Huyền thoại bầu trời: 7 mẫu máy bay "già nhưng không yếu" của Nga

Hải Vy |

Chuyên gia quân sự Vladimir Tuchkov đưa ra cái nhìn tổng quan về những mẫu máy bay quân sự kỳ cựu, huyền thoại vẫn trung thành phục vụ quân đội Nga sau nhiều thập kỷ triển khai.

7 mẫu máy bay trong danh sách dưới đây đều đi vào hoạt động trước năm 1980.

1. Tu-95: “Gấu” Nga

Máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-95 “Bear” thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 12/11/1952 và được đưa vào biên chế Không quân Nga trong tháng 4/1956.

Trước khi tên lửa đạn đạo liên lục địa ra đời, Tu-95 là phương tiện răn đe hạt nhân duy nhất của Nga, có khả năng bay vượt đại dương để tấn công Mỹ.

Về mặt chiến lược, có thể so sánh Tu-95 “Bear” với pháo đài bay B-52 của Mỹ.

Về kỹ thuật, B-52 lắp đặt 8 động cơ turbin phản lực, còn Tu-95 có thể mang tải trọng 12 tấn bay qua Đại Tây Dương chỉ với 4 động cơ turbin cánh quạt.

Mặc dù tốc độ tối đa chưa đầy 1.000km/h nhưng Tu-95 có tốc độ hành trình ngang ngửa B-52.


Máy bay ném bom Tu-95 Bear.

Máy bay ném bom Tu-95 "Bear".

Về khả năng sống sót, những chú Gấu Nga không chịu thua “pháo đài bay”. Chúng được thiết kế với cabin bọc giáp trong số nhiều thành phần quan trọng khác và trang bị pháo 23mm.

Trong khi đó, B-52 chủ yếu dựa vào độ cao để giữ an toàn.

Tuy nhiên, đến cuối những năm 1950, tình hình đã thay đổi đáng kể do công nghệ không ngừng phát triển.

Độ cao của B-52 không còn giúp nó đảm bảo an toàn và các tên lửa phòng không mạnh mẽ đã bắt đầu xuất hiện.

Kết quả là, trần bay và tốc độ bay thấp hơn của Tu-95 không còn giữ vai trò quan trọng như trước trong việc đảm bảo an ninh chiến lược.

Tu-95MS, phiên bản nâng cấp mới nhất, đi vào hoạt động từ năm 1983 và được trang bị tên lửa hành trình Kh-55 tầm bắn lên tới 3.000km, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Năm 2013, Nga đưa vào trang bị tên lửa Kh-102, với tầm bắn 5.500km.

Nhờ tốc độ cao và tầm bắn xa của tên lửa, Tu-95 có thể tiến hành tấn công mà không phải tiếp cận khu vực phòng không của đối phương.

Máy bay ném bom Tu-95MS

2. Su-24: Cơn ác mộng của khủng bố ở Syria

Lực lượng không quân chiến thuật của Nga “trẻ hơn” đáng kể so với lực lượng tương đương của Mỹ.

Không quân Mỹ đang tiếp tục vận hành 3 mẫu máy bay đi vào hoạt động từ trước năm 1980, gồm F-15 Eagle, F-16 Fighting Falcon và A-10 Thunderbolt II.

Xét về số lượng, những máy bay này tạo nên sức mạnh tấn công chính của Không quân Mỹ.

Tại Nga, mẫu máy bay đời cũ duy nhất còn lại (trong lực lượng không quân chiến thuật) là máy bay ném bom tiền tuyến Su-24.


Máy bay ném bom Su-24 tại căn cứ không quân Hmeymim, Syria.

Máy bay ném bom Su-24 tại căn cứ không quân Hmeymim, Syria.

Đây là một mẫu máy bay đột phá với thiết kế cánh cụp cánh xòe. Lợi thế chủ đạo của Su-24 là khả năng bay siêu âm theo địa hình ở tầm thấp, giúp nó vượt qua hàng phòng không của đối phương.

