Xem các kỳ trước:
Kỳ 1: Ngày và đêm ở căn cứ "hổ mang chúa"
Kỳ 2: Cuộc xuất kích ban đêm của "hổ mang chúa"
Kỳ 3: Cuộc diễn tập không kích của "hổ mang chúa"
Kỳ 4: Những chuyện chưa kể về phi công tiêm kích
Kỳ 5: Những phút nghẹt thở cứu máy bay
Cực nhất là bay ngày. Từ chiều hôm trước, đội ngũ kỹ thuật phải “khám sức khỏe” cho máy bay. Nếu chuyến bay đầu tiên của phi công cất cánh lúc 6h sáng thì từ 3h30, đội ngũ kỹ thuật đã phải có mặt.
Mỗi máy bay có hẳn một tổ kỹ thuật với đầy đủ chuyên ngành: máy bay động cơ, thiết bị hàng không, vô tuyến điện tử, vũ khí hàng không và tác chiến điện tử.
Số hiệu máy bay cũng là tên của tổ kỹ thuật phụ trách. Cứ 3 máy bay lại có một tổng kỹ sư phụ trách.
Lặng lẽ trong đêm
Ở nơi đầu tiên của quân chủng được trang bị máy bay Su-30MK2 này, lực lượng kỹ thuật rất giỏi nghề. Vậy mà quản lý hàng trăm kỹ sư, kỹ thuật viên tay nghề cao ấy lại là hai gương mặt còn rất trẻ.
Đó là đại úy Nguyễn Đình Bình (đại đội trưởng đại đội 2), 33 tuổi và đại úy Trần Trung Thắng (đại đội trưởng đại đội 1), 31 tuổi. Anh em kỹ thuật vẫn hay đùa: không ai giàu như đại đội trưởng kỹ thuật.
Một chiến đấu cơ Su-30MK2 trị giá 60 triệu USD chưa kể vũ khí khí tài đi kèm. Tính ra đại đội trưởng nắm trong tay cả hàng trăm triệu USD!
5h40, trong khi chờ phi công ra để bay trinh sát khí tượng, hai kỹ thuật trưởng đã lên buồng lái thông điện để phi công ra là nổ máy ngay, không mất thời gian chờ.
Chỉ kỹ thuật trưởng mới được phép lên buồng lái. Khi phi công vừa bước vào buồng lái thì cùng lúc hai kỹ thuật trưởng đã theo sau, nhanh chóng giúp phi công thắt dây đai, đội mũ, cắm ống thở...
Kỹ thuật trưởng giơ tay ra hiệu cho phép máy bay lăn ra khỏi hangar. Su-30MK2 lao ra khỏi nhà để máy bay, để lại một luồng hơi nóng cuồn cuộn cùng mùi xăng dầu từ hai động cơ máy bay theo gió ập vào phía sau.
Khi máy bay về họ lại ào đến, mỗi người một việc, một vị trí: người dựng thang để phi công leo xuống, người thì kiểm tra lại thiết bị máy móc... trong khi một nhóm vây quanh phi công hỏi tình trạng của máy bay. Mọi hoạt động ở đây đã quá thuần thục, chuyên nghiệp đến từng giây.
“Điều chúng tôi quan tâm nhất từng ngày, từng chuyến bay là Su có hoạt động tốt không. Cho nên chúng tôi luôn chuẩn bị tốt nhất có thể, không cho phép xảy ra những lỗi do con người vì bất cẩn, vì chủ quan” - kỹ thuật trưởng Nguyễn Sĩ Phong nói.
Càng về trưa, nắng càng gay gắt. Không khí trong hangar dường như cũng căng thẳng hơn. Đi dọc hangar, chúng tôi bắt gặp những gương mặt túa mồ hôi, những chiếc áo ướt đẫm.
Khi các phi công họp bình giảng xong, đã về nhà ăn, ở ngoài hangar hàng trăm nhân viên kỹ thuật vẫn đang cặm cụi với máy bay đến 13h. Họ là người cuối cùng rời sân bay.
Hai kỹ thuật trưởng hỗ trợ phi công đeo dù thoát hiểm trên buồng lái - Ảnh: My Lăng
Những thợ máy siêu hạng
Trung đoàn 935 là nơi đầu tiên khai thác sử dụng Su-30MK2 nên trình độ, kinh nghiệm, tay nghề lực lượng kỹ thuật ở đây được đánh giá là hàng đầu trong quân chủng.
“Những năm gần đây nhiệm vụ của kỹ thuật 935 rất nặng nề. Trung đoàn 935 đã đào tạo kỹ thuật cho nhiều trung đoàn không quân.
Học viện Phòng không không quân, Trường Sĩ quan không quân ở Nha Trang cũng thường xuyên gửi học viên, giáo viên vào đây để được đào tạo chuyển loại” - thượng tá Lê Văn Hợi cho biết.
Nếu như ngoài hangar, kỹ thuật làm nhiệm vụ chuẩn bị máy bay thì phân xưởng máy bay động cơ được coi là trái tim của kỹ thuật trung đoàn vì tất cả mọi hỏng hóc nghiêm trọng đều đưa về xưởng.
Ở đây có những nhân vật cực giỏi, là niềm tự hào mỗi khi nhắc đến “kỹ thuật 935”.
Đó là thiếu tá Mai Doãn Chính - “từ điển sống”, nắm vững tất cả lý thuyết, hỏi bất kỳ sơ đồ nào, nguyên lý làm việc ra sao, hỏi các tham số nào cũng biết. Anh tự học tiếng Nga, giao tiếp tiếng Nga rất giỏi dù chưa đi Nga lần nào.
“Từ điển sống” còn dịch sách Nga cho anh em và đang tự học tiếng Anh. Những ngày nghỉ phân xưởng không làm việc, không cắt cử làm, anh lấy sách ra học, nghiên cứu trên máy tính.
Sự ham học và khả năng nhớ siêu phàm của anh khiến cán bộ các chuyên ngành rất nể phục.
Còn “bàn tay vàng” - kỹ thuật trưởng Nguyễn Văn Long là câu chuyện đặc biệt. Dù chỉ học trung cấp nhưng anh được tin tưởng giao nhiệm vụ quản lý trung đội máy bay động cơ.
Ngồi trên máy bay Long có thể nói chính xác, chi tiết về từng con ốc! Chỉ cần nghe tiếng động cơ, anh cũng đoán được “bệnh”.
“Đụng” trúng chỗ, bắt đúng bệnh nên kỹ thuật trưởng Nguyễn Văn Long được mệnh danh là “bàn tay vàng” của kỹ thuật 935. Anh là người có thể sửa tất cả các loại bơm trên động cơ của máy bay.
Trước đây, mỗi một đệm bơm nhiên liệu đi đại tu vài trăm nghìn USD mà phải đến các nhà máy của Bộ Quốc phòng hoặc gửi sang Nga sửa mất mấy tháng mới về tới Việt Nam. Anh mày mò và tự sửa được.
Trong nhiều năm qua, trung đoàn vẫn dùng thiết bị thế hệ cũ để kiểm tra các mạch điện tên lửa. Thiếu tá Nguyễn Tiến Long (trợ lý vũ khí hàng không) đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công thiết bị mới, tiết kiệm hơn 2/3 thời gian và độ chính xác tuyệt đối.
Đây không phải lần đầu tiên Việt Nam chế tạo thêm thiết bị cho tiêm kích đa năng Su-30MK2. Trước đó, thượng tá Lê Văn Tăng đã nghiên cứu, chế tạo thành công thiết bị kiểm tra hệ thống radar quang điện tử của “hổ mang chúa”.
Và ở “trái tim” của đội ngũ kỹ thuật trung đoàn 935, còn rất nhiều sáng kiến như thế.
Trung tá Đặng Xuân Vy, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn kỹ thuật, nói: “Chúng tôi mang cả tinh thần chiến đấu vào trong công việc hằng ngày: nhanh, chính xác, kịp thời.
Ngoài nhiệm vụ còn là cái tâm, là tình người vì công việc của chúng tôi gắn với tính mạng của phi công và tài sản của đất nước”.
Hai “Tuyến” ở 935
Hai vị thủ trưởng cao nhất của trung đoàn 935 - đại tá Nguyễn Xuân Tuyến (nguyên trung đoàn trưởng, hiện là sư đoàn phó sư đoàn 370) và đại tá Trần Trọng Tuyến (nguyên chính ủy trung đoàn, hiện là chủ nhiệm chính trị sư đoàn 370) vẫn được các phi công ngưỡng mộ.
Riêng về bay Su-30MK2, ở Việt Nam khó ai có thể vượt qua hai nhân vật này.
Đại tá Nguyễn Xuân Tuyến từng là một trong bốn người đầu tiên được đưa sang Nga học chuyển loại Su-30MK2. Hiện nay đại tá Nguyễn Xuân Tuyến là một trong những phi công quân sự có giờ bay tích lũy nhiều nhất (hơn 1.500 giờ bay), từng kinh qua 8 loại máy bay.
“Xem Xuân Tuyến bay biểu diễn, người Nga còn phải gật đầu bái phục” - đại tá phi công cấp 1 Trần Quốc Toản nói.
Còn với đại tá Trần Trọng Tuyến, được các phi công vừa ngưỡng mộ vừa tự hào bởi hiếm có phi công chiến đấu nào có được sự toàn diện như anh.
Phó phi đội trưởng phi đội 1 - trung tá Ngô Quốc Tiến cho biết: “Trọng Tuyến là người thầy kỳ cựu của sân bay Biên Hòa. Có rất nhiều bài bay cực khó, chỉ thấy mỗi anh bay.
Tôi vẫn đang “đòi” anh kèm mình bài bay ở độ cao cực thấp (đỉnh 1.200 m, đáy 200 m). Bài này rất khó. Phải là phi công toàn diện như Trọng Tuyến mới bay được”.