Buổi bình minh của các hệ thống phòng thủ tên lửa

Hoàng Thái |

Kể từ khi ra đời, tầm bắn xa và khả năng tiến công chính xác đã khiến tên lửa đạn đạo trở thành vũ khí có tính đe dọa lớn với an ninh của mọi quốc gia trên thế giới.

Khi mối đe dọa xuất hiện, cũng là lúc các cường quốc tìm cách tiêu diệt đòn tiến công lợi hại này để hạn chế thiệt hại trong một cuộc xung đột. Quan hệ mâu và thuẫn trong các cuộc chạy đua vũ trang đã thúc đẩy những hệ thống phòng thủ tên lửa đầu tiên ra đời.

Tên lửa đạn đạo Topol của Nga

Vũ khí hạt nhân diệt vũ khí hạt nhân

Buổi bình minh của các hệ thống phòng thủ tên lửa bắt đầu khi cuộc chạy đua vũ trang mà trọng tâm là sức mạnh hạt nhân giữa hai siêu cường thời Chiến tranh lạnh diễn ra vô cùng quyết liệt.

Cả Liên Xô và Mỹ đều nhận thức rằng, nếu có một cuộc tấn công hạt nhân bằng các đầu đạn từ thượng tầng khí quyển diễn ra nhằm vào quốc gia mình thì hậu quả sẽ vô cùng tai hại.

Trong khi kỹ thuật dẫn đường và định vị chưa cho phép, Liên Xô đã đi tiên phong trong lĩnh vực đánh chặn bằng giải pháp sử dụng “vũ khí hạt nhân diệt vũ khí hạt nhân”, nhằm bảo vệ những thành phố của mình trước sức mạnh hạt nhân của siêu cường bên kia Đại Tây Dương.

Tiêu biểu của hệ thống phòng thủ không gian thời kỳ này là tổ hợp A-135. Tên lửa được trang bị đầu đạn hạt nhân với đương lượng nổ 2 - 3 Megaton.

Khi xác định có một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo nhằm vào Liên Xô, hệ thống sẽ đưa đầu đạn lên gần mục tiêu và phá hủy bằng sức công phá mà không cần va chạm trực tiếp. A-135 có tầm bắn 300 km, đủ sức bảo vệ các thành phố lớn của Liên Xô ở phạm vi ngoài tầng khí quyển.

Xe chở đạn tên lửa với kích thước to lớn của hệ thống A-135

Tuy nhiên, sự cồng kềnh, tốn kém và phức tạp trong chế tạo, bảo dưỡng cũng như tác hại của việc sử dụng đầu đạn hạt nhân để đánh chặn là một nhược điểm quá lớn.

Vào thời kỳ cuối của Chiến tranh lạnh, khi công nghệ tên lửa, định vị, dẫn đường đã có nhiều bước tiến lớn, các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao mới sử dụng phương pháp tiêu diệt bằng động năng và năng lượng ánh sáng đã ra đời.

Thành quả từ “viễn tưởng” của người Mỹ

Không thể chần chừ trước những thành quả của Liên Xô, người Mỹ cũng đã bắt tay vào xây dựng cho mình những hệ thống riêng để đảm bảo an ninh quốc gia.

Có thể nói con đẻ của chương trình phòng thủ tên lửa Mỹ bắt nguồn từ “Sáng kiến phòng thủ chiến lược - SDI”, hay còn được biết đến với cái tên gợi nhiều liên tưởng “Chương trình Chiến tranh giữa các vì sao”.

SDI được thực hiện vào năm 1983 với ý tưởng khá phức tạp là tiêu diệt những tên lửa đạn đạo nhằm vào lãnh thổ Mỹ ở pha giữa của hành trình bằng các phương tiện vũ trụ.

Thành quả của chương trình là đã xây dựng được một hệ thống khá hoàn chỉnh cho việc trinh sát, theo dõi các cuộc tấn công bằng vệ tinh, các phương tiện giám sát vũ trụ... và phát triển công nghệ dẫn đường chính xác để đánh chặn tên lửa đạn đạo trong pha giữa của hành trình tấn công.

Tới năm 1991, khi Liên Xô sụp đổ, cuộc chạy đua “Chiến tranh giữa các vì sao” không còn cần thiết và chấm dứt theo sự ra đi của Liên bang Xô Viết, nhưng người Mỹ vẫn dựa trên những thành quả đó để xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo hiện đại.

Chương trình mới gồm 2 thành tố chính, đó là phòng thủ tên lửa quốc gia NMD và phòng thủ tên lửa chiến trường TMD.

NMD là chương trình gây rất nhiều tranh cãi khi được triển khai không chỉ trên lãnh thổ Mỹ mà còn tại các quốc gia đồng minh.

Trọng tâm của giải pháp là sử dụng vệ tinh, các phương tiện trinh sát vũ trụ để phát hiện vụ phóng, theo dõi tên lửa đang nhằm vào Mỹ và ra đòn tiêu diệt bằng tên lửa đánh chặn va chạm trực tiếp hoặc sử dụng tia laser để tiêu diệt.

Với ưu thế kinh tế - quân sự - chính trị của mình, người Mỹ đã triển khai các hệ thống radar, phương tiện mang phóng đa dạng trên khắp thế giới, hình thành thế bao vây những quốc gia mà họ cho rằng có tiềm năng tấn công nước Mỹ bằng tên lửa.

Tàu chiến Aegis Mỹ là một thành tố trong hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia

Trong khi NMD đang là vũ khí bao vây của Mỹ một cách hiệu quả và là con bài mặc cả trên nhiều diễn đàn an ninh thì hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường TMD lại thể hiện khá tệ hại trong thực chiến.

Có vẻ như chiếc ô bảo vệ chiến trường của Mỹ luôn gặp vấn đề khi đối phó những cuộc tấn công của đối thủ, dù chỉ bằng những hệ thống lỗi thời.

Hệ thống PAC-3 Khai hỏa

Trong chiến dịch Bão Táp Sa Mạc, người Mỹ đã nếm đòn cay đắng khi chỉ đánh chặn nổi 20% số lượng tên lửa Scud của Iraq. Cá biệt, một tên lửa đã rơi vào doanh trại quân đội Mỹ gây ra cái chết của 26 binh sĩ và hơn 100 người bị thương.

Hay như mới đây, hệ thống Patriot PAC-3 của Mỹ đã không đánh chặn được tên lửa của phiến quân Houthi từ Yemen bắn sang Saudi Arabia, khiến tư lệnh không quân nước này thiệt mạng.

Như vậy, dù thành quả và ưu thế của Mỹ là rất lớn so với các quốc gia mà họ cho là thù địch, cộng với khả năng triển khai trên diện rộng bằng ngân sách dồi dào.

Tuy nhiên không thể phủ nhận hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường của Mỹ đang gặp những vấn đề về độ tin cậy trong vận hành và chất lượng thực sự của các thành phần trong tổ hợp.

Điều này đã khiến các quốc gia đồng minh lo ngại, thậm chí Đức và Israel còn tự phát triển những chương trình riêng để đảm bảo an ninh không chỉ vì nhu cầu tự chủ mà còn do những mối nghi ngờ với chất lượng vũ khí Mỹ.

Có thể nói, cuộc chạy đua triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa là cuộc chơi khởi nguồn từ những siêu cường. Trong đó, Liên Xô là quốc gia đi tiên phong còn Mỹ là nước triển khai hiệu quả nhất về quy mô và số lượng.

Cuộc đua vẫn chưa dừng lại, nước Nga tiếp tục cho ra đời những vũ khí cao xạ mới với tính năng vượt trội, có khả năng thay đổi quyền lực và những giải pháp đối phó phi đối xứng hiệu quả.

Bên cạnh đó, sự trỗi dậy và nhu cầu an ninh của Trung Quốc, Ấn Độ, Israel... đã khiến cuộc chơi có thêm nhiều nhân tố mới. Điều này hứa hẹn xuất hiện nhiều giải pháp công nghệ mới lạ, song song với những mặc cả quyền lợi phức tạp trên chính trường.

Trong kỳ sau, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các giải pháp mới trong cuộc chạy đua đỉnh cao về kỹ thuật quân sự này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại