Tân trang để sống sót
Trang Chiến lược của Mỹ mới đây có bài viết “Tàu ngầm: Nga tân trang để sống sót” cho biết Nga công bố kế hoạch hiện đại hóa 12 chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp Oscar II và Akula có từ thời Chiến tranh Lạnh.
Điều này được cho là sẽ giúp Nga kéo dài tuổi thọ của những chiếc tàu ngầm thêm 20 năm. Bài báo cho rằng Nga phải làm như vậy vì nước này không có đủ tiền cũng như thời gian để thay thế 12 chiếc tàu ngầm nói trên bằng những chiếc đóng mới.
Theo kế hoạch, Nga sẽ trang bị cho những chiếc tàu ngầm “cũ kỹ” những trang thiết bị và vũ khí tương tự như trên loại tàu ngầm mới lớp Yasen.
Tàu ngầm lớp Akula của Nga
Theo phía Mỹ, Nga hiện có 7 chiếc Oscar II với lượng dãn nước là 14.000 tấn. Mỗi chiếc có 8 ống phóng ngư lôi (4 cỡ 650 mm và 4 cỡ 533 mm).
Ngoài ra, mỗi tàu còn được trang bị 24 tên lửa đối hạm P-700. Loại tên lửa này có tầm bắn 550 km với tốc độ 1.600 km/giờ và có thể mang theo đầu đạn 750 kg (hoặc đầu đạn hạt nhân loại 350 kiloton và 500 kiloton).
Trong khi đó, 15 chiếc Akula còn lại của Nga có lượng dãn nước 8.100 tấn, là loại tàu ngầm hạt nhân tấn công vốn được trang bị các loại ngư lôi và tên lửa hành trình nhỏ hơn.
Loại tàu ngầm hạt nhân mới lớp Yasen được Nga chế tạo từ sau Chiến tranh Lạnh. Mỗi tàu được trang bị tới 32 tên lửa đối hạm P-800 (SS-N-26 Oniks) nặng 3 tấn, có tầm bắn 600 km. Các tên lửa này có thể phóng từ 8 hầm phóng thẳng đứng trên tàu.
Bên cạnh đó, mỗi hầm còn có thể phóng 5 tên lửa hành trình đối hạm Klub thay vì 4 tên lửa P-800. Yasen cũng được trang bị tới 10 ống phóng ngư lôi (8 ống phóng cỡ 650 mm và 2 ống phóng cỡ 533 mm).
Tàu ngầm Severodvinsk lớp Yasen của Nga
Tên lửa P-900 được Nga thiết kế chuyên biệt nhằm tiêu diệt tàu sân bay. Các ống phóng ngư lôi của Yasen cũng được thiết kế nguyên bản vốn tích hợp với nhiều loại ngư lôi mới, kể cả loại lớn hơn 650 mm.
Tuy nhiên, giới chuyên gia Mỹ cho rằng toàn bộ những thiết kế mới của Nga đã không hoạt động như kế hoạch đề ra. Chính vì vậy, 2 ống phóng tiêu chuẩn 533 mm được lắp đặt là để sử dụng các loại ngư lôi cũ nhưng đã được chứng minh là hoạt động tốt.
Tàu ngầm lớp Yasen có khả năng tự động cao. Đây cũng là lý do thủy thủ đoàn của tàu chỉ gồm 90 người, ít hơn 1/3 so với thủy thủ đoàn 134 người trên tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ.
Thực chất thì Yasen được chế tạo dựa trên cơ sở của tàu ngầm hạt nhân lớp Akula và Alfa. Trước đây, Nga có kế hoạch đóng mới 30 chiếc Yasen, song giờ đây con số 7 - 8 chiếc được coi là mục tiêu thực tế hơn.
Đứa trẻ tập đi!
Nga đang muốn vượt lên trước với chương trình hiện đại hóa các tàu ngầm có từ thời Chiến tranh Lạnh nhằm sở hữu một số lượng đáng kể trong tương lai. Yasen được Nga xem là câu trả lời đối với các tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia của Mỹ.
Tuy nhiên, trang Chiến lược cho rằng những chiếc Virginia được thiết kế mới hơn trong khi Yasen là những nỗ lực của nga từ cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh (chiếc đầu tiên khởi công đóng mới từ năm 1993).
Chiếc Virginia đầu tiên của Mỹ được khởi công đóng mới vào năm 1999 và được đưa vào phục vụ từ năm 2004. Hiện Mỹ đang có 10 chiếc tàu ngầm loại này trong biên chế, 5 chiếc đang trong quá trình đóng và dự kiến sẽ đưa tổng cộng 30 chiếc vào phục vụ.
Tàu ngầm lớp Oscar của Nga
Theo trang Chiến lược của Mỹ, tàu ngầm Yasen vốn được coi là tiêu chuẩn mới đối với tàu ngầm hạt nhân của Nga, đã gặp trục trặc ngay khi đưa vào phục vụ.
Chiếc Yasen đầu tiên mang tên Severodvinsk phải mất thời gian tới 2 thập kỷ để hoàn thiện, sau đó thêm 6 tháng chạy thử để nghiệm thu trước khi được Hải quân Nga đưa vào biên chế hồi giữa năm 2014.
Severodvinsk cũng lập nhiều “kỷ lục” như phải chạy thử nghiệm trên biển trong suốt 2 năm. Nhưng trong thời gian này, thực tế Yasen cũng chỉ ra biển 30% thời gian thử nghiệm, tương đương 222 ngày. Đáng chú ý hơn là tàu chỉ nổi trong suốt quá trình chạy thử này.
Trải qua 5 lần bắn thử tên lửa hành trình, Severodvinsk vẫn tiếp tục bị trì hoãn đưa vào biên chế tới 2 lần trong năm 2013.
Trong quá trình chạy thử trên biển, người Nga phát hiện ra rằng lò phản ứng hạt nhân trên tàu không sản xuất đủ lượng điện cần thiết và tàu ồn hơn so với thiết kế.
Đây là hai nhược điểm mà Hải quân Nga không thể chấp nhận và họ yêu cầu nhà sản xuất phải khắc phục tất cả trước năm 2014.
Theo giải thích của chuyên gia Mỹ, khó khăn mà Nga gặp phải chính là vì vào những năm 1990 nước này thiếu lao động và tiền. Phần lớn những con người tốt nhất đã rời các hãng sản xuất tàu ngầm hạt nhân cũng như các cơ sở tương tự.
Những người ở lại với trình độ thấp hơn đã gây ra hàng loạt lỗi về thiết kế và chế tạo tàu ngầm Yasen.
Đầu năm 2011, thủy thủ đoàn của chiếc Yasen đầu tiên lái chiếc tàu của họ ra biển, hay nói đúng hơn là đi vòng quanh một bến cảng.
Các cuộc thử nghiệm trên biển được bắt đầu 3 tháng sau đó và chiếc Severodvinsk giống như một đưa trẻ bước những bước đi đầu tiên nhằm đảm bảo tất cả mọi thứ đều hoạt động.
Nga mất hơn 20 năm để đóng xong chiếc đầu tiên thuộc lớp Yasen
Tờ báo Mỹ cho rằng việc thử nghiệm ngay tại bến cảng cũng đã là một tiến bộ lớn. Sau đó, mọi việc lại bắt đầu “xuống dốc” khi hàng loạt lỗi bị phát hiện và nhiều lần thử nghiệm bị trì hoãn.
Trang Chiến lược của Mỹ nhận định ngành đóng tàu ngầm của Nga đã và đang tìm “đường sống” kể từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt vào năm 1991.
Rất nhiều tàu ngầm của Nga đang trong quá trình đóng vào cuối thời kỳ này bị hủy bỏ. Một vài chiếc tránh được số phận khi phải chờ đợi tới hàng thập kỷ và chờ đợi đến khi có đủ tiền để tiếp tục được hoàn thiện.
Thủy thủ đoàn của chiếc Yasen đầu tiên đã được tập hợp từ năm 2007, thế nhưng họ mất nhiều năm trời để huấn luyện rồi tiếp tục chờ đợi thêm nhiều năm nữa. Cuối cùng, thủy thủ đoàn này cũng có được chiếc tàu mới đưa vào phục vụ, nhưng sau rất nhiều trục trặc và trì hoãn.
Đánh giá quá cao?
Bài viết của trang Chiến lược xuất hiện sau khi cũng chính báo chí Mỹ cho đăng tải những ý kiến đánh giá rất cao tàu ngầm lớp Yasen của Nga.
Điển hình là tạp chí National Interest dẫn lời các chuyên gia và quan chức hải quân Mỹ cho rằng loại tàu ngầm này là “cơn ác mộng” đối với Hải quân Mỹ.
Theo bài viết của nhà phân tích Dave Majumdar trên National Interest, sau khi đưa vào biên chế năm 2014, chiếc tàu ngầm hạt nhân Severodvinsk Dự án 885 Yasen trở thành chiếc tàu ngầm uy lực nhất của Hải quân Nga.
Tàu ngầm tấn công lớp Virginia của Mỹ
Tàu Severodvinsk áp dụng nhiều công nghệ tự động hóa mà Liên Xô phát minh trong thập niên 1970 và 1980 để chế tạo tàu ngầm lớp Dự án 705 Lira, còn có tên gọi khác là lớp Alfa theo phân loại của NATO.
Severodvinsk dài gần 119 m, có lượng dãn nước 13.800 tấn. Thủy thủ đoàn chỉ gồm 32 sĩ quan và 58 binh sĩ hải quân.
Theo thông tin từ Hải quân Mỹ, Severodvinsk có thể đạt vận tốc tối đa 65 - 74 km/h. Nó cũng chạy êm hơn rất nhiều so với các tàu ngầm trước đây của Nga và có vận tốc tối đa khi hoạt động ở chế độ “êm” là khoảng 37 km/h.
Lò phản ứng hạt nhân trên tàu Severodvinsk cũng được thiết kế để có thể hoạt động ổn định trong suốt thời gian phục vụ của con tàu.
Phòng Tình báo Hải quân Mỹ (ONI) cho biết tàu ngầm Severodvinsk của Nga chạy êm hơn tàu ngầm Los Angeles cải tiến của Mỹ, dù chưa đạt đến độ yên lặng như tàu ngầm lớp Seawolf hay Virginia. Điều này là do công nghệ giảm ồn cho tàu ngầm Nga vẫn còn đi sau Mỹ.
Tàu ngầm lớp Seawolf của Mỹ
Theo chuyên gia Majumdar, những cải tiến đầy ấn tượng về hệ thống vũ khí, cảm biến và công nghệ động cơ giúp tàu ngầm lớp Yasen của Nga có khả năng ngang ngửa tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Seawolf của Mỹ.
Mặc dù vậy, khả năng phát hiện mục tiêu bằng thủy âm và cảm biến vẫn chưa thể sánh bằng.
Điều này đồng nghĩa với việc khả năng giành chiến thắng của Mỹ trong các cuộc đối đầu tàu ngầm trong lòng biển sẽ giảm đáng kể, bởi tàu Seawolf được thiết kế để đánh bại các tàu ngầm cũ hơn của Liên Xô như Akula hay Sierra.
Để có thể đối phó với những chiếc tàu ngầm lớp Yasen cải tiến có tốc độ nhanh, khả năng lặn cực sâu và được trang bị những tên lửa và vũ khí săn ngầm hiện đại, Mỹ cần phải sở hữu nhiều hơn nữa tàu ngầm lớp Seawolf.
Tuy nhiên, khó khăn của Hải quân Mỹ hiện nay là đang bị cắt giảm ngân sách.
Nhà phân tích Majumdar thậm chí còn cho rằng ngay cả tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ cũng có thể không phải là đối thủ của tàu ngầm lớp Yasen của Nga vì không thể lặn sâu và đạt tốc độ cao như tàu ngầm Yasen.