Mới đây nhất Đài Phượng Hoàng có bài viết khẳng định rằng chiến đấu cơ đa năng J-10B có khả năng đánh bại tiêm kích F-15J của Nhật Bản. Đài Phượng Hoàng cho biết, “J-10B được trang bị radar quét mạng pha chủ động giúp nó có khả năng đánh bại F-15J của Nhật Bản trong các cuộc không chiến nếu xung đột xảy ra tại các vùng tranh chấp trên biển Hoa Đông”. (Trong ảnh: Tiêm kích F-15J phía trên và J-10B bên dưới)
Ngoài ra, J-10B còn được sử dụng vật liệu hấp thụ sóng radar tốt hơn, nhờ vậy có khả năng tàng hình tốt hơn so với tiền nhiệm J-10A. Đài Phượng Hoàng còn tự tin cho rằng, ngoài Mỹ thì Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới có khả năng tự chế tạo cửa hút không khí khuếch tán siêu âm (DSI) trang bị trên J-10B thay cho cửa hút không khí kiểu cũ của J-10A.
Đặc biệt là hệ thống màn hình gắn trên mũ bay thiết kế cho phép phi công J-10B phản ứng nhanh hơn. Hệ thống này rất giống các hệ thống tương tự trên F-16E/F Block 60 của Mỹ và Rafale của Pháp. Với những công nghệ này, J-10B sẽ là tiêm kích thế hệ 4,5 tốt nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, chưa biết tuyên bố của Trung Quốc có độ chính xác đến đâu bởi tiêm kích F-15J của nhật Bản được đánh giá là chiến đấu cơ thế hệ 4+ hàng đầu thế giới hiện nay. F-15J của Nhật Bản là loại tiêm kích 2 động cơ, 1 chỗ ngồi. Máy bay dài 19,43 m, sải cánh 13,05 m và cao 5,63 m. Máy bay có trọng lượng rỗng 12.700 kg và trọng lượng cất cánh tối đa là 30.845 kg. Tiêm kích F-15J có tốc độ tối đa 2,5 M (trên 2.660 km) và trần bay 20.000 m. (Trong ảnh: Tiêm kích F-15J bên dưới và J-10B phía trên)
Về vũ khí, F-15J của Nhật Bản được trang bị 1 pháo M61 Vulcan 20 mm, các loại tên lửa AIM-9 Sidewinder, AIM-7 Sparrow và các tên lửa AAM-3/4/5 do Misubishi sản xuất. Ngoài ra, máy bay còn có thể mang theo các loại bom như bom đa năng Mk 82, bom chùm CBU-87… Với những trang bị này của F-15J, máy bay J-10B có cửa để chiến thắng? (Trong ảnh: Tiêm kích F-15J)
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc tung hô chiến đấu cơ của mình có sức mạnh áp đảo trước chiến đấu cơ đối phương. Hôm 23/12 vừa qua, mạng quân sự Sina Trung Quốc cũng đã tự mãn rằng “thần sấm“ JF-17 trên cơ LCA Tejas Ấn Độ. (Trong ảnh: Tiêm kích LCA phía trên và JF-17 bên dưới)
Theo đó, máy bay chiến đấu LCA của Ấn Độ hiện chỉ bắn tên lửa không đối không cự ly gần R-73, ném bom dẫn đường laser, về năng lực tác chiến tổng thể, thấp hơn JF-17. Sina nhấn mạnh, chiến đấu cơ JF-17 Thunder/FC-1 Kiêu Long hiện nay đã có khả năng tác chiến tương đối hoàn chỉnh, có khả năng bắn tên lửa không đối không dẫn đường radar chủ động SD-10, tên lửa chống hạm C-802AK và bom dẫn đường chính xác. (Trong ảnh: Tiêm kích LCA phía trên và JF-17 bên dưới)
So sánh về không chiến, đặc biệt là không chiến ngoài tầm nhìn, tên lửa không đối không dẫn đường radar điều khiển hỏa lực và radar chủ động, KLJ-7 của máy bay JF-17 có thể cung cấp khoảng cách dò tìm 130 km; còn máy bay chiến đấu LCA trang bị radar EL/M-2032 của Israel, độ mở đầu máy bay và khả năng cấp điện của nó cũng ở mức độ này. (Trong ảnh: Tiêm kích LCA phía trên và JF-17 bên dưới)
Về lực đẩy động cơ của hai loại máy bay này, máy bay JF-17 trang bị động cơ RD-93, lực đẩy khi đốt nhiên liệu phụ trội khoảng 8.300 kg, còn máy bay LCA trang bị động cơ phản lực F404-GE-IN20, lực đẩy khi đốt nhiên liệu phụ trội khoảng 8.500 kg. Như vậy, tỷ lệ giữa lực đẩy và trọng lượng khi không chiến của JF-17 khoảng 1,06, trong khi đó của LCA khoảng 1,05. (Trong ảnh: Tiêm kích LCA)
Nhìn vào bố cục máy bay, JF-17 có cánh hình thang, tỷ lệ sải cánh tương đối lớn, lực cản cảm ứng nhỏ, vì vậy trong điều kiện tốc độ cận âm cao, tỷ lệ nâng/kéo (L/D) của cả máy bay tương đối cao. Trong khi đó, máy bay LCA áp dụng bố cục cánh tam giác không đuôi, tỷ lệ sải cánh nhỏ, có tin nói LCA có thể là máy bay chiến đấu có tỷ lệ sải cánh nhỏ nhất thế giới. Tỷ lệ sải cánh nhỏ, lực cảm ứng càng lớn, cộng với khoảng cách về tỷ lệ giữa lực đẩy và trọng lượng, cho nên, ở khu vực không chiến thông thường (độ cao 8 – 12 nghìn m, tốc độ M 0,8 – 1,2), tính năng không chiến chủ yếu của JF-17 phải tốt hơn LCA. (Trong ảnh: Tiêm kích LCA)
Mỗi khi một sản phẩm mới ra đời, Trung Quốc thường mang ra so sánh với những chiến đấu cơ hàng đầu thế giới. Mặc dù hiện nay máy bay thế hệ thứ 5 J-31 của Trung Quốc còn đang trong thời gian bay thử nghiệm, tuy nhiên nước này đã mang chúng ra so sánh với F-35 của Mỹ. (Trong ảnh: Tiêm kích F-35)
Theo chuyên gia quân sự Trung Quốc, J-31 hoàn toàn có thể “chọi” được với F-35 siêu hiện đại của Mỹ. Tuy nhiên theo đánh giá của những chuyên gia quân sự hàng đầu thì cả J-31 của Trung Quốc và F-35 của Mỹ đều là những tiêm kích thế hệ thứ 5. Trong khi J-31 vẫn sử dụng động cơ lỗi thời RD-93 của Nga thì F-35 được trang bị động cơ hiện đại nhất hiện nay General Electric/Rolls-Royce F136. (Trong ảnh: Tiêm kích F-35 phía trên và J-31 bên dưới)
Vận tốc tối đa của J-31 là 1,63Mach với tầm hoạt động là 1250km, trong khi của F-35 có vận tốc tối đa là 1,8 Mach với tầm hoạt động lên đến 2200km. J-31 có trọng lượng cất cánh tối đa là 17,5 tấn; chiều dài 16,9m; cao 4,8m và sải cánh dài 11,8m. Trong khi F-35 có trọng lượng cất cánh tối đa lên tới 27,2 tấn; chiều dài 15,37m; cao 5,28m; sải cánh dài 10,65m. (Trong ảnh: Tiêm kích F-35 phía trên và J-31 bên dưới)
J-31 được phủ một loại sơn để giúp máy bay tàng hình, nhưng tính năng này theo các chuyên gia còn kém xa so với công nghệ tàng hình của F-35. J-31 được cho là sao chép hình dáng từ F-35 của Mỹ, và theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, tiêm kích J-31 sẽ thảm bại nếu đối đầu với F-35 của Mỹ. (Trong ảnh: Tiêm kích F-35)
Hiện nay, tiêm kích F-22 của Mỹ cũng nằm trong số chiến đấu cơ hàng đầu thế giới được Trung Quốc mang ra so sánh. Cũng như trường hợp của J-31, hiện nay J-20 của Trung Quốc cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm, tuy nhiên nước này đã có những so sánh về sức mạnh của 2 loại chiến đấu cơ này. (Trong ảnh: Tiêm kích F-22)
Dù được công bố là chiến đấu cơ thế hệ thứ 5, tuy nhiên theo đánh giá của nhiều chuyên gia, J-20 chỉ đáng là chiến đấu cơ thế hệ 4+. Bởi theo thiết kế, các cánh đứng dưới thân máy bay bộc lộ khiếm khuyết làm cho độ bộc lộ của J-20 với radar địch tăng. Trong khi đó F-22 là một chiến đấu cơ được tính toán thiết kế toàn diện, có hệ thống radar, khả năng bay hoàn thiện hơn J-20, khả năng ẩn độ bộc lộ gần như hoàn hảo nhất hiện nay. Hơn nữa, cánh mũi của J-20 không tốt vì nó làm tăng RCS của máy bay khi bay với tốc độ siêu âm. (Trong ảnh: Tiêm kích F-22 bên trên và J-20 bên dưới)
Về khả năng tấn công, J-20 không dùng để không chiến, mà dùng để tấn công mặt đất tầm xa. Một ưu thế của J-20 đó là nó có thể mang nhiều vũ khí và thùng nhiên liệu lớn hơn, hoạt động trong phạm vi xa hơn. Khoang chứa có thể chứa đến 6 quả bom loại 250-500kg. Hai bên cánh có thể được bố trí tên lửa không chiến tầm trung. (Trong ảnh: Tiêm kích F-22 bên trên và J-20 bên dưới)
Ngược lại, F-22 là chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 duy nhất hiện nay đi vào trực chiến. F-22 được trang bị hai động cơ phản lực cánh quạt đẩy có tốc độ siêu âm. Vũ khí của F-22 toàn là các loại vũ khí có khả năng tấn công cao như bom tấn công ghép nối trực tiếp tiêu diệt mục tiêu cách nó 24 dặm, bom bán kính nhỏ, súng M61A2 và cơ số đạn gồm 480 viên đạn để bắn trong 5 giây liên tục. F-22 còn có khả năng tấn công hệ thống điện tử của địch. Ngoài ra, F-22 còn có khả năng không chiến, tấn công mặt đất, chiến tranh điện tử và trinh sát tín hiệu hoàn hảo. (Trong ảnh: Tiêm kích F-22)
Mỹ có thể chế tạo ra vật liệu composite các bon để làm vỏ máy bay, thì Trung Quốc còn cả một con đường dài trong việc chế tạo ra vật liệu composite này. Chính vì thế các máy bay Trung Quốc khó có thể cất cánh với trọng lượng cao được. Một điểm then chốt đó là, Trung Quốc chưa có khả năng chế tạo động cơ turbo phản lực đáng tin cậy cho dòng máy bay chiến đấu. Tuy nhiên, dù là những sản phẩm lai ghép từ nước ngoài cũng là một thành công lớn đối với khoa học Trung Quốc. (Trong ảnh: Tiêm kích F-22)