Theo thông tin chính thức từ Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng:
Vào lúc 11 giờ 45 phút ngày 16/4/2015, hai máy bay Su-22 của Trung đoàn 937, thuộc Sư đoàn 370 (Quân chủng PK-KQ) bay huấn luyện, bài bay công kích, bổ nhào, cơ động phức tạp, đường bay Phan Rang - Mũi Rinh, Phú Quý, Bình Thuận đã bị mất liên lạc với Sở Chỉ huy.
Ngay sau khi mất liên lạc, Sư đoàn Không quân 370 đã điều máy bay Mi-171 của Trung đoàn 917 tìm kiếm cứu nạn.
Chiếc trực thăng của Trung đoàn 917 tham gia tìm kiếm phi công mất tích là loại Mi-171 số hiệu 04.
Đây cũng là 1 trong 5 chiếc Mi-171 còn lại chuyên cho nhiệm vụ cứu hộ của Không quân Nhân dân Việt Nam (chiếc số 01 đã bị rơi trong vụ tai nạn máy bay tại Hòa Lạc). Ảnh tư liệu
Trực thăng Mi-171 được phát triển từ trực thăng vận tải Mi-8 nhưng được trang bị động cơ mạnh hơn và bố trí cạnh quạt đuôi ở bên trái thay vì bên phải như ở Mi-8. Những chiếc Mi-171 đóng vai trò quan trọng trong công tác cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn của Không quân Việt Nam.
Chiếc Mi-171 số hiệu 04 này cũng từng tham gia tìm kiếm chiếc máy bay mất tích MH370 của Malaysia Airlines. (Ảnh tư liệu)
Ngoài trực thăng Mi-171, Quân chủng Phòng Không không quân còn điều thêm 2 máy bay An-26 và CASA-212 tham gia tìm kiếm phi công và máy bay Su-22 bị rơi. Trong ảnh là chiếc An-26 số hiệu 286 từng tham gia tìm kiếm máy bay MH370. (Ảnh tư liệu)
An-26 với tầm bay tối đa 2.500km có thể giúp duy trì tìm kiếm trên không trong thời gian dài. Tuy không có khả năng bay treo 1 chỗ như trực thăng nhưng nếu phát hiện dấu vết thì An-26 có thể bắn pháo hiệu hoặc thả phao đánh dấu cho các lực lượng khác tiếp cận. (Ảnh tư liệu)
2 chiếc CASA 212 400 thuộc biên chế của Cảnh sát biển Việt Nam do Lữ đoàn Không quân 918 thuộc Quân chủng Phòng không Không quân quản lý sử dụng sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc tìm kiếm. (Ảnh tư liệu)
Điểm đặc biệt của CASA 212 400 là nó được trang bị hệ thống tuần thám biển MSS6000.
Với cảm biển SLAR hoặc FLIR, CASA 212 400 có thể giúp quan sát các vật thể lạ trên mặt biển một cách rõ ràng và chính xác hơn so với quan sát bằng mắt thường. 2 chiếc CASA 212 400 cũng từng tham gia tìm kiếm chiếc MH370. (Ảnh tư liệu)
Ngoài các máy bay của Quân chủng Phòng không - Không quân, các lực lượng như: biên phòng, cảnh sát biển, hải quân cũng triển khai tàu tìm kiếm ở khu vực máy bay rơi.
Sau nhiều giờ nỗ lực tìm kiếm 2 máy bay và tung tích 2 phi công, tối qua, công tác tìm kiếm cứu nạn đã tạm thời phải dừng lại do điều kiện thời tiết.
Mặc dù vậy, các tàu của biên phòng và hải quân vẫn túc trực tại vị trí nghi máy bay rơi cách đảo Phú Quý 8 hải lý về phía Bắc.
HIện bộ đội biên phòng tỉnh Bình Thuận đang được trang bị tàu cứu hộ BP 11.19.01 có công suất thiết kế gần 4.000 CV, chịu được sóng biển cấp 8. Tàu này đang được trang bị cho Trạm tìm kiếm cứu nạn Phú Quý. (Ảnh tư liệu)
Do vị trí nghi máy bay rơi gần đảo Phú Quý thuộc khu vực quản lý của vùng 4 Hải quân nên có thể các tàu hải quân tham gia tìm kiếm thuộc Bộ Tư lệnh vùng 4 hải quân. Trong ảnh là các tàu thuộc Lữ đoàn 162, vùng 4 hải quân. (Ảnh tư liệu)
Tới sáng nay (17/4), công tác tìm kiếm đã được nối lại.
Trao đổi với báo chí trong tối 16/4, Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn - Phó tư lệnh quân chủng Phòng không - Không cho biết:
Sáng 17/4, các máy bay của trung đoàn không quân 937 sẽ tiếp tục cất cánh từ sân bay quân sự Thành Sơn tại TP Phan Rang Tháp Chàm (Ninh Thuận) để tiếp tục phối hợp với các lực lượng tìm kiếm 2 chiếc máy bay Su-22 và hai phi công mất tích.
Thiếu tướng Tuấn khẳng định ưu tiên hàng đầu vẫn là tìm kiếm và cứu nạn các phi công đang mất tích.
Để mở rộng và khẩn trương cứu hộ, cứu nạn hai máy bay Su-22 mất liên lạc, lực lượng biên phòng cũng đã thông báo cho các tàu cá hoạt động gần khu vực máy bay gặp nạn nếu thấy các dấu vết bất thường sẽ khẩn trương thông báo lại qua hệ thống điện đàm I-com.