Vì sao Không quân Nga không thể thiếu "Người khổng lồ" An-22?

Quang Huy |

Chiếc máy bay vận tải quân sự An-22 được đặt theo tên người khổng lồ bất khả chiến bại trong thần thoại Hy Lạp - Antaeus.

Người khổng lồ trong thần thoại Hy Lạp

Chiếc máy bay vận tải của Nga mặc dù là kẻ chinh phục bầu trời, nhưng có điểm nào đó tương đồng với người khổng lồ Hy Lạp. Số lần cất và hạ cánh nhiều tới mức dường như nó nhận được sức mạnh vô hình từ mặt đất.

An-22 là máy bay thân rộng đầu tiên của Liên Xô. Cho đến thời điểm hiện tại nó vẫn giữ vị trí số 1 trong bảng xếp hạng các máy động cơ cánh quạt lớn nhất thế giới với chiều dài hơn 57 m, sải cánh 64 m, chiều cao 12,5 m.

Trong đó chỉ riêng đường kính cánh quạt đã hơn 6 m và tổng cộng trên “Antaeus” có 8 cánh quạt (mỗi động cơ có 1 cặp).

Đúng vào tháng 2 này, chiếc Antaeus tròn 51 tuổi kể từ lần đầu tiên cất cánh tại sân bay của nhà máy chế tạo hàng không “Svyatoshino” ở Kiev.

Khi bay tới sân bay quân sự Uzin (thuộc tỉnh Kiev), Antaeus đã chứng tỏ: Những chiếc máy bay khổng lồ này có thể ngự trị trên bầu trời.

Cũng trong năm đó Liên Xô chính thức giới thiệu An-22 tại triển lãm hàng không Le Burge (Pháp). Ban tổ chức đã hâm nóng chương trình khi tuyên bố sẽ có một máy bay “kích thước và khả năng không tưởng” đến từ Liên Xô.

Những khán giả hồi hộp chờ đợi được nhìn thấy một thứ gì đó vô tưởng, một sinh vật đầy lông lá, tuy nhiên…

Theo như tờ báo Humanite (Pháp) sau đó viết “chiếc máy bay mà tất cả mọi người nhìn thấy ở cuối đường băng xuất hiện một cách vô cùng thanh lịch và thuần khiết, nó tiếp đất nhẹ nhàng mà không hề rung lắc”.

Vào thời điểm đó, có thể không cường điệu mà nói rằng, đây là cỗ máy độc nhất vô nhị. Ngoài sức nâng kỷ lục 60 tấn hàng, nó có thiết kế cải tiến với hai cánh đuôi khiến cho việc điều khiển trở nên dễ dàng hơn.

Các công trình sư tuân thủ theo phương châm đơn giản hoá vận hành, đã giúp chiếc máy bay này có thể cất-hạ cánh ở những đường băng đất nện bởi hệ thống treo bằng khí nén kết hợp với nhiều bánh lăn.

Từ khi An-22 được chế tạo ở Liên Xô, đã xuất hiện một thế hệ mới các phi cơ khổ lớn với tên gọi máy bay thân rộng.


Máy bay vận tải Antonov An-22

Máy bay vận tải Antonov An-22

Cỗ máy vận tải trên không

Đầu tiên, quân đội có nhu cầu đối với loại máy bay có khả năng chở được nhiều hàng hóa.

Theo yêu cầu kỹ thuật mà Bộ Quốc phòng Liên Xô đề ra với các nhà thiết kế, cỗ máy này sẽ phải vận chuyển được gần như toàn bộ các loại vũ khí khí tài quân sự, bao gồm cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Tất nhiên, chiếc An-22 còn phải đáp ứng nhu cầu của lực lượng lính dù và vượt trội hơn nhiều về sức tải so với An-12 (tối đa 16 tấn).

An-22 cũng phải phục vụ cho cả lĩnh vực dân sự - chuyên vận chuyển các loại hàng khổ lớn không thể tháo rời đến các khu vực như Siberia, Bắc Cực và vùng Viễn Đông xa xôi.

Khi ra đời, An-22 đúng là rất khổng lồ, hạng nặng, tuy nhiên nó rất dễ điều khiển và không cần những điều kiện đặc biệt để vận hành.

Trong lần thử nghiệm đầu tiên, các kỹ sư lo lắng rằng sẽ không có nhiều sân bay để An-22 có thể cất cánh: Chiều dài đường băng sân bay Svytoshino chỉ có 1,8 km. Nhưng chiếc Anteaus chỉ cần 1,2 km để bay lên, trong khi trọng lượng cất cánh của nó vượt quá 160 tấn.

Vào năm 1966, An-22 đã xác lập 12 kỷ lục trong một lần bay, bao gồm nâng khối lượng 88 tấn với độ cao ở mức hơn 6,5 km. Trọng tải tối đa mà chiếc Antaeus đã cất cánh từng vượt 100 tấn, còn trần bay là 7.848 m.

Phi hành đoàn bao gồm từ 5 đến 7 người trong buồng lái 2 tầng khép kín. Tầng dưới, ở phần mũi là hoa tiêu cùng 2 buồng dành cho hành khách áp tải hàng hoá. Ở tầng trên là chỗ của những thành viên phi hành đoàn khác và 1 khoang hành khách.

Tổng cộng chiếc máy bay này chở được tối đa 300 người, vận chuyển 60 tấn hàng với tầm hoạt động hơn 5.200 km. Chiếc An-22 có thể thả hàng bằng dù với trọng lượng lên tới 22 tấn.

Trong quá trình thử nghiệm trên mặt đất, khoang hàng của Antaeus được lấp đầy bằng hàng trăm loại vũ khí. Nó có thể chứa được gần như mọi khí tài hiện có, sàn máy bay bằng titan cho phép chuyên chở cả xe tăng.


Kích thước khổng lồ của An-22

Kích thước khổng lồ của An-22

Người lính và người thợ

Một số kỷ lục của Antaeus cho đến nay vẫn chưa bị phá vỡ. Ví dụ vào mùa hè năm 1972, khi nhà lãnh đạo Ai Cập Sadat yêu cầu đưa toàn bộ cố vấn và chuyên gia quân sự Liên Xô ra khỏi nước này thì chính An-22 đã được cử đến làm nhiệm vụ.

Đó là một chuyến bay chở khách xác lập kỷ lục: Nó vận chuyển gần 700 người!

Ban đầu, các nhà thiết kế An-22 dự định dần dần sẽ biến nó thành máy bay chở khách tầm trung. Thậm chí còn thiết kế cả số lượng 724 ghế hành khách bố trí ở 2 tầng (sau đó sơ đồ này đã được áp dụng cho chiếc IL-86).

Tuy nhiên, Antaeus đã không chở thành máy bay dân dụng theo đúng nghĩa bởi vì những tính năng của nó phù hợp hơn với phi cơ vận tải.

An-22 không chỉ là máy bay quân sự, mà nó thực sự là máy bay tiền phương, đã từng được thử nghiệm trên chiến trường Afghanistan.

Các phi công từng chiến đấu ở Afghanistan biết rằng địa hình đất nước này hiểm trở đến mức nào, việc cất hạ cánh tại các sân bay ở đó nguy hiểm ra sao. Tất nhiên, cần phải tính đến cả điều kiện chiến tranh đang xảy ra…

Tuy nhiên, chính Antaeus đã tiến hành di chuyển quân vào cuối năm 1979, sau đó còn đảm bảo cung cấp liên tục nhu yếu phẩm cho quân đội Liên Xô ở Afghanistan thông qua Tashkent.

Nó thực hiện các chuyến bay độc nhất vô nhị, ví dụ như vận chuyển trực thăng Mi-24 trong tình trạng tháo rời.

Từ khi xuất hiện tên lửa phòng không kiểu “Stinger”, các phi công của Antaeus đã phải thực hiện nhiều chuyến bay phức tạp, bao gồm cả việc cất-hạ cánh với thao tác hạ và nâng độ cao đột ngột.

Đây hoàn toàn là những kỹ thuật không hề đơn giản, nhưng trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch quân sự ở Afghanistan, Liên Xô không mất một chiếc Antaeus nào.

Tổng cộng đã có 68 chiếc An-22 được ngành công nghiệp chế tạo máy bay nội địa của Liên Xô cho xuất xưởng. Vào giữa những năm 1970, công tác chế tạo An-22 chấm dứt để phục vụ cho việc sản xuất máy bay động cơ phản lực IL-76.

Hiện nay, chú ngựa thồ An-22 này không chỉ phục vụ riêng lực lượng lính dù, mà gần như toàn bộ các đơn vị quân đội, cũng như Bộ các tình trạng khẩn cấp hay Bộ Nội vụ Nga.

Còn những lô hàng cỡ lớn và nặng thì do các máy bay vận tải cũng của Antonov thực hiện - đó là chiếc An-124 với tên gọi nổi tiếng “Ruslan”.

Chính An-22 đã tham gia vào hoạt động vận chuyển một số phần vỏ của “Ruslan”, cũng như chiếc máy bay độc nhất vô nhị khác - An-225 “Mria” tới các nhà máy ở Kiev và Ulyanovsk để lắp ráp, bằng cách độc đáo không kém - hệ thống treo bên ngoài.

Phi công thử nghiệm, anh hùng Liên Xô Yury Kurlin, người từng có hơn 3 nghìn giờ bay trên An-22 đã mô tả về nó như sau:

“Đó là một phi thuyền lớn thả mình trên bầu trời. Tốc độ chậm, chở hàng nặng, dễ điều khiển, bay được trong mọi địa hình và không phức tạp trong vận hành - đó là những đặc điểm cơ bản của chiếc máy bay - ong thợ An-22”.

Hiện nay, những cỗ máy này vẫn tiếp tục được lực lượng Không quân - vũ trụ Nga sử dụng. Mùa thu vừa qua, An-22 cùng với các máy bay khác đã tham gia vào hoạt động di chuyển quân tới khu vực chiến lược của cuộc tập trận “Center-2015”.

Các phi công An-22 đã vận chuyển tới địa điểm theo kế hoạch hơn 3,5 tấn hàng hoá. Còn vào cuối tháng 1/2016, lần đầu tiên sau 20 năm, Antaeus đã cất-hạ cánh trên đường băng bằng đất nện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại