Ấn Độ thanh lý khinh hạm Godavari, Việt Nam có nên chớp cơ hội?

Ly Vy |

Việc mua lại những khinh hạm lớp Godavari của Ấn Độ sẽ giúp nhanh chóng tăng cường số lượng tàu mặt nước có uy lực mạnh cho Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Ngày 23/11 vừa qua, Hải quân Ấn Độ đã tổ chức lễ loại biên khinh hạm mang tên lửa dẫn đường lớp Godavari đầu tiên của mình, tàu INS Godavari (F20).

Khinh hạm INS Godavari được khởi đóng ngày 3/11/1978 tại Nhà máy đóng tàu Mazagon Dock Limited (MDL), hạ thủy ngày 15/5/1980 và chính thức vào biên chế ngày 10/12/1983.

Hai tàu còn lại thuộc lớp là chiếc INS Ganga (F22) và INS Gomati (F21) được tiếp nhận lần lượt vào ngày 30/12/1985 và 16/4/1988.


Khinh hạm INS Godavari (F20) khi còn hoạt động

Khinh hạm INS Godavari (F20) khi còn hoạt động

Trong buổi lễ loại biên tàu INS Godavari, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã ra thông cáo: "Là chiếc tàu đầu tiên được thiết kế và đóng trong nước, con tàu đã giới thiệu cho thế giới thấy một biểu tượng của việc gia tăng tiềm lực quân sự cũng như sự tự chủ của Ấn Độ".

Các khinh hạm lớp Godavari có chiều dài 126,5 m; rộng 14,5 m; chiều cao mạn 4,5 m; lượng giãn nước đầy tải 3.850 tấn; tốc độ di chuyển tối đa 28 hải lý/giờ, tầm hoạt động 4.500 hải lý (ở tốc độ 12 hải lý/giờ), thủy thủ đoàn 313 người.

Vũ khí trang bị của chiến hạm lớp Godavari, mà cụ thể ở đây là tàu INS Godavari gồm: 1 pháo Oto Melara 76/62 Super Rapid (nguyên bản tàu mang pháo AK-725 nòng đôi cỡ 57 mm), 4 pháo bắn nhanh AK-630M (thay cho 4 pháo AK-230 ban đầu).

Hỏa lực chống hạm đáng chú ý nhất của tàu chính là 4 tên lửa SS-N-2D Styx bố trí phía trước phần thượng tầng.

Về vũ khí phòng không, tàu được trang bị hệ thống tên lửa Barak do Israel chế tạo cùng radar EL/M-2221 STGR thay thế cho tổ hợp OSA-M nguyên bản. Các tên lửa Barak nằm trong ống phóng thẳng đứng ở giữa vị trí lắp đặt tên lửa Styx và phần thượng tầng.

Hỏa lực chống ngầm của tàu gồm 2 x 3 ống phóng ngư lôi cỡ 324 mm cùng sàn đáp và nhà chứa cho 2 trực thăng Sea King.


INS Godavari (F20) có lượng giãn nước lớn cùng hỏa lực khá mạnh

INS Godavari (F20) có lượng giãn nước lớn cùng hỏa lực khá mạnh

Việc Ấn Độ loại biên tàu INS Godavari cũng như có kế hoạch thanh lý 2 chiếc còn lại cùng lớp đã mở ra cơ hội để Việt Nam có thể sở hữu lớp tàu chiến này.

Thứ nhất: quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam nói chung và hợp tác quốc phòng giữa hai nước nói riêng có mối liên hệ mật thiết, sâu sắc.

Ấn Độ cũng thường xuyên giúp đỡ Việt Nam trong lĩnh vực quân sự, đơn cử là việc hỗ trợ linh kiện thay thế cho các tàu hộ vệ Petya, huấn luyện thủy thủ tàu ngầm, cung cấp gói tín dụng mua tàu tuần tra...

Thứ hai: các khinh hạm lớp Godavari sử dụng nền tảng vũ khí và công nghệ của Nga, Ấn Độ, Israel nên hoàn toàn thích hợp với yêu cầu sử dụng của Việt Nam.

Thứ ba: đội tàu mặt nước của Hải quân Việt Nam trong những năm qua đã được đầu tư mạnh cả về số lượng và chất lượng.

Tuy nhiên, do vùng biển phải quản lý rất rộng nên số lượng tàu hiện nay vẫn chưa đủ và việc mua hay tiếp nhận tàu chiến cũ sẽ là phương án bổ sung nhanh chóng cho đội tàu mặt nước của chúng ta.

Nhưng nếu tiếp nhận các tàu lớp Godavari từ Ấn Độ thì Việt Nam cần phải nâng cấp một số thiết bị cũng như vũ khí, mà đơn cử là 4 tên lửa chống hạm Styx.

Ấn Độ sau khi đóng thành công lớp Godavari đã cho ra đời khinh hạm Brahmaputra, đây là phiên bản nâng cấp, 4 tên lửa Styx đã được thay thế bằng 4 bệ phóng KT-184 với tổng cộng 16 tên lửa chống hạm Uran-E.

Nếu Việt Nam quyết định mua lại và hiện đại hóa theo cấu hình Brahmaputra sẽ mang lại sức sống mới cho con tàu, đủ năng lực để tác chiến trong tình hình hiện nay, đây là phương án rất đáng được cân nhắc một cách nghiêm túc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại