Báo Giáo dục Việt Nam dẫn thông tin trên tờ Văn Hối, dù các hành động của Philippines và Việt Nam như vụ Philippines kiện đường lưỡi bò phi pháp cùng các hành động leo thang gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông ra hội đồng trọng tài Liên Hợp Quốc về Luật Biển và Không quân Việt Nam phái Su-30 tuần tra không phận quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) cũng không thể thay đổi cục diện thuốc về Trung Quốc, Trung Quốc đang lần lượt chiếm đoạt các đảo, đá thuộc quần đảo của Trường Sa.
Bài báo cho rằng Bắc Kinh đã triển khai một loạt "thế tấn công" trên Biển Đông trên bình diện ngoại giao, quân sự, du lịch và điển hình là những phát biểu của Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc về Biển Đông trong chuyến công du 4 nước Đông Nam Á nhằm trực tiếp vào Philippines và Việt Nam hòng đoạt nhiều "lợi thế" trên Biển Đông trong năm 2013.
Văn Hối đưa ra bằng chứng khi nhắc lại sự kiện Philippines cho tàu hải quân ra bãi cạn Scarborough mà họ kiểm soát để xua đuổi ngư dân Trung Quốc đánh bắt trái phép từ tháng 4 năm ngoái đã khiến Bắc Kinh có cớ và cơ hội chiếm đoạt quyền kiểm soát bãi cạn này.
Trung Quốc đã phái tàu Hải giám, Ngư chính cùng tàu cá kéo ra căng thừng, thả lưới chặn tàu thuyền Philippines quay trở lại đầm phá bãi cạn Scarborough từ đó đến nay, đồng thời luôn luôn phái tàu Hải giám, Ngư chính án ngữ thường xuyên ngay cửa ngõ bãi cạn này.
Một động thái ngoại giao chưa từng có tiền lệ đã xảy ra hôm 26/4 khi Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng công khai tên (tiếng Trung Quốc) 8 điểm đảo, bãi đá, rặng san hô nằm trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) hiện do Philippinese chiếm đóng (trái phép) và đòi Manila "trả lại" 8 điểm đảo, bãi đá, rặng san hô này cho Bắc Kinh!?
Phát biểu của Hoa Xuân Oánh được tờ Văn Hối xem như Trung Quốc sẽ không chỉ chiếm đoạt từng điểm đảo, bãi đá, rặng san hô trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam mà các bên tranh chấp đang chiếm đóng), trong tương lai Bắc Kinh có thể có nhiều hành hoạt động liều lĩnh với quy mô lớn hơn trên Biển Đông.
Trong khi cuộc tập trận Vai kề vai của liên quân Mỹ - Philippines đang diễn ra hồi trung tuần tháng 4, 2 chiếc chiến đấu cơ Trung Quốc đã bay sượt qua đảo Thị Tứ (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, đảo Thị Tứ hiện do Philippines chiếm đóng trái phép - PV), điều giới phân tích Đài Loan và Hồng Kông cho là một hành động "cảnh cáo" Mỹ, Philippines ở Biển Đông.
Ngày 28/4 Trung Quốc đã bất chấp mọi nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế cũng như Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) đã đưa tàu du lịch trái phép đến vùng biển quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Kết luận bài báo, tờ Văn Hối cao giọng khẳng định, năm 2013 sẽ trở thành năm quan trọng của "trận giao tranh" giữa Trung Quốc với Philippines và Việt Nam trên Biển Đông trong khi "Bắc Kinh đã bắt đầu những nước cờ lớn với thế tấn công liên tục, không ngừng".
Chỉ trong vòng 1 tuần qua, Trung Quốc đã liên tiếp có nhiều hoạt động gây hấn nhằm thực hiện âm mưu độc chiếm biển Đông như phái 32 tàu cá tiến thẳng vào quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Chưa dừng lại ở đó, Trung Quốc còn kéo giàn khoa Lệ Loan 3 -1 dài 100 mét tương đương với tòa nhà 18 tầng thẳng hướng Biển Đông nhằm mục đích khai thác dầu khí ngoài trái phép. Ngoài ra, Trung Quốc còn phái 2 tàu hải quân tiến sát Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa.
Trước hành động ngông cuồng của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị khẳng định: "... Mọi hoạt động của các bên liên quan tại Biển Đông cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước liên quan".
Ông Nghị cũng nhấn mạnh: "Việt Nam khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa và mọi hoạt động của các bên ở khu vực này mà không được sự chấp thuận của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam".