Hiện nay, ngân sách quân sự của nhiều nước không ngừng gia tăng, các quốc gia hàng đầu không chỉ tích cực xây dựng lực lượng vũ trang của mình mà còn tham gia vào chiến sự. Trong khi đó, mâu thuẫn giữa các nước cũng trở nên trầm trọng hơn.
Các cuộc tập trận đang trở thành công cụ chính trị hữu ích hơn là những luyện tập để nâng cao thể chất và kinh nghiệm chiến đấu mà các nước trên thế giới đang đua nhau tiến hành.
Từ Đông sang Tây, không phải chỉ có những vùng xung đột mới đua nhau tập trận để khẳng định sức mạnh quân sự.
Mà ở khắp nơi trên thế giới, các cuộc tập trận đơn lẻ và tập trận liên minh vẫn ồ ạt diễn ra ngày đêm khiến không khí của những tháng đầu năm 2016 “sặc mùi” chiến tranh.
“Thần Sấm phương Bắc”
Các lực lượng vũ trang đến từ 20 quốc gia ngày 27.2 vừa qua cũng đã bắt đầu cuộc tập trận mang tên "Thunder of the North" (Thần Sấm phương Bắc) ở Đông Bắc Saudi Arabia. Đây là một trong những cuộc tập trận lớn nhất của thế giới.
Các binh sĩ đến từ Pakistan, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Moroc, Jordan, Sudan nằm trong các lực lượng tham gia cuộc tập trận này.
Cuộc tập trận Thần Sấm phương Bắc với sự tham gia của các lực lượng lục - không - hải quân phát đi một "thông điệp rõ ràng" rằng Riyadh và các đồng minh "luôn đoàn kết trong việc đối phó với mọi thách thức nhằm duy trì hòa bình - ổn định trong khu vực".
Mỹ - Trung dù bất đồng vẫn tập trận
Ngày 25.2, Trung Quốc xác nhận sẽ cử các tàu chiến tham gia một cuộc tập trận hải quân quy mô lớn do Mỹ chủ trì vào mùa Hè 2016, bất chấp căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này liên quan tới vấn đề Biển Đông.
Cuộc tập trận "Vành đai Thái Bình Dương" (RIMPAC), được đánh giá là cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn nhất thế giới, diễn ra 2 năm/lần ở Hawaii vào tháng 6 và tháng 7.
Liên minh Mỹ - Israel tập trận chống tên lửa
Quân đội Israel cho biết, ngày 21.2 nước này và Mỹ đã bắt đầu một cuộc tập trận chung với trọng tâm liên quan tới việc phòng thủ trước nguy cơ tên lửa đạn đạo.
Mặc dù giới chức quân sự nói rằng cuộc tập trận không liên quan đến những diễn biến hiện tại, song Mỹ gần đây đã thực thi các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.
Hành động trên diễn ra ngay sau khi nới lỏng các lệnh trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran theo thỏa thuận đạt được hồi tháng 7.2015.
Mỹ - Hàn tập trận "chọc giận" Triều Tiên
Ngày 7.3, Hàn Quốc và Mỹ đã khởi động các cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn nhất từ trước đến nay, động thái dẫn tới những cảnh báo mới từ Triều Tiên về các cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào Seoul và lãnh thổ Mỹ.
Tham gia các cuộc tập trận chung thường niên - mang tên "Giải pháp then chốt" và "Đại bàng non" - năm nay có 300.000 binh sĩ Hàn Quốc và 15.000 binh sĩ Mỹ, cùng các tàu hải quân chiến lược và các khí tài của Không quân Mỹ.
Các cuộc tập trận thường niên này luôn làm leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và tình hình đặc biệt bất ổn trong năm nay, với việc mới đây Triều Tiên thử hạt nhân và tên lửa tầm xa.
Tập trận “Hổ mang vàng”
Cuộc tập trận quốc tế thường niên mang tên "Hổ Mang Vàng" năm 2016 (Cobra Gold 2016), do Thái Lan và Mỹ đồng chủ trì, đã diễn ra ngày 9.2 vừa qua.
Chủ đề tập trận năm nay là sẵn sàng đối phó với các nguy cơ an ninh mới và huấn luyện lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế, cứu trợ nhân đạo và giải quyết hậu quả thiên tai.
Tham gia cuộc tập trận này có đại diện quân đội 27 nước trong đó có 7 nước cử lực lượng chiến đấu tham gia là Thái Lan, Mỹ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Singapore.
Có 2 nước tham gia diễn tập cứu trợ nhân đạo là Trung Quốc và Ấn Độ.
Tổng cộng có gần 9.000 binh sỹ các nước tham gia tập trận năm nay, trong đó Mỹ cử 3600 lính thủy đánh bộ thuộc lực lượng đồn trú ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bằng với số quân Mỹ tham gia cuộc tập trận năm 2015.
Trước đây, từng có thời điểm Mỹ cử 13.000 quân tham gia tập trận.
Nga tập trận không quân rầm rộ
Ngày 21.1, các đơn vị không quân Nga bắt đầu cuộc tập trận tại Quân khu phương Nam. Tham gia cuộc tập trận có hơn 40 đơn vị kỹ thuật không quân gồm máy bay ném bom Su-24M và Su-34, máy bay do thám Su-24MR và 1.000 binh sĩ.
Trong cuộc tập trận, các phi công thực hiện các bài tập chuyển sang tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao, dùng máy bay do thám và ném bom các cơ sở của kẻ địch giả định. Các phi công thực hiện 20 chuyến bay và 20 đợt ném bom.
Tư lệnh Binh chủng lính dù Nga, Vladimir Samanov cho biết trong năm 2016, Binh chủng Lính dù Nga sẽ tiến hành tập trận chung với Ai Cập, Serbia và Ấn Độ và tham gia 3 cuộc tập trận của các đơn vị đặc nhiệm quân đội Belarus.
NATO tập hợp sức mạnh
Ngày 20.1, Anh đã điều 1.000 binh sĩ tới tham gia các cuộc tập trận phòng thủ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Ba Lan.
Ngoài ra, nước này cũng dự định điều 1.000 binh sĩ tham gia một lực lượng đặc nhiệm do Ba Lan đứng đầu vào năm 2020.
Ba Lan sẽ đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 tới, trong đó Ba Lan hy vọng có thể thuyết phục NATO triển khai thêm lực lượng tại lãnh thổ nước này và khu vực Đông Âu.
Hải quân Ai Cập - Pháp tập trận
Ngày 6.3, Ai Cập và Pháp đã bắt đầu cuộc tập trận chung ở Địa Trung Hải. Tham gia cuộc tập trận có tàu khu trục đa năng và các máy bay Rafale mà Cairo mua của Paris hồi năm ngoái cùng với máy bay tiêm kích F-16.
Quân đội Ai Cập cho biết cuộc tập trận hải quân mang tên "Ramses 2016" được tổ chức ở ngoài khơi bờ biển thành phố Alexandria của Ai cập và dự kiến kéo dài trong vài ngày.
Theo Bộ Quốc phòng Pháp, mục đích của cuộc tập trận này là nhằm "chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn của chúng tôi với quân đội Ai Cập - một trong những đối tác Trung Đông chính.
Tập trận Băng 2016
Đầu tháng 3.2016, lực lượng tàu ngầm hạt nhân Mỹ đã bắt đầu cuộc tập trận kéo dài 5 tuần tại Bắc Băng Dương.
Cuộc tập trận mang tên Tập trận Băng 2016 (ICEX-2016) được tiến hành cùng với việc thiết lập Doanh trại Hải quân trên Băng - một căn cứ tạm thời nằm trên một dải băng nổi - nhằm duy trì sự sẵn sàng tác chiến của các tàu ngầm.
Mỹ - Ấn - Nhật tập trận
Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) của Mỹ ngày 2.3 vừa qua cho biết Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản sẽ tiến hành cuộc tập trận hải quân chung trong năm nay tại vùng biển phía Bắc của Philippines.
Động thái trên có thể khiến Trung Quốc khó chịu trong bối cảnh căng thẳng leo thang liên quan tới các tuyên bố chủ quyền chồng chéo tại khu vực này.
Trước những câu hỏi đặt ra, với các cuộc chạy đua vũ trang và không khí tập trận rầm rộ như hiện nay, Thế chiến III là điều khó tránh khỏi?
Hãng tin Sputniknews từng dẫn bình luận của chuyên gia Sergei Karaganov, Chủ tịch danh dự Ban đối ngoại và Chính sách Quốc phòng LB Nga cho biết:
"Liệu có xảy ra Thế chiến III? Nếu tôi không cống hiến 10 năm cho việc nghiên cứu vũ khí hạt nhân và vấn đề ngăn chặn quá trình phổ biến vũ khí hạt nhân, thì tôi sẽ trả lời: "Vâng, sẽ có Thế chiến mới".
Các sự kiện trong năm 2014 và năm 2015 làm chúng ta có cảm giác rằng sắp nổ ra cuộc chiến tranh thế giới mới. Bầu không khí lại một lần nữa sặc mùi chiến tranh. Các quốc gia cáo buộc nhau về việc thực thi chính sách hiếu chiến.
Nhưng, tôi nghĩ rằng, chúng ta sẽ không sa vào một cuộc chiến tranh lớn, và sẽ tiếp tục sống trong một thế giới với những thách thức ngày càng phức tạp. Cần phải thường xuyên nhắc nhở thế giới về nguy cơ chiến tranh”.
Cũng theo ông Sergei, mặc dù các mối đe dọa ngày càng tăng, nhưng, chắc là chúng ta sẽ không để nó xảy ra. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử loài người khi các sự kiện tầm cỡ phát triển quá nhanh.