Bom H ra đời như thế nào?

Hùng Hà |

Bom Hydro - hay còn gọi là bom nhiệt hạch, bom khinh khí, bom H - là vũ khí được lên ý tưởng từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Nó hoạt động dựa trên nguyên tắc nhiệt hạch, giải phóng lượng lớn phóng xạ và năng lượng. Với sức công phá cực lớn, bom H được ví như một loại vũ khí hủy diệt…

Mạnh hơn gấp nghìn lần bom A

Bom H được phát triển lần đầu tiên tại Mỹ vào đầu thập niên 1950. Theo trang atomicarchive.com, đây là một loại vũ khí có nguyên lý dựa trên phản ứng tổng hợp hạt nhân-từ các đồng vị hạt nhân nhẹ của Hydro là Deuterium và Tritium, thành hạt nhân nặng hơn là Helium.

Đây cũng chính là điểm khác biệt của bom H so với các loại bom nguyên tử (bom A)-thứ được sử dụng để hủy diệt hai thành phố của Nhật Bản là Hi-rô-si-ma và Na-ga-xa-ki năm 1945.

Những trái bom A sử dụng nguyên lý "phân hạch hạt nhân", bằng cách lợi dụng quá trình phân hủy các hạt nhân nặng, không bền như Uranium hay Plutonium để giải phóng năng lượng.

Trong khi đó, phản ứng "tổng hợp hạt nhân" trong bom nhiệt hạch lại phức tạp hơn nhiều. Do các nguyên tử đều có điện tích dương-tức là chúng sẽ đẩy nhau, do đó sẽ cần đến một nguồn năng lượng cực kỳ lớn, hoặc một nhiệt độ cực cao để phản ứng này xảy ra.

Và các nhà khoa học quân sự đã sử dụng chính một quả bom nguyên tử để tạo nhiệt lượng phù hợp, hay nói cách khác để kích nổ một trái bom H, cần một quả bom nguyên tử để làm kíp nổ.


Vụ thử bom H đầu tiên do Mỹ thực hiện năm 1952. Nguồn: Bộ Năng lượng Mỹ.

Vụ thử bom H đầu tiên do Mỹ thực hiện năm 1952. Nguồn: Bộ Năng lượng Mỹ.

Về cơ bản, trái bom nguyên tử làm kíp nổ sẽ tạo phản ứng phân hạch, giải phóng nhiệt lượng khổng lồ-lên đến hàng triệu độ C-để kích hoạt quá trình tổng hợp hạt nhân trong trái bom H.

Quá trình này thậm chí giải phóng nhiệt lượng còn kinh khủng hơn, có thể đạt đến nhiệt độ của phần lõi Mặt Trời (hàng triệu đến chục triệu độ C).

Chính vì nguyên lý này, bom H có sức công phá gấp hàng nghìn lần những trái bom nguyên tử bình thường. Theo các chuyên gia quân sự, một quả bom nguyên tử chỉ có sức công phá tính bằng ki-lô-tôn (1 ki-lô-tôn bằng 1.000 tấn thuốc nổ TNT).

Trong khi đó, sức nổ (đương lượng nổ) của một trái bom H thông thường sẽ được tính bằng mê-ga-tôn - tương đương với hàng triệu tấn thuốc nổ TNT.

Những con số biết nói

Kể từ đầu thập niên 1940, Mỹ đã rót tiền vào dự án nghiên cứu hạt nhân. Sự độc quyền về hạt nhân giúp Mỹ dễ dàng giành lợi thế cạnh tranh và mở đường cho tham vọng bá chủ thế giới của nước này.

Tuy nhiên đến năm 1949, việc Liên Xô thử thành công quả bom hạt nhân đầu tiên được xem là sự kiện làm thay đổi cán cân quân sự thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai và khiến Mỹ bắt đầu bắt tay vào việc xây dựng bom H.

Trong lịch sử, quả bom khinh khí đầu tiên "Ivy Mike" do Mỹ thử nghiệm vào ngày 1-11-1952 có sức công phá mạnh 10,4 mê-ga-tôn, tạo ra một nhiệt lượng tác động trong bán kính 56km, xóa sổ gần như hoàn toàn hòn đảo Elugelab ở Thái Bình Dương.

Trong khi đó, trái Fat Man - thứ đã giết chết 40.000 người tại Na-ga-xa-ki mới chỉ có sức nổ khoảng 21 ki-lô-tôn.

Chỉ chưa đầy một năm sau khi Mỹ thử nghiệm Ivy Mike, Liên Xô thử nghiệm RDS-6S - quả bom H đầu tiên do nước này chế tạo - vào ngày 12-8-1953, có sức công phá tương đương 400 ki-lô-tôn, mạnh gấp khoảng 26 lần quả bom Mỹ thả tại Hi-rô-si-ma 8 năm trước đó.

Tiếp đến năm 1961, Liên Xô thử nghiệm Tsar Bomba - Bom Sa Hoàng hay còn gọi là "vua của các loại bom" - quả bom H kinh hoàng nhất lịch sử với sức công phá 57 mê-ga-tôn.

Sức nóng từ Tsar Bomba có thể gây bỏng chết người ở khoảng cách 100km, phá hủy mọi công trình trong bán kính 900km.

Theo tờ Washington Post, từ năm 1945 đến 2015, ước tính có hơn 2.000 vụ thử hạt nhân trên toàn thế giới và có từ 10.000 đến 15.000 đầu đạn hạt nhân nằm trong kho của các cường quốc.

Tuy nhiên chỉ có Mỹ, Liên Xô (Nga), Anh, Pháp và Trung Quốc đã từng tiến hành thử nghiệm bom H. Tất cả các quốc gia này đều đã ký vào Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

I-xra-en không tham gia NPT, được cho là theo đuổi một chương trình vũ khí hạt nhân bí mật. Có thông tin cho rằng, I-xra-en đã tiến hành một vụ thử hạt nhân vào năm 1979, ngoài khơi bờ biển Nam Phi, mặc dù chưa hề có sự thừa nhận chính thức nào.

Tuy nhiên, Hiệp hội các nhà khoa học tin rằng, I-xra-en chỉ sở hữu bom A chứ không phải bom H. Các nước khác như Ấn Độ và Pa-ki-xtan cũng chỉ sở hữu loại bom nguyên tử thông thường.

Theo các chuyên gia, kỹ thuật "thu nhỏ" đã được áp dụng cho các vũ khí hạt nhân trong hàng thập kỷ, để đưa các đầu đạn hạt nhân vào tên lửa tầm xa.

Vì vậy, nếu đầu đạn hạt nhân được thay bằng bom H, điều này có nghĩa là ngay cả các quốc gia có tiềm lực quân sự khủng khiếp cũng đang bị đe dọa. Đó là chưa kể đến tác hại lâu dài khi kích nổ những quả bom H.

Dù được cho là bom "sạch" do lượng phóng xạ thải ra ít hơn, nhưng các bụi phóng xạ vẫn có thể đầu độc sinh vật sống, gây ô nhiễm không khí, đất và nguồn nước trong hàng trăm năm.

Điển hình là vụ thử bom nhiệt hạch có sức công phá lớn nhất của Mỹ với mật danh Castle Bravo vào năm 1954 đã tạo ra thảm họa lớn về sinh thái và môi trường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại