B&T MP9 - Hậu duệ mạnh mẽ của tiểu liên TMP

A.Vĩ |

Tiểu liên MP9 có kích thước nhỏ gọn và sức xuyên phá cao nhờ loại đạn 6,5 x 25 mm CBJ mà súng sử dụng.

Hậu duệ của tiểu liên TMP nổi tiếng

Vào đầu những năm 1990, công ty sản xuất vũ khí nổi tiếng Steyr Mannlicher đã phát triển một mẫu súng tiểu liên rút gọn có tên gọi Steyr TMP và bắt đầu sản xuất hàng loạt từ năm 1992. Với kích thước vô cùng nhỏ gọn của mình, TMP được xem là cầu nối giữa súng ngắn và súng tiểu liên.

Tuy nhiên đến năm 2002, súng bị dừng sản xuất vì vài lý do, một trong số đó là doanh số kém. Trước đó vào năm 2001, công ty Brügger & Thomet (B&T) của Thụy Sĩ đã mua lại bản quyền thiết kế khẩu súng này, với 19 sửa đổi, họ đã cho ra đời khẩu súng tiểu liên mới dựa trên TMP có tên gọi MP9.

Mẫu súng này được sản xuất để trang bị chủ yếu cho lực lượng cảnh sát cũng như quân đội của Thụy Sĩ.

Tiểu liên rút gọn TMP

Nhỏ gọn và hiệu quả

Phiên bản tiêu chuẩn của MP9 có khối lượng cơ bản 1,4 kg, chiều dài tối đa 523 mm và 303 mm khi gấp báng (độ dày tương ứng là là 45 mm và 56 mm).

So sánh với “tiền bối” TMP (khối lượng 1,3 kg, chiều dài 282 mm) thì MP9 lớn hơn một chút nhưng không đáng kể và vẫn đảm bảo kích thước nhỏ gọn của một khẩu súng tiểu liên.

Vì là một khẩu tiểu liên hiện đại nên hầu hết các thành phần của súng được làm bằng polymer cao phân tử để giảm trọng lượng, thép chỉ được gia cố vào một số chi tiết bên trong.

Điểm khác biệt dễ nhận ra của hai loại súng này chính là phần báng. Trong khi TMP không hề có báng súng thì MP9 sở hữu báng dạng thanh kim loại liền khối để tăng độ ổn định khi bắn.

Khi không sử dụng, báng có thể dễ dàng gấp lại bên thân phải để tiết kiệm không gian và súng cũng có thể bắn trong trạng thái báng đang gập.

Hình ảnh tháo rời của MP9 với 2 kiểu nòng dành cho đạn 9 mm Parabellum và đạn 6,5 mm CBJ

Phần thân polymer của súng chia làm hai phần chính: trên và dưới. Phần thân dưới đúc liền khối và gia cố chặt cùng với tay nắm chính, tay nắm phụ và một số chi tiết khác để giữ được sự chắc chắn. Phần thân trên chứa một số bộ phận bên trong của súng như nòng, lo xo đẩy…

Màu tiêu chuẩn của MP9 là đen, tuy nhiên nhà sản xuất cũng cung cấp lựa chọn các màu xanh lá đậm hoặc màu cát sa mạc để lựa chọn. Còn phiên bản màu xanh dương để bắn đạn phi sát thương chuyên dụng dùng trong huấn luyện.

Một ưu điểm khác so với TMP chính là hệ thống ray Picatinny giúp MP9 tương thích được với nhiều phụ kiện khác nhau.

MP9 có một đường ray chính ở phía trên và một đường ray phụ nhỏ hơn bên phía thân phải. Súng có thể tương thích với các loại kính ngắm khác nhau, thông dụng nhất là của Aimpoint và EOTech. Ray bên thân phải dùng để gắn đèn chỉ thị laser hoặc đèn pin chiến thuật.

MP9 với ống hãm thanh và kính ngắm Aimpoint CompM4

Một tùy chọn cấu hình khác của MP9 là thay thế tay nắm phụ cố định bằng một đường ray Picatinny bên dưới giúp súng tương thích với nhiều phụ kiện hơn.

MP9 sử dụng cơ chế giật ngắn, nòng xoay, nạp đạn bằng phản lực bắn giữ chậm (có hãm) như nhiều loại tiểu liên khác. Bên cạnh đó, súng có khả năng chọn chế độ bắn với hai chế độ tự động và bán tự động kiểu nhấn nút.

Chốt lên đạn của MP9 tương tự như dòng M16/M4 của Mỹ, người bắn sẽ lên đạn bằng cách móc tay và giật chốt phía sau.

Thoi nạp đạn đóng sẽ giúp cần lên đạn không bị giật lại phía sau khi bắn. Cò súng được thiết kế là khóa an toàn cấp 2 khi sử dụng loại cò đôi tương tự như dòng súng ngắn Glock của Áo. Thiết kế khóa an toàn này rất tiện lợi, yêu cầu lực nhấn ở cả 2 cò mới có thể bắn, tránh tình trạng cướp cò khi làm rơi.

Sức mạnh của đạn 6,5 x 25 mm CBJ trên MP9

Từ trái qua phải: đạn FN 5,7 x 28 mm FN, H&K 4,6 x 30 mm, 9 x 19 mm Parabellum và 3 mẫu đạn loại 6,5 x 25 mm CBJ

MP9 tương thích hai cỡ đạn chính là 9 x 19 mm Parabellum và 6,5 x 25 mm CBJ, phiên bản sử dụng đạn .45 ACP cũng đang được phát triển.

Loại đạn 9 mm Parabellum có ưu điểm là giá thành rẻ, dễ mua và phổ biến tại Mỹ và các nước châu Âu. Tuy nhiên nhược điểm chết người của loại đạn này chính là sức xuyên kém, đặc biệt đối với các mục tiêu sử dụng áo giáp, chỉ hiệu quả trong khoảng 50 m.

Trong khi đó, đối thủ chính của MP9 là khẩu MP7 của Đức, mẫu súng tiểu liên này sử dụng loại đạn 4,6 x 30 mm có sức xuyên tốt. Đầu đạn 4,6 mm của MP7 xuyên được áo giáp CRISAT ở khoảng cách 200 m.

Lỗ thủng trên trên tấm thép do đầu đạn 6,5 mm CBJ gây ra

Vì vậy, nhà sản xuất đã hướng tới việc sử dụng một cỡ đạn mạnh hơn. Nhà thiết kế Carl Bertil Johansson (CBJ) phát triển loại đạn tiểu liên 6,5 x 25 mm vào cuối năm 1990, thời điểm NATO mở cuộc thi chọn loại đạn mới dành cho súng phòng vệ cá nhân (PDW). Tuy nhiên đã không có mẫu đạn nào được chọn.

Lõi đầu đạn 6,5 mm CBJ được làm bằng vonfram rất cứng, cho độ xuyên phá cao. Sơ tốc đầu đạn đạt 730 m/s với nòng dài 127 mm (tối thiểu) và tăng lên đến 900 m/s với nòng có độ dài 305 mm.

Quỹ đạo của đầu đạn trên nòng 305 mm tương tự với đầu đạn 5,56 x 45 mm NATO, vẫn có khả năng xuyên giáp CRISAT sau khi đã bay quãng đường 300 m.

Phiên bản hiện đại hóa MP45 của MP9

Với nòng dài 150 mm của MP9, đầu đạn đạt sơ tốc 800 m/s, có khả năng xuyên giáp hiệu quả ở khoảng cách hơn 100 m. Súng thường sử dụng hộp tiếp đạn thẳng polymer bán trong suốt với sức chứa 15 viên (165 g) và 30 viên (290 g).

Ngoài phiên bản chính, MP9 còn có biến thể dành cho thị trường dân sự chỉ có chế độ bắn bán tự động. Phiên bản mới MP9-N và MP45 có thiết kế mới và chốt chọn chế độ bắn kiểu H&K (3 chế độ).

Lính bắn tỉa của lực lượng FSB Alpha với MP9

B&T cho biết họ bán khoảng 5 - 6 nghìn khẩu MP9 mỗi năm. Với các ưu điểm như nhỏ gọn, dễ sử dụng ngay cả khi bắn bằng một tay và sức xuyên phá cao của đầu đạn 6,5 mm CBJ, MP9 đã được các lực lượng đặc nhiệm Alpha của Nga, Không quân Hoàng gia Hà Lan hay Kopassus của Indonesia... lựa chọn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại