Ấn Độ nói không với tên lửa Israel cho siêu tăng Arjun

Dự án phát triển xe tăng Arjun Mk-2 của Ấn Độ tiếp tục gặp nhiều khó khăn sau khi loại tên lửa LAHAT của Israel không đáp ứng yêu cầu.

Chương trình phát triển xe tăng nội địa thế hệ mới Arjun Mk-2 của Ấn Độ đang gặp phải một trở ngại lớn, sau khi các bài kiểm tra cho thấy loại tên lửa chống tăng bắn từ nòng pháo của Israel không đáp ứng được các yêu cầu của quân đội.

Theo tờ Hindustan Times, tên lửa chống tăng dẫn đường laser LAHAT của Israel là rất quan trọng đối với chương trình phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực Arjun Mk-2, khi mà Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã chi ra hơn 6,6 tỷ Rs để mua 118 xe tăng loại này.

Arjun MK-2 - xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới của Ấn Độ.

Arjun Mk-2 - xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới của Ấn Độ.

Tuy nhiên, sự thất bại của tên lửa LAHAT được sản xuất bởi công ty Israeli Aerospace Industries của Israel sẽ tạo ra những vấn đề nghiêm trọng, cản trở tiến độ phát triển trong dự án xe tăng nội địa thế hệ mới của DRDO.

Trả lời trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Hindustan Times hôm 21/9, Giám đốc DRDO Avinash Chander nói rằng: "Tên lửa LAHAT không còn nằm trong kế hoạch phát triển của xe tăng Arjun Mk-2. Nó đã được loại bỏ, thay vào đó, DRDO đang làm việc trên một loại tên lửa chống tăng bắn qua ống phóng với hy vọng có thể được tích hợp trên pháo của xe tăng".

Ông Chander cũng tiết lộ rằng, tên lửa LAHAT được tuyên bố có tầm bắn hiệu quả 6.000 m, nhưng thực tế nó chỉ có thể tấn công mục tiêu hiệu quả trong cự li dưới 1.200 m và dĩ nhiên không đáp ứng được yêu cầu của Ấn Độ.

Tên lửa dẫn đường laser LAHAT của Israel chỉ có khả năng tấn công hiệu quả trong phạm vi dưới 1.200 m, khác xa so với lý thuyết là 6.000m.

Tên lửa dẫn đường laser LAHAT của Israel chỉ có khả năng tấn công hiệu quả trong phạm vi dưới 1.200 m, khác xa so với lý thuyết là 6.000 m.

Xe tăng Arjun Mk-2 được Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) của Ấn Độ phát triển dựa trên một biến thể nâng cấp của loại xe tăng Arjun Mk-1, với 119 xe tăng đã được đưa vào hoạt động trong quân đội. Trong đó, một trong những nâng cấp quan trọng nhất của xe tăng Arjun Mk-2 là có thể bắn được tên lửa qua nòng pháo.

Xe tăng Arjun Mk-2 được cho là có tới 80 điểm cải tiến mới so với xe tăng Arjun Mk-1, trong đó có trên 15 công nghệ được nâng cấp lớn như hỏa lực mạnh hơn, tích hợp giáp phản ứng nổ (ERA), hệ thống đối phó và cảnh báo laser tiên tiến, một lưỡi gạt mìn, một trạm vũ khí điều khiển từ xa, hệ thống định vị và hệ thống nhìn đêm tiên tiến.

Arjun Mk-2 được ca ngợi là xe tăng "nội địa" của Ấn Độ, nhưng thực tế, nó chỉ có 36 - 38% công nghệ do Ấn Độ tự phát triển (trong khi ở Arjun Mk-1 là 60%). Sở dĩ mức nội địa hóa trên xe tăng mới bị giảm đi bởi các yêu cầu cải tiến lớn đòi hỏi Ấn Độ phải chấp nhận nhập khẩu công nghệ.

Sau hơn 35 năm phát triển, Ấn Độ bắt đầu đưa vào trang bị loại xe tăng Arjun Mk-1 từ năm 2009. Tuy nhiên xe tăng này lại thường xuyên gặp các vấn đề về hệ thống điều khiển hỏa lực, hệ thống treo hay khả năng cơ động. Chính vì vậy, hiện nay các xe tăng T-72T-90 của Nga vẫn đóng vai trò nòng cốt trong lực lượng xe tăng của Ấn Độ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại