Bí ẩn sự mất tích của sĩ quan Mỹ trong vụ khí cầu ma L-8

Điều gì đã xảy ra với trung úy Ernest Cody và thiếu úy Charles Adams, hai sỹ quan điều khiển khí cầu L-8? Những đồn đoán về vụ mất tích bí ẩn của hai sĩ quan hải quân Mỹ hồi tháng 8/1942 vẫn tiếp tục lưu truyền tới tận ngày nay.

Ớn lạnh xương sống

Đây là một trong những vụ mất tích bí ẩn nhất trong lịch sử hải quân Mỹ, trong đó có những câu hỏi và giả thiết như liệu có phải các sỹ quan này đã bị phát xít Nhật bắt giữ hay không? Liệu có phải họ đã ngấm ngầm lên kế hoạch thực hiện một âm mưu đào ngũ? Hay họ đã gây lộn, đánh nhau rồi sau đó giết lẫn nhau? Hoặc bị một kẻ nào đó trốn trên khí cầu giết chết? Liệu có khả năng các sĩ quan này bị người ngoài hành tinh bắt cóc.

Tất cả những gì sáng tỏ trong vụ mất tích này là chi tiết khí cầu do thám tàu ngầm L-8 của hải quân Mỹ, do thiếu úy Adam và trung úy Cody vận hành ngoài khơi bờ biển California, đã va vào một vách đá trên Bãi Đại dương, sau đó lượn tự do, làm rớt một trong hai quả bom chống tàu ngầm xuống sân golf của Câu lạc bộ Olympic và cuối cùng lao xuống đại lộ Bellevue ở thành phố Daly, bang California vào tháng 8/1942.

Hiện trường vụ tai nạn của L-8.

Khi lực lượng cứu hộ ập tới hiện trường vụ tai nạn, họ thấy bên trong khí cầu không có một bóng người. Đặc biệt là cả thiếu úy Adam lẫn trung úy Cody đều biến mất khỏi hiện trường. Sau đó, một lính chữa cháy cho biết: “Có điều gì rất kỳ quái đối với khí cầu này. Chúng tôi đều cảm thấy ớn lạnh khắp xương sống”.

Tìm kiếm ban đầu cho thấy những chiếc dù vẫn được cất giữ ngăn nắp trong kho của khí cầu này, song thiếu hai áo phao cứu sinh. Ngoài ra, xuồng cứu sinh vẫn còn nguyên trên khoang, rađiô liên lạc trong tình trạng hoạt động tốt và đặc biệt là bộ hồ sơ chứa các thông tin tối mật vẫn được nằm trong két của khí cầu. Hải quân Mỹ cùng chính quyền bang California sau đó đã tổ chức các cuộc tìm kiếm cả trên bờ lẫn trên biển nhưng vẫn không tìm thấy tung tích của hai sĩ quan này.

Một tốp khí cầu của hải quân Mỹ.

Những ngày sau đó, giới chức trách đã mở một cuộc điều tra chính thức sau khi Cody và Adam được tuyên bố là mất tích. Một năm sau, hai sĩ quan này được tuyên bố là đã thiệt mạng. Tới nay, sự bí ẩn về những gì đã xảy ra được gọi là “Khí cầu ma” vẫn chưa được làm sáng tỏ. Đây là một trong những câu chuyện bí ẩn nhất trong lịch sử hải quân Mỹ.

Bối cảnh của câu chuyện này bắt nguồn từ hậu quả của cuộc tấn công Trân Châu Cảng của quân Nhật hồi tháng 12/1941. Khi đó, hải quân Mỹ ngày càng quan ngại việc các tàu ngầm của kẻ thù ẩn nấp dọc các bờ biển nước Mỹ. Nửa đầu năm 1942, các tàu thuyền của quân đồng minh liên tiếp bị đánh đắm dọc bờ biển phía đông của nước Mỹ, trong vịnh Mexico, ngoài khơi hai thành phố đông dân San Diego và Los Angeles trên bờ biển phía tây. Bên cạnh đó, các tàu ngầm đối phương lúc đó còn pháo kích vào các cơ sở trên bờ ở phía nam bang California và bang Oregon.

L-8 là một khinh khí cầu nhỏ, chạy bằng ắc-quy điện và có bánh lái điều khiển. Khí cầu này dài khoảng 45 m, rộng 15 m và có thể tích 3.500 m3. Nó được cấp điện nhờ hai động cơ 145 mã lực, có thể đạt tốc độ bay tối đa là 96 km/giờ. Nó được trang bị súng máy và hai quả bom chống tàu ngầm. Ngoài việc phát hiện, xác định các tàu ngầm của địch, L-8 cũng có khả năng tấn công các tàu đối phương. Giống như tất cả các khí cầu của Mỹ, L-8 được nạp đầy khí hêli, loại khí không bắt cháy mà nước Mỹ sở hữu số lượng khổng lồ. Vào thời điểm đó, Mỹ đã cung cấp 90% lượng khí hêli thương mại cho toàn thế giới.

Vào thời điểm này, hải quân Mỹ tin rằng các khí cầu là chìa khóa để đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng này. Khi biển động do thời tiết xấu, thì rất khó phát hiện các tàu ngầm lặn sâu dưới biển. Trong khi đó, tàu ngầm chỉ để lại một vệt bọt nước dài và lớp dầu loang khi nó lặn xuống và thu lại các kính tiềm vọng, hay chỉ để lại cái bóng lờ mờ dưới những lớp sóng. Do đó, rất khó để quan sát và phát hiện những dấu hiệu như vậy từ trên boong tàu hay từ một máy bay đang bay nhanh. Tuy nhiên, các khí cầu lại có thể bay lơ lửng trên không hơn 12 giờ và chọn tầm quan sát tốt hơn với bán kính hoạt động hơn 3.200 km.

Năm 1937, hải quân Mỹ đã ký hợp đồng với Công ty máy bay Goodyear để thiết kế và chế tạo hàng loạt khí cầu lớp L. Đây là một loại khí cầu tương đối nhỏ, dựa trên mẫu máy bay thương mại của công ty Goodyear, trong đó có các khí cầu L-8. Tháng 3/1942, khí cầu này được phiên chế vào phi đội LP-32 (Phi đội khí cầu tuần tra 32) đóng tại sân bay Moffett ở phía nam San Francisco, gần thành phố Sunnyvale, bang California.

Ngày định mệnh

Ngày 11/4/1942, L-8 được chọn để thực hiện nhiệm vụ vận chuyển khoảng 150 kg linh kiện của máy bay ném bom B-25 tới tàu sân bay USS Hornet (CV-8) ở ngoài khơi bờ biển California. Đây là những linh kiện trang bị cho phi đội máy bay của trung tá James “Jimmy” Doolittle, người có mặt trên tàu sân bay USS Hornet và dự định oanh tạc Nhật Bản để trả thù sau trận Trân Châu Cảng.

Nhiệm vụ chuyển hàng đã được giao cho L-8 vào Chủ nhật, ngày 16/8/1942. Ban đầu, khí cầu này dự định cất cánh từ Đảo Giấu Vàng (Treasure Island –hòn đảo nhân tạo nằm trong Vịnh San Francisco) để tiến hành bay tuần tra định kỳ. Thông thường, theo quy định, một phi hành đoàn của khí cầu nhỏ thường chỉ có 3 thành viên.

Song trước khi cất cánh, các nhân viên mặt đất của L-8 đã nhận định rằng khí cầu này quá tải khoảng 100 kg. Trước tình hình này, kỹ sư James Riley Hill đã bị buộc phải ở lại, nhường chỗ cho Erners DeWitt Cody và Charles Adams.

Khí cầu L-8 thả hàng vận chuyển xuống tàu USS Hornet.

Như vậy, trên khinh khí cầu L-8 lúc này chỉ còn lại trung úy Erners DeWitt Cody, 27 tuổi, tốt nghiệp tại Học viện Hải quân Mỹ ở Annapolis năm 1938 và từng là phi công điều khiển khí cầu này trước đó, cùng Thiếu úy Charles Adams, 38 tuổi, người có 20 năm kinh nghiệm vận hành các phương tiện khí cầu.

Trước đó một ngày, Adams đã tuyên thệ trở thành thiếu úy và có chuyến bay đầu tiên với tư cách là một sỹ quan chỉ huy. Adams từng có mặt và chiến đấu trong trận Trân Châu Cảng khi quân Nhật tấn công vị trí chiến lược này ngày 7/12/1941. Ngoài ra, Adams cũng tham gia cuộc đụng độ với khí cầu Hindenburg của quân Đức tại Lakehurst, bang New Jersey hồi tháng 5/1937. Cả hai sĩ quan này đều đã lập gia đình.

Cuối cùng, vào lúc 6 giờ 3 phút sáng 16/8, L-8 cất cánh để tiến hành nhiệm vụ tuần tra và đã phát hiện tàu ngầm địch tại khu vực giáp ranh giữa Vịnh San Francisco, quần đảo Farallone (chuỗi đảo nhỏ cách Cầu Cổng Vàng khoảng 50 km về phía tây) và Point Reyes, bờ biển nằm cách cây cầu trên khoảng 40 km về phía bắc.

L-8 va quệt vào các đường dây điện.

Vào lúc 7 giờ 42 phút, Cody thông báo bằng rađiô rằng đã cùng Adams phát hiện có một vết dầu loang – dấu hiệu điển hình về hoạt động của tàu ngầm – cách ngoài khơi quần đảo Farallone khoảng 10 km và L-8 sẽ hạ thấp độ cao để xem xét cụ thể.

Người ta không còn nghe thông tin về Cody và Adams sau đó. Lúc 8 giờ 50 phút, đã có liên tục các cuộc gọi bằng rađiô tới khí cầu này, song không có phản hồi nào. Cuối cùng, trong khoảng thời gian từ 9 giờ 30 phút đến 10 giờ sáng cùng ngày, tất cả các máy bay hoạt động trong khu vực nhận được thông báo yêu cầu truy tìm khinh khí cầu L-8.

Viên phi công của máy bay Pan American Clipper thông báo rằng nhìn thấy L-8 vào lúc 10 giờ 49 phút, nhưng khẳng định không thấy có dấu hiệu bất ổn nào. Tới 11 giờ 5 phút, một phi công trên chiếc “Thần sấm” P-38 cũng thông báo rằng đã phát hiện L-8 ở gần Mile Rocks Light, ngọn hải đăng gần kênh đào vận chuyển trọng yếu và cách đất liền khoảng 1 km.

Sau vụ va chạm của L-8 hồi năm 1942, khí cầu này đã được sửa chữa và phục vụ như một tàu huấn luyện hải quân trong suốt thời gian còn lại của cuộc chiến. Sau đó, nó được trả về cho Công ty Goodyear, và cabin của nó được đưa vào kho. Năm 1968, nó được khôi phục sửa chữa lại và phục vụ cho tới tận năm 1982 trong đội khí cầu America của Công ty Googyear với chức năng chuyên truyền hình các sự kiện thể thao. Hiện Cabin của L-8 hiện được trưng bày tại Bảo tàng Không quân Hải quân Mỹ ở thành phố Pensacola, bang Florida.

Khoảng 10 phút sau, người dân trên bãi biển gần thành phố Daly, cách Cầu Cổng Vàng khoảng 20km, báo tin rằng L-8 đang trôi giạt ngoài biển, có hai người đàn ông đã nhảy xuống biển và bơi tới chỗ L-8 nhằm tóm lấy các dây thừng dẫn đường của khí cầu, song không thành công. Do gió mạnh, khí cầu này tiếp tục bay qua bãi biển và biến mất sau các ngọn đồi.

Nhân chứng Bruce McInTyre cho biết: "Nó từ từ bay qua đồi Mussel Rock rồi sau đó vượt qua ngọn đồi phía sau lưng chúng tôi. Nó bay lững lờ đến nỗi tôi có thể nhìn thấy rõ các sợi dây thừng sắp quệt vào đỉnh đồi".

Sau đó, khí cầu này lại tiếp tục bay lên cao, đâm vào vách đá và làm rớt một trong hai quả bom chống tàu ngầm xuống sân gofl Olympic Club. May mắn là hai quả bom này không phát nổ. Những điều tra sau này cho thấy mạn phải của khí cầu này đã bị hỏng nặng sau vụ va vào vách đá.

L-8 trên bầu trời thành phố Daly, California.

L-8 tiếp tục cào nát các mái nhà, phá hỏng các đường dây điện, rồi từ từ đáp xuống đường cái ở lô 400 trên đại lộ Avenue của thành phố Daly. Sống cạnh hiện trường vụ tai nạn và là người đầu tiên tới chỗ khí cầu rơi, ông William Morris kể lại rằng cánh cửa khí cầu bị bật tung, song không có ai trong đó.

Có thêm nhiều lính chữa cháy tới hiện trường và rạch phần vải khí cầu hòng tìm thấy các phi công mắc kẹt trong đó, song không tìm thấy ai. Cùng lúc đó, nhóm quân nhân của hải quân Mỹ đã tới hiện trường, nhận thấy rằng hai áo cứu sinh đã không còn và cho rằng có thể phi hành đoàn đã mặc chúng. Điều này không có gì bất thường bởi các thành viên của phi hành đoàn đều buộc phải mặc áo phao cứu sinh khi bay trên biển.

Tuy nhiên, các nhà điều tra Hải quân Mỹ lại nhấn mạnh rằng những chiếc dù xuồng cứu sinh của khí cầu này vẫn được xếp ngăn nắp trên kệ, và rađiô vẫn trong tình trạng hoạt động tốt. Ngoài ra, nhiên liệu của L-8 gần như cạn kiệt, các nút điều khiển động cơ của khí cầu vẫn đang trong trạng thái hoạt động, và hai cần điều khiển vẫn ở trong trạng thái cho thấy khí cầu đã được lái chuyển hướng.

Điều đáng chú ý nhất là việc phát hiện hồ sơ chứa đựng các thông tin mật vẫn nằm trong két của khí cầu. Bất cứ quân nhân nào cũng phải đối diện trước tòa án binh nếu để thất lạc tài liệu mật, do đó Adam và Cody đã rời tàu mà không mang theo tàu liệu mật này đi cùng.

Ngoài ra, cũng không có dấu hiệu nào cho thấy xảy ra cháy hay phá hủy nào trên cabin điều khiển của L-8, ngoại trừ vết rạch trên tấm vải của khí cầu do quệt vào các mái nhà của thành phố Daly, và những người chữa cháy tình nguyện rạch ra để cứu hộ, hoặc các bánh lái hư hại do va đụng vào vách núi. Sau vụ va chạm này, một động cơ đã bị bám đầy đất, nhưng việc tiến hành kiểm tra các van cung cấp khí Hêli cho khí cầu cho thấy chúng vẫn nằm nguyên vị trí, và L-8 hoàn toàn đáp ứng đủ các tiêu chuẩn bay an toàn.

Xem thêm:

Những bí ẩn đáng sợ trong vụ khí cầu ma L-8

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại