Theo trang mạng Sina Military Network(Trung Quốc), Trung Quốc hiện đi sau Mỹ khoảng 15 năm và sau một số cường quốc châu Âu khoảng 12 năm trong việc phát triển các tiêm kích 4.5. Đây cũng là lí do tại sao tiêm kích thế hệ 4.5, J-10C, hiện rất cần thiết cho Trung Quốc để thay thế cả J-10A và J-10B trong tương lai.
Được trang bị radar mảng pha chủ động và hệ thống điện tử hàng không tương tự J-20, trang Sina Military Network nhấn mạnh, J-10C, biến thể nâng cấp của tiêm kích J-10 của Trung Quốc, do tập đoàn chế tạo máy bay Thành Đô thiết kế, có thể uy lực hơn Typhoon của Eurofighter và Rafale của hãng Dassault.
Trung Quốc cũng sẽ phát triển tiêm kích J-15B dựa trên tiêm kích hạm J-15. Bài báo cho hay, cả J-10C và J-15B có thể mạnh mẽ như F/A-18E/F Super Hornet của Mỹ. Cả hai tiêm kích này ước tính sẽ bắt đầu đi vào hoạt động trong biên chế của Không quân và Không quân thuộc Hải quân Trung Quốc tới năm 2016. Trong khi đó, theo Sina Military Network, hầu hết các tiêm kích của Trung Quốc sẽ thuộc thế hệ 4.5, và các tiêm kích thế hệ 5 cũng sẽ bắt đầu tác chiến ở những đơn vị tiền tuyến.
Trung đoàn J-10 của Trung Quốc
Mặc dù Trung Quốc hiện vẫn chưa thể cạnh tranh hoàn toàn với Mỹ, Nga và Pháp trong việc phát triển tiêm kích thế hệ 4.5. song những tiêm kích tiên tiến này rất quan trọng đối với Không quân và Không quân của Hải quân Trung Quốc trong việc lấp đầy khoảng cách trước khi các tiêm kích tàng hình thế hệ 5 như chiếc J-20 và J-31 sẵn sàng đi vào hoạt động.
Nhiều nước láng giềng của Trung Quốc cũng đã trang bị cho lực lượng quân đội những tiêm kích thế hệ 4.5 kể từ năm 2005, khi Không quân Hàn Quốc tiếp nhận chiếc F-15K Slam Eagle đầu tiên. Năm 2008, Singapore bắt đầu tiếp nhận tiêm kích F-15SG Strike Eagles, trong khi đó, Úc đã có trong tay F/A-18E/F từ năm 2009. Ấn Độ và Malaysia cũng đã mua tiêm kích đa năng Su-30MKI và Su-30MKM của Nga. Kể từ năm 2012, Nga cũng đã triển khai máy bay Su-30SM và Su-35 tới sát biên giới Trung Quốc.