Màn trình diễn hoàn hảo ở Syria
Sau khi các máy bay tiêm kích bom đa năng Su-34 của Nga có màn trình diễn "không thể tuyệt vời hơn" trong chiến dịch tập kích đường không tấn công lực lượng IS ở Syria", nhiều quốc gia bày to quan tâm sớm có trong tay thứ vũ khí đầy uy lực này.
Hãng tin Nga RIA Novosti dẫn lời tác giả Dave Majumdar đăng trên trang The National Interest rằng: "Nhiều khả năng Algeria là quốc gia đầu tiên trong số rất nhiều khách hàng mua Su-34".
Quả vậy, Không quân Nga không rõ vô tình hay hữu ý mà liên tiếp công bố những video mang tính trình diễn công nghệ hàng đầu kể từ sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết. Trong đó Su-34 nổi lên như là một ngôi sao sáng chói nhất.
Biên đội Su-34 thực hành công kích mục tiêu của IS bằng bom thông minh.
Chắc chắn trong tương lai gần, Su-34 sẽ là dòng máy bay kế nhiệm, thay thế những chiếc Su-24 đã dần đi đến cuối vòng đời.
Giống như Su-24, dòng máy bay mới cũng có 2 phi công bố trí ngồi ngang nhau, nhưng nó hơn ở chỗ là được trang bị khả năng đối không mạnh hơn hẳn và đây mới là điểm được khách hàng quan tâm.
Bởi lẽ, khi bị F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ, chiếc Su-24 của Không quân Nga không hề có bất cứ phản ứng đáng kể nào do nó thuần túy là một chiếc máy bay ném bom, khả năng cảnh báo và tự vệ trên không cực kỳ hạn chế.
Ngược lại, Su-34 không những kế thừa và phát huy mọi điểm mạnh của người tiền nhiệm Su-34 lên một tầm cao mới, mà còn được trang bị khả năng của những chiếc tiêm kích đánh chặn chuyên nhiệm hiện đại.
Thậm chí, với radar mạnh kèm nhiều loại tên lửa không đối không thế hệ mới nhất, Dave Majumdar còn cho rằng Su-34 có sức mạnh không thua kém đối thủ gần nhất của nó là dòng tiêm kích đa năng F-15E Strike Eagle do hãng Boeing (Mỹ) chế tạo.
Cụ thể, bên cạnh tên lửa không đối không tầm ngắn R-73, Su-34 có sức mạnh tăng đáng kể nhờ tên lửa không đối không tầm trung - xa R-27 hoặc R-77.
Su-34 có thể mang được nhiều loại vũ khí không đôi đất, đối hạm và đối không hiện đại.
Chưa kể, với radar quét sau, cho phép nó được cảnh báo từ rất sớm các mối hiểm họa bất ngờ xuất hiện từ phía sau.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, với những vũ khí đối không này, Su-34 hoàn toàn có thể độc lập tác chiến khi tiến hành các phi vụ oanh kích trên mặt đất hoặc trên biển mà không cần phải có lực lượng tiêm kích hộ tống bay kèm.
Bên cạnh việc sở hữu những tính năng hoàn hảo cả không đối không lẫn không đối đất, Su-34 còn bán kính tác chiến lên tới 700 dặm (khoảng 1.130km) mà không cần tiếp dầu, cho phép nó đột kích sâu vào nội địa đối phương.
Khỏi phải nói, 2 phi công trên Su-34 sẽ là những người có điều kiện hoạt động tốt nhất so với phi công trên các loại máy bay chiến đấu khác do dòng máy bay này có buồng lái rộng, trang bị tương đối đầy đủ các tiện nghi.
Hãy thử hình dung, một chuyến bay dài thậm chí tới hơn 10 giờ đồng hồ sẽ khiến người phi công hết sức căng thẳng khi tác chiến và cảm thấy gò bó trong không gian chật chội khi bay hành trình.
Những phi công F-111 của Mỹ khi tập kích Lybia năm 1986 đã phải bay 13 giờ liên tục và được coi là lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu, được ca ngợi lên tận mây xanh.
Thế nhưng ngày nay, các phi công Su-34 của Nga thường xuyên thực hiện những chuyến bay dài trên 10 giờ liên tục mà cả phi công lẫn các chuyên gia vẫn coi đó là "chuyện thường ngày ở huyện".
Tất nhiên mọi so sánh là khập khiễng vì Su-24 và F-111 đã ra đời từ nhiều năm trước thì không thể so với dòng máy bay tân kỳ Su-34, những rõ ràng hậu sinh khả úy.
Chỉ với một số lượng rất ít được triển khai ở Syria, những Su-34 vẫn cần mẫn xuất kích ngày này qua ngày khác tiến công các mục tiêu của IS ở Syria. Điều đó cho thấy sự bền bỉ, tin cậy và hiệu suất hoạt động của cả 2 dòng máy bay này tốt đến như nào.
Chính những ưu điểm tuyệt vời này đã khiến danh sách khách hàng thèm muốn Su-34 đang ngày càng được nối dài ra.
Mô hình tiêm kích bom đa năng Su-34 (phải) với phù hiệu Không quân Việt Nam.
Thu hút mọi ánh nhìn - Lọt "mắt xanh" Việt Nam?
Giữa tháng 12 vừa qua, ông Vladimir Kozhin, Trợ lý của Tổng thống Putin trong lĩnh vực hợp tác Kỹ thuật - quân sự đã cho rằng Nga đã có sự thay đổi đáng kể trong việc sử dụng những hệ thống vũ khí mới trong chiến dịch quân sự tại Syria.
Trước đó, vào tháng 10, Igor Korotchenko, Giám đốc Trung tâm phân tích thị trường Vũ khí toàn cầu, cho rằng Su-34 của Nga đã trình diễn xuất sắc ở Syria và thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều khách hàng, trong đó phải kể đến Việt Nam, Algeria và Iraq.
Đến nay, Algeria gần như là khách hàng nước ngoài đầu tiên có thể mua máy bay Su-32 (phiên bản xuất khẩu của tiêm kích bom Su-34), khi Giám đốc nhà máy chế tạo máy bay Novosibirsk, ông Sergey Smirnov tuyên bố ngay những ngày đầu năm 2016 này.
Vậy bao giờ đến lượt Việt Nam?
Chưa có thông tin chính thức, nhưng hy vọng một ngày nào đó sẽ có những chiếc Su-34 được sơn phù hiệu của Không quân Việt Nam, nhất là khi báo chí và quan chức hữu trách của Nga đã nhiều lần trực tiếp hay gián tiếp đề cập đến khả năng này.