64.000 sĩ quan TQ "nhịn lương" 1 năm mới đủ đóng 1 tàu Type 054A

Hải Vy |

Trong bài viết trên tạp chí Diplomat, chuyên gia phân tích Gabe Collins đã đưa ra ước tính về mức chi phí sản xuất của tàu hộ vệ tên lửa Type 054A Trung Quốc.

Chi phí sản xuất thực sự mà các nhà máy đóng tàu hải quân Trung Quốc đã bỏ ra để chế tạo các tàu chiến cỡ lớn là bao nhiêu?

Các nguồn tin Trung Quốc không tiết lộ chi phí sản xuất thực tế hay mức ước tính dùng để đóng các tàu chiến mặt nước và tàu ngầm. Vì vậy, dữ liệu quan trọng này do các chuyên gia phân tích bên ngoài đưa ra.

Theo chuyên gia phân tích Gabe Collins, xác định chi phí sản xuất tàu chiến giúp chúng ta hiểu rõ hơn nguồn ngân sách quốc phòng của Trung Quốc được phân bổ cho khí tài và vũ khí như thế nào.

Bài phân tích của chuyên gia Collines tập trung vào mẫu tàu hộ vệ Type 054A (NATO định danh: Giang Khải II) vì 3 lý do chính:

Thứ nhất, Type 054A là mẫu tàu chiến mặt nước chủ lực hiện đại, cỡ lớn, được sản xuất nhiều nhất của Trung Quốc.

Thứ hai, đây là loạt tàu đã được Trung Quốc sản xuất trong vài năm.

Thứ ba, Type 054A hiện là nền tảng của lực lượng tác chiến mặt nước Hải quân Trung Quốc (PLAN), đồng thời nó đã và sẽ còn trải qua các đợt triển khai kéo dài.

Theo ước tính của chuyên gia Collins, Type 054A hiện có tổng chi phí rơi vào khoảng 348 triệu USD/1 tàu.

Số tiền này được tính dựa theo mức chi phí tương đối của các hệ thống chính trên tàu (như thân tàu, các thiết bị cơ bản, hệ thống động cơ đẩy, vũ khí, thiết bị điện tử) và chi phí cho nhân công lắp ráp các bộ phận thành một sản phẩm hoàn chỉnh.

Trong đó, thiết bị điện tử chiếm khoảng 102 triệu USD (29% tổng chi phí).

Hệ thống dữ liệu tác chiến ZKJ-4B/6 của Type 054A được cho là dựa trên hệ thống Tavitac của Tập đoàn Thomson CSF (sau này là Thales Group).

Trong cuốn sách “The Naval Institute Guide to World Naval Weapon Systems" của nhà phân tích hải quân Norman Friedman xuất bản năm 1997, tác giả tính toán rằng hệ thống Tavitac có giá khoảng 20 triệu USD.

Do có những đặc điểm tương tự nên ZKJ-4B/6 được cho là có giá thành tương đương.

Radar tìm kiếm Type 382 3D trên Type 054A có giá xấp xỉ 15 triệu USD/chiếc, dựa theo giá của hệ thống radar AMD mà hãng Saab cung cấp cho các tàu đổ bộ lớp Canberra của Australia.

Hệ thống sonar của Type 054A được định giá khoảng 20 triệu USD. Bên cạnh đó, nhà sản xuất cũng bỏ ra khoảng 15 triệu USD cho hệ thống điều khiển máy móc.

Tiếp đó, Trung Quốc sẽ phải đầu tư khoảng 84 triệu USD cho các loại vũ khí trên tàu (24% tổng chi phí).

Đắt nhất trong số vũ khí trang bị trên Type 054A là các ống phóng thẳng đứng.

Hệ thống ống phóng thẳng đứng trên tàu Type 054A. Ảnh: Naval Technology

Hệ thống ống phóng thẳng đứng trên tàu Type 054A. Ảnh: Naval Technology

Cụm ống phóng (với 8 ống) Mk 41 của Mỹ có giá vào khoảng 15 triệu USD. Trong khi đó, Type 054A có tới 32 ống phóng thẳng đứng. Nếu giảm bớt giá 1 cụm ống phóng xuống còn 10 triệu USD thì hệ thống ống phóng thẳng đứng trên Type 054A sẽ có giá 40 triệu USD.

Tiếp đó, 2 hệ thống phòng thủ tầm gần (CIWS) Type 730 có giá vào khoảng 11 triệu USD. Đây là loại vũ khí đắt thứ hai trên Type 054A.

Chi phí dành cho thân tàu và thiết bị vào khoảng 45 triệu USD (13% tổng chi phí), động cơ đẩy 32 triệu USD (9% tổng chi phí), nhân công 75 triệu USD (22% tổng chi phí).

Ngoài ra, nhà sản xuất sẽ phải dành khoảng 10 triệu USD (3%) cho các chi phí khác.

Theo chuyên gia Collins, nếu chi phí thực sự của Type 054A là 348 triệu USD và nhà máy đóng tàu được phép thu về 5% “lợi nhuận” thì khi đến tay PLAN, con tàu này sẽ có giá khoảng 365 triệu USD.

Số tiền này có thể mua được:

- 13 chiến đấu cơ J-10;

- 10 chiến đấu cơ Su-30K;

- 177,5 gallon nhiên liệu máy bay để phục vụ huấn luyện. Lượng nhiên liệu này đủ để mỗi chiếc (trong tổng số 90 chiếc) Su-30 của Trung Quốc nạp đầy 600 lần.

Số tiền đầu tư cho 1 tàu Type 054A cũng đủ để trả lương cho khoảng 64.000 sĩ quan cấp dưới của quân đội Trung Quốc trong 1 năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại