Nếu không có công nghệ nước ngoài, quân đội Trung Quốc sẽ ra sao?

Nhật Minh |

Đó là câu hỏi mà nhà phân tích Robert Farley đặt ra khi phần lớn công nghệ của Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào các hệ thống mua từ nước ngoài.

Trung Quốc phụ thuộc vào công nghệ quân sự nước ngoài tới mức độ nào?

Trong bài viết trên tạp chí Diplomat (Nhật Bản), nhà phân tích Robert Farley cho rằng, bất chấp các dự án “khủng” trong hơn 2 thập kỷ qua của nước này, câu trả lời vẫn là “nhiều vô kể”.

Tuy nhiên, lý do dẫn đến sự phụ thuộc này lại rất phức tạp và trong bất cứ trường hợp nào thì tình cảnh này có vẻ sẽ thay đổi nhanh chóng.

Nhiều cuộc thảo luận về sự cạnh giữa Mỹ - Trung Quốc tập trung vào các lỗ hổng của Mỹ và các nhà phân tích kết luận rằng Trung Quốc có thể đe dọa các yếu tố quan trọng trong tổ hợp trinh sát-tấn công của Mỹ, nếu chưa tới mức đánh bại hoàn toàn.

Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn công nghệ của Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào các hệ thống mua từ nước ngoài.

Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của nước này, thực chất là tàu cũ của Liên Xô. Chiếc tàu sân bay tiếp theo của Trung Quốc có vẻ sẽ sao chép thiết kế đó.


Tàu sân bay Liêu Ninh

Tàu sân bay Liêu Ninh

Hệ thống tên lửa đất-đối-không HQ-9 sử dụng công nghệ sao chép từ hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ; các tàu ngầm Trung Quốc cũng dựa vào công nghệ trên nhiều thế hệ tàu ngầm của Liên Xô (cùng với một số bí mật chiếm đoạt từ Mỹ).

Tương tự như vậy, các tàu chiến mặt nước của Trung Quốc sử dụng nhiều thành phần sao chép từ các mẫu của Nga hoặc Tây Âu.

Đối với ngành hàng không vũ trụ, tiêm kích J-10 của Trung Quốc có nhiều điểm giống với chiến đấu cơ Lavi (và có thể cả F-16) của Israel, còn J-11, J-15, J-16 và JF-17 rõ ràng là sản phẩm sao chép y hệt hoặc biến tấu từ các mẫu máy bay Liên Xô.

H-6, máy bay ném bom tầm xa của Trung Quốc sao chép từ một mẫu máy bay ném bom Liên Xô cất cánh lần đầu tiên trong năm 1954.

Và như tạp chí Diplomat từng thông tin trước đó, Trung Quốc dường như đã sao chép cả công nghệ máy bay không người lái từ Mỹ và một số nhà sản xuất khác.

Nói ngắn gọn, cả quân đội và ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đều đang phụ thuộc vào công nghệ của Nga và phương Tây.

Song, cũng theo ông Farley, nước này lại có nhiều thành tựu trong lĩnh vực kiến trúc, các hệ thống tái cấu hình và các thành phần để chế tạo nhiều loại vũ khí đáng sợ hơn.

Kho tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình đáng gờm là một minh chứng rõ nét cho sự thành công của Trung Quốc trong hướng tiếp cận này.


Tiêm kích tàng hình J-31.

Tiêm kích tàng hình J-31.

Bên cạnh đó, theo Farley, mặc dù có bằng chứng cho thấy 2 chương trình tiêm kích thế hệ 5 J-20 và J-31 phụ thuộc vào nguồn thông tin thu thập từ Mỹ nhưng chúng có vẻ đại diện cho những đột phá đáng kể về kỹ thuật của ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc.

Chúng còn có tiềm năng đưa ngành công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc vượt qua Nga và tới một mức độ nào đó sẽ vượt châu Âu (mặc dù các mẫu chiến đấu cơ Rafale và Typhoon vẫn là những thành tựu mà Trung Quốc chưa thể sánh bằng).

Có khả năng J-20 và J-31 sẽ sẵn sàng hoạt động trước khi mẫu KFX (Hàn Quốc) hay F-3 (Nhật Bản) đi vào phục vụ.

Ông Farley cho rằng, mặc dù Hàn Quốc và Nhật Bản đã mua công nghệ Mỹ theo nhiều con đường hợp pháp hơn Trung Quốc, song họ vẫn cần tới sự hỗ trợ của nước ngoài.

Có lẽ ngoài Mỹ, mọi tổ hợp công nghiệp – quốc phòng trên thế giới đều cần được bổ sung thường xuyên các công nghệ sẵn có trên thị trường quốc tế.

Theo ông Farley, các lệnh cấm vận và kiểm soát xuất khẩu đã ngăn Trung Quốc tiếp cận thị trường này theo cách thức giống như Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản hoặc bất cứ quốc gia châu Âu nào.

Trong bối cảnh này, gián điệp công nghiệp không phải là một chiêu trò mới mẻ nào nhưng là phản ứng bình thường và có thể dự đoán được của Trung Quốc trước những hạn chế mà Mỹ và đồng minh đang áp đặt lên quốc gia này.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Robert Farley.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại