Được thành lập dưới thời nhà Minh, Cẩm Y Vệ từng là cơ quan đặc vụ chỉ nghe lệnh của Hoàng đế.
Trải qua thời gian, số lượng của đội ngũ tình báo đặc thù này càng không ngừng gia tăng và lớn mạnh. Tới thời vua Gia Tĩnh, quân số của Cẩm Y Vệ đã đạt tới trên dưới 15 vạn người.
Từ số lượng khổng lồ kể trên, hậu thế không khó để tưởng tượng mạng lưới của tổ chức này đã từng trải rộng khắp nơi trên lãnh thổ Đại Minh thới bấy giờ.
Thế nhưng thế lực từng được ví như "hộ mệnh" của các Hoàng đế nhà Minh lại nhanh chóng biến mất khỏi lịch sử sau khi vương triều này rớt đài.
Vậy đâu là lý do khiến một tổ chức khét tiếng như Cẩm Y Vệ lại dễ dàng "bốc hơi" sau khi giang sơn chỉ vừa mới đổi chủ?
Tổ chức từng gây nên nỗi ám ảnh của quan lại dưới thời nhà Minh
Cẩm Y Vệ là một cơ quan đặc thù của Minh triều do Hoàng đế trực tiếp khống chế và điều khiển. Họ có thể coi là những người sở hữu quyền lực dưới một người, trên vạn người.
Theo các tài liệu lịch sử ghi lại, chức trách chủ yếu của đội ngũ Cẩm Y Vệ là thu thập những thông tin tình báo để báo cáo cho Hoàng đế về động thái của quần thần.
Từ chức trách chuyên môn quan trọng này, sẽ không hề quá lời khi nói rằng Cẩm Y Vệ chính là đội ngũ nắm trong tay quyền sinh quyền sát của cả thiên hạ.
Bởi chỉ cần nhận được một chỉ thị từ Hoàng đế, đội ngũ này sẽ thẳng tay diệt trừ những đối tượng bị nhà vua cho vào tầm ngắm.
Cẩm Y Vệ được mệnh danh là "triều đình ưng khuyển" (chó săn triều đình) với nhiệm vụ chủ yếu là thăm dò, giám sát hoạt động của quan lại. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Vào thời nhà Minh, không ít quan văn thậm chí còn e dè trước Cẩm Y Vệ hơn cả Hoàng đế.
Nguyên nhân là bởi nhà vua có thể ít nhiều sẽ nghe họ giải thích, như vậy ít nhiều còn có cơ hội sống, thế nhưng một khi bị Cẩm Y Vệ "nắm thóp" và tấu trình lên trên thì họ không những không có cơ hội biện bạch mà còn dễ dàng bị mất mạng lúc nào không hay.
Trong khi đó, nếu người của Cẩm Y Vệ lỡ tay giết nhầm người, họ cùng lắm chỉ bị Hoàng đế xếp vào tội "làm việc không tận lực". Tội danh này vốn dĩ không nguy hiểm đến tính mạng của họ, còn người bị giết nhầm thì hiển nhiên chịu thiệt.
Chính vì vậy, hầu hết các quan viên thời bấy giờ luôn giữ thái độ kính sợ có thừa đối với người trong hàng ngũ Cẩm Y Vệ.
Minh triều rớt đài và sự biến mất bí ẩn của tổ chức Cẩm Y Vệ
Tuy nhiên sau khi Minh triều diệt vong, tổ chức khổng lồ và đắc lực này cũng đột nhiên biến mất. Liệu đâu là lý do khiến tung tích của Cẩm Y Vệ lại nhanh chóng "bốc hơi" khỏi lịch sử như vậy?
Theo sử liệu ghi lại, người chỉ huy cuối cùng của tổ chức này chính là Đô đốc Lạc Dưỡng Tính. Dưới thời Sùng Trinh tại vị, đây từng là nhân vật rất được Hoàng đế tín nhiệm.
Không chỉ được mệnh danh là "chó săn triều đình", Cẩm Y Vệ cũng giữ vai trò như cận vệ thân tín của vua Minh và được ví như lực lượng "hộ mạng" cho các Hoàng đế thuộc vương triều này. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Lạc Dưỡng Tính (? – 1649), tự Thái Hòa, người đất Gia Ngư, là con trai của Chỉ huy sứ Cẩm Y Vệ Lạc Tự Cung và cũng là người giữ chức Đô đốc của đội ngũ này vào giai đoạn cuối thời nhà Minh.
Khi Sùng Trinh còn tại vị, Lạc Dưỡng Tính từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong hàng ngũ Cẩm Y Vệ như Đô đốc, Đo chỉ huy sứ…
Hậu thế đều biết, vị vua cