Bí mật tàu ngầm khổng lồ của Liên Xô

Một chiếc tàu ngầm cỡ lớn chợt nổi lên và từ từ tiến vào bờ biển nước Mỹ. Hai cửa tàu ngầm bật ra, xe tăng, xe bọc thép, cùng một số lượng lớn quân đổ bộ lên bờ.

Nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin, người đặc biệt quan tâm đến kế hoạch chế tạo tàu ngầm khổng lồ chở quân.

Lực lượng bảo vệ bờ biển của Mỹ hoàn toàn bất ngờ và không thể ngăn cản đội quân hùng hậu trên. Những chiếc xe tăng cùng bộ binh tiến thẳng về Oasinhtơn, phá hủy Lầu Năm góc, Nhà trắng...

Những tình tiết trên nằm trong kịch bản tấn công đổ bộ chớp nhoáng vào nước Mỹ của Bộ Tổng Tham mưu quân đội Liên Xô. Để thực hiện kế hoạch này, Liên Xô không chỉ dốc toàn bộ sức lực nghiên cứu chế tạo tàu ngầm chở quân cỡ lớn, mà còn bí mật huấn luyện lực lượng đặc nhiệm có khả năng chịu đựng thời gian dài trú trong những chiếc tàu ngầm lặn sâu dưới nước.

Kế hoạch chế tạo tàu ngầm chở quân đã được hải quân Liên Xô nghiên cứu từ hồi Chiến tranh Thế giới thứ hai. Mùa thu năm 1941, sau cuộc đụng độ với quân Đức ở phía bắc bán đảo Crimea, hơn 1 triệu binh sỹ Hồng quân Liên Xô bị mắc kẹt trong thành phố Sevastopol.

Quân đội Xô viết đành phải tính đến cách sử dụng tàu ngầm để vận chuyển vũ khí đạn dược đến Sevastopol. Ngay lập tức, nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin chỉ thị cho các đơn vị liên quan nghiên cứu chế tạo tàu ngầm chở quân chuyên dụng.

Cuối năm 1942, một kế hoạch tàu ngầm vận chuyển mang tên “Dự án 607” đã được đặt lên bàn của Stalin. Theo thiết kế, những chiếc tàu ngầm này có thể chở từ 250 đến 300 tấn hàng hóa. Tuy nhiên, với cục diện chiến trường thay đổi nhanh chóng, quân đội Liên Xô rốt cuộc đã không cần đến phương án này.

Bản vẽ mô hình tàu ngầm chở quân trong “dự án 717” của Liên Xô.

Sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, nhà lãnh đạo Stalin chủ trương xây dựng lực lượng hải quân lớn mạnh, vì thế kế hoạch chế tạo tàu ngầm chở quân một lần nữa được đem ra bàn thảo. Năm 1948, Cục thiết kế trung ương số 18 trình "dự án 621", theo đó chiếc tàu ngầm “khủng” được họ thiết kế lần này có thể chở một tiểu đoàn bộ binh khoảng 745 người.

Ngoài ra, tàu ngầm này còn chở 10 xe tăng hạng trung, 12 xe lưỡng thê và 3 máy bay tiêm kích. Theo thiết kế, sau khi cập bến, bộ binh và xe tăng thoát ra ở hai cửa bên, máy bay tiêm kích xuất kích qua cửa bắn của tên lửa. Dự án này được điện Kremli đánh giá cao và đã đưa vào giai đoạn nghiên cứu chế tạo. Không may là sau khi Stalin qua đời (năm 1953), nhà lãnh đạo mới của Liên Xô Nikita Khrushchev cho rằng "dự án 621" quá tốn kém và đã ra lệnh ngừng triển khai.

Mặc dù "dự án 621" bị dừng, song không phải vì thế mà hải quân Liên Xô không quan tâm đến tàu ngầm chở quân. Đầu những năm 60 của thế kỷ 20, hải quân Liên Xô thường yếu thế hơn so với hải quân Mỹ trong các cuộc đối kháng, các hạm đội của Nga cơ bản không thể tiếp cận gần bờ biển nước Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga khi ấy, Nguyên soái Rodion Malinovsky, đã chỉ thị nghiên cứu chế tạo tàu ngầm chở quân đổ bộ cỡ lớn chạy bằng năng lượng hạt nhân, khi cần thiết có thể bí mật tiếp cận bờ biển và bất ngờ tấn công các thành phố quan trọng của Mỹ.

Bộ Tư lệnh hải quân Liên Xô một lần nữa lại giao cho Cục thiết kế trung ương 18 nghiên cứu chế tạo tàu ngầm trong kế hoạch mang tên "Dự án số 648". Theo hồi ký của tiến sĩ Shima Krakow, người trực tiếp tham gia nghiên cứu dự án này, nhằm đáp ứng những yêu cầu của cấp trên, các kỹ sư thiết kế phải hạn chế đến mức thấp nhất các thiết bị sinh hoạt của binh lính trong chiếc tàu ngầm này, ví như nhà vệ sinh giảm từ 16 xuống còn 4, và hai người nằm chung một giường.

Tháng 10/1960, dự án 648 đã được hoàn thành trên giấy, song do mức độ chế tạo quá khó, tất cả các nhà máy đóng tàu của Liên Xô đều từ chối nhận đơn đặt hàng đặc biệt này. Cuối cùng, nhà máy cơ khí Phương Bắc được chỉ định thực hiện, dù nhà máy này khi đó chỉ có hai cơ sở đóng tàu đủ khả năng chế tạo loại tàu ngầm như vậy.

Khi nhà lãnh đạo Khrushchev thăm nhà máy vào năm 1961, người đứng đầu nhà máy đã hỏi Khrushchev: "Hải quân rốt cục muốn tàu ngầm hạt nhân chiến lược hay muốn tàu ngầm đổ bộ? Chúng tôi chỉ có khả năng thực hiện được một trong hai yêu cầu trên". Cuối cùng Khrushchev quyết định chọn phương án tàu ngầm hạt nhân chiến lược, điều đó cũng đồng nghĩa với việc "dự án 648" bị loại bỏ.

Sau khi Leonid Ilyich Brezhnev trở thành lãnh đạo cao nhất của Liên Xô, kế hoạch chế tạo tàu ngầm chở quân một lần nữa lại được mang ra nghiên cứu. Năm 1967, Liên Xô khởi động công việc nghiên cứu tàu ngầm hạt nhân chở quân cỡ lớn thế hệ mới trong kế hoạch mang tên "dự án 717".

Theo thiết kế, loại tàu ngầm này có chiều dài 190 mét, rộng 23 mét, độ giãn nước 17.600 tấn, tốc độ khoảng 17 - 18 hải lí/giờ. Phần trên mũi tàu được trang bị sáu ống phóng ngư lôi, có thể chở 10 xe tăng lội nước và 10 xe bọc thép, cùng với 800 quân. Tuy nhiên, cũng giống như những lần trước, khi nghiên cứu xong chuẩn bị đưa vào chế tạo thì kế hoạch này lại phải dừng lại do tình hình khi đó không còn phù hợp.

Mặc dù những nỗ lực thiết kế, chế tạo tàu ngầm chở quân gặp những trắc trở và không bao giờ xuất hiện trên thực tế, nhưng việc chuẩn bị lực lượng trên tàu vẫn luôn được sẵn sàng. Năm 1961, Liên Xô đã quyết định cho thành lập lực lượng đặc nhiệm đột kích xuyên đại dương, tuyển chọn 550 quân và thành lập sư đoàn đặc nhiệm số 27.

Lực lượng này thường xuyên được đưa đến khu vực hải cảng Baltic Liepaja để tập luyện đổ bộ bằng tàu ngầm. Trong quá trình tuyển chọn, rất nhiều tiêu chuẩn đặc biệt được áp dụng, trong đó có việc quy định chiều cao của các binh sĩ không được vượt quá 1,70 mét, cũng vì đặc điểm này mà họ được mệnh danh là "sư đoàn chuột".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại