Dự án đã được chính thức khởi công xây dựng vào sáng 9/8, tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội.
Trên diện tích xây dựng 4,9 héc ta, trong tổng số diện tích giải phóng mặt bằng 7,6 ha;, dự án sẽ được triển khai nhiều hạng mục với số vốn đầu tư giai đoạn 1 là 700 tỷ đồng.
Cụ thể trụ sở của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam sẽ có bao gồm: Sở chỉ huy, nhà làm việc cơ quan, nhà ở trực cơ quan, nhà ăn, nhà khách, khu rèn luyện thể lực đa năng và cơ sở hạ tầng đồng bộ.
Dự án nhằm hướng tới đảm bảo cho cán bộ, chiến sĩ, quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển hoàn thành tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và thực thi pháp luật, bảo vệ an ninh, an toàn và hợp tác quốc tế.
Dự kiến công trình sẽ được khánh thành và đưa vào sử dụng trước tháng 12/2019.
Có thể thấy thời gian qua lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đã không ngừng được đầu tư nhằm củng cố thêm sức mạnh bảo vệ chủ quyền trên biển.
Cụ thể mới đây Tổng Công ty Sông Thu, Bộ Quốc phòng đã bàn giao 2 tàu đóng mới hiện đại là CSB 8002 và CSB 9004 cho Cảnh sát biển Việt Nam.
Tàu CSB 8002 là một trong những tàu hiện đại nhất hiện nay của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Đây lớp tàu đa năng đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn quốc tế.
Tàu có chức năng nhiệm vụ tuần tra bảo vệ chủ quyền biển đảo, thực thi pháp luật trên các vùng biển và thềm lục địa.
Tàu CSB 9004 là con tàu thứ tư trong loạt tàu kéo cứu hộ 3500 mã lực, thuộc loại hiện đại, lớn nhất, lần đầu tiên được đóng tại Việt Nam.
Vào đầu tháng 2/2015, lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đã tiếp nhận một tàu tuần tra đã qua sử dụng do Nhật Bản tặng mang tên Syokaku (đặt lại tên là CSB 6001), là chiếc tàu đầu tiên trong số ba tàu đã qua sử dụng mà nước này đã hứa tặng cho Việt Nam để nâng cao năng lực cho lực lượng Cảnh sát biển.
Về phía Mỹ cũng hứa viện trợ cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam nhiều tàu tuần tiễu. Hiện một số sĩ quan Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ về cách thức sử dụng các tàu này, để một thời gian nữa trở về nước có thể vận hành chúng một cách hiệu quả.
Đồng thời, phía Mỹ cũng trao cho Việt Nam các thiết bị và phụ tùng thay thế, hoặc hỗ trợ xây dựng các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng lớn.