Đông

Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đang ngày càng đóng vai trò tích cực hơn ở Trung Đông

Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đang ngày càng đóng vai trò tích cực hơn không chỉ ở Trung Đông mà còn ở khu vực xung quanh.

Hiện UAE đang tích cực củng cố tiềm lực quân sự nhằm nhanh chóng trở thành cường quốc quân sự hùng mạnh để có thể "tham gia tích cực hơn" vào các cuộc xung đột trong khu vực.

Khu vực Trung Đông từ trước đến nay vẫn được đánh giá là khu vực diễn ra sự cạnh tranh giành vị thế hàng đầu giữa Iran và Arab Saudi.

Tuy nhiên, tình thế này có thể sẽ thay đổi nhanh chóng trong thời gian tới khi trong khu vực này sẽ xuất hiện thêm đối thủ quân sự đáng gờm là UAE.

Tạp chí The Yew York Times của Mỹ mới đây đã tiết lộ thông tin hết sức ngạc nhiên và gây sự tò mò không nhỏ.

Hiện đã có một lực lượng lính đánh thuê đến từ Nam Mỹ tham chiến ở Yemen - nơi liên quân các nước Hồi giáo dòng Sunni đã tiến hành chiến dịch không kích lật đổ lực lượng Hồi giáo dòng Shitte tại nước này.

Tổng cộng có khoảng hơn 400 lính đến từ Colombia do UAE bỏ tiền ra thuê và huấn luyện để tham chiến ở Yemen.

Theo giới phân tích về tình hình Trung Đông, đây là sự kiện rất đáng chú ý vì nó cho thấy UAE, sau thời gian tích lũy các tiềm lực về kinh tế-tài chính, đã bắt đầu chuyển trọng tâm sang các vấn đề chính trị-quân sự.

UAE hiện đang là quốc gia kiểm soát 6% trữ lượng dầu mỏ quốc tế và có quỹ đầu tư chủ động lớn thứ hai trên thế giới. Trước đó, UAE mới chỉ thực hiện vai trò “quan sát viên” đối với các diễn biến nóng bỏng trong khu vực và tránh xa các cuộc xung đột.

Chính sách này đã giúp UAE trở thành trung tâm tài chính trọng yếu trong khu vực Trung Đông, trở thành nơi để các nhà đầu tư có thể quên đi tất cả các cuộc xung đột trong khu vực để tập trung đầu tư vào kinh doanh kiếm lợi nhuận.

Tuy nhiên, tình thế hiện tại đã có quá nhiều thay đổi. UAE hiện đang dần quên đi vai trò “trung lập” về tài chính và dần tham gia tích cực hơn vào tất cả các cuộc xung đột trong khu vực trong thời gian gần đây.

Phương Tây hiện có ý kiến so sánh UAE như là Thụy Sỹ của Trung Đông vì Thụy Sỹ cũng là quốc gia đã chuyển trọng tâm từ phát triển kinh tế-tài chính sang thực hiện chính sách đối ngoại tích cực và phát triển mạnh quân đội.

Theo giới phân tích, không loại trừ khả năng Quốc vương UAE Mohammed bin Rashid Al Maktoum cho rằng quá trình tăng trưởng kinh tế đã hoàn thành và hiện cần phải chuyển sang giải quyết các vấn đề mới.

Cần phải nhấn mạnh rằng trong vòng 25 năm qua, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của UAE đã tăng trưởng gấp 8 lần, từ 50 tỷ USD năm 1990 lên gần 400 tỷ USD như hiện nay.

Sự tăng trưởng ngoạn mục này đã giúp UAE trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ hai trong khu vực Trung Đông, chỉ sau Arab Saudi.

Tiềm lực tài chính giúp UAE hiện không chỉ tham gia vào cuộc chiến chống lực lượng Hồi giáo dòng Shitte do Iran ủng hộ tại Yemen mà còn tham gia vào cả cuộc chiến chống IS tại Syria, cũng như đã tham gia vào cả chiến dịch quân sự của liên quân tại Libya- quốc gia nằm cách khá xa UAE.

Theo giải thích của giới lãnh đạo UAE, trong điều kiện vai trò của Mỹ đang suy giảm mạnh tại Trung Đông, UAE “không thể đứng ngoài cuộc” trong bối cảnh cả khu vực này như đang “ngồi trên lửa”.