Hệ thống ngắm – dẫn đường Puma không chỉ đảm bảo an toàn khi bay tầm thấp mà còn cho phép máy bay tiến hành các cuộc tấn công chính xác bằng tên lửa dẫn đường Kh-23.

Ngoài ra còn có tên lửa Kh-28 với khả năng chế áp radar đối phương.

Nhờ các tên lửa không-đối-không, Su-24 có khả năng tấn công các máy bay chiến đấu đối địch.

Ngày nay, sau khi trải qua quá trình hiện đại hóa sâu rộng, Su-24 được nâng cấp lên chuẩn Su-24M, với toàn bộ hệ thống điện tử được cải tiến và bổ sung nhiều loại bom, tên lửa mới.

Hiện tại, máy bay ném bom Su-24 đang thực thi nhiệm vụ tấn công vào hang ổ của lực lượng khủng bố ở Syria.

Su-24M tấn công mục tiêu khủng bố ở Syria

3. An-12: Người bạn của lính dù

Các mẫu máy bay kỳ cựu vẫn chiếm số lượng lớn trong phi đoàn máy bay vận tải của quân đội Nga.

Phần lớn trong số này do Viện thiết kế Antonov – Ukraine phát triển. Sau khi quan hệ Nga – Ukraine đổ vỡ, chúng dần được thay thế bằng các thiết kế mới của Ilyushin.


Máy bay vận tải An-12.

Máy bay vận tải An-12.

Thiết kế đầu tiên của Antonov cần phải được kể đến là An-12. Chỉ một năm rưỡi sau khi thực hiện chuyến bay đầu tiên năm 1957, An-12 đã được đưa vào biên chế Không quân Nga.

Với thiết kế phổ cập, An-12 còn được sử dụng trong ngành hàng không dân sự, tuy nhiên, nó tỏ ra hiệu quả nhất khi hỗ trợ lính dù.

Đây là chiếc máy bay đầu tiên của Liên Xô cho phép quân đội tiến hành các chiến dịch đổ bộ quy môn lớn, với sức chứa 60 lính hoặc 2 xe bọc thép chở quân.

4. An-26: Cỗ xe tải có cánh

An-26 ra đời sau An-12 với khả năng khiếm tốn hơn. Nó đi vào hoạt động trong năm 1973 với khoảng 1.500 chiếc được chế tạo.


Máy bay vận tải An-26.

Máy bay vận tải An-26.

Ban đầu, An-26 không được sử dụng trong chiến đấu hay phục vụ lực lượng lính dù. Thay vào đó, nó trở thành phương tiện vận chuyển hàng hóa và nhân sự.

Trong thời chiến, An-26 được giao phó vai trò chuyên chở đạn dược và sơ tán người bị thương.

Nói cách khác, An-26 chẳng khác nào một “cỗ xe tải có cánh”. Phiên bản chở khách của mẫu máy bay này cũng được sử đụng để đưa dón các quan chức cấp cao.

5. An-22: Gã khổng lồ

Năm 1969, lực lượng không vận của Liên Xô được bổ sung mẫu máy bay hạng nặng An-22 “Antei”.

An-22 dài 57,9m, cao 12,53m, sải cánh 64,4m, trọng lượng rỗng 114 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 250 tấn. Nó từng được coi là máy bay vận tải quân sự lớn nhất thế giới cho tới khi máy bay vận tải C-5 Galaxy (Mỹ) ra đời.


Một chiếc An-22 chuẩn bị hạ cánh xuống Bắc Cực.

Một chiếc An-22 chuẩn bị hạ cánh xuống Bắc Cực.

Đây là mẫu máy bay thân rộng sử dụng động cơ turbin cánh quạt đầu tiên của Liên Xô và là máy bay hạng nặng duy nhất trên thế giới có khả năng cất/hạ cánh trên đường băng thô ráp, không được lát đá.

Tính tới năm 1976, đã có 68 chiếc máy bay loại này được sản xuất tại nhà máy hàng không Tashkent.

Tình cờ, đây cũng là mẫu máy bay vận tải đầu tiên của Liên Xô sử dụng hệ thống tự động hóa và cơ giới hóa trong các hoạt động bốc – dỡ/thả hàng hóa.

6. IL-20: Con mắt tinh tường

Máy bay trinh sát điện tử IL-20 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 21/3/1968 và đi vào hoạt động sau đó 1 năm. Sau thời gian dài hoạt động, các máy bay IL-20 đã được Nga hiện đại hóa.


Máy bay trinh sát IL-20.

Máy bay trinh sát IL-20.

Được phát triển trên nền tảng máy bay chở khách IL-18, IL-20 có động cơ mạnh mẽ hơn và mang được lượng nhiên liệu lớn hơn.

IL-20 được trang bị các hệ thống do thám, trinh sát, kết nối vệ tinh, có thể thực hiện nhiệm vụ trinh sát điện tử, trinh sát hình ảnh và chặn tín hiệu radio.

Đã có 20 chiếc IL-20 được sản xuất. Hiện tại, viện thiết kế Ilyushin đang chuẩn bị một đợt nâng cấp khác dành cho chúng.

7. IL-76: Trẻ mãi không già

Dây chuyền sản xuất An-22 đã phải dừng lại khá nhanh chóng để nhường chỗ cho một mẫu máy bay có tiềm năng hứa hẹn hơn – IL-76.

Mẫu thiết kế của Ilyushin có khả năng mang tải yếu hơn nhưng động cơ turbin phản lực của nó được đánh giá cao hơn động cơ turbin cánh quạt của An-22. Ngoài ra, IL-76 còn có tốc độ bay cao hơn.

Được đưa vào trang bị năm 1976, IL-76 có khả năng nâng tải trọng tối đa 40 tấn, sau này tăng lên tới 60 tấn.

Từ những năm hoạt động đầu tiên, IL-76 đã lập được nhiều kỷ lục vượt quá tính năng thông thường của nó.

Tháng 7/1975, khi điều khiển chiếc Il-76 trong loạt sản xuất đầu tiên, phi công thử nghiệm Y.I. Bernikov đã nâng thùng hàng nặng 70.121kg lên độ cao 11.875m.

Cùng ngày hôm đó, phi công thử nghiệm A.M. Tyuryumin đã đạt tốc độ trung bình kỷ lục 857,65km khi mang tải trọng 70 tấn di chuyển trên quãng đường dài 1.000km.


Máy bay vận tải IL-76.

Máy bay vận tải IL-76.

IL-76-MD-90A, phiên bản mới nhất của IL-76, đã được hiện đại hóa sâu rộng. Nguyên mẫu đầu tiên cất cánh vào năm 2012 và chiếc máy bay đầu tiên được hoàn thiện trong năm 2014.

IL-76-MD-90A không chỉ chở được hàng hóa với kích cỡ và khối lượng lớn hơn, tiến hành chiến dịch đổ bộ đường không với lính dù cùng các thiết bị quân sự mà nó còn có thể “tự bảo vệ” như một máy bay ném bom trong vùng chiến sự.

IL-76-MD-90A trang bị pháo 23mm, có thể tìm kiếm mục tiêu bằng radar và thiết bị ngắm quang học. Máy bay còn có các biện pháp đối kháng điện tử và pháo sáng, có 4 giá treo bom, tên lửa hoặc mang theo thùng nhiên liệu phụ.

Hiện nay, IL-76 vẫn là máy bay chủ lực của Bộ Tư lệnh Không vận – Không quân Nga, cơ quan này đang vận hành 120 máy bay các loại và đang đặt hàng thêm 39 chiếc IL-76-MD-90A.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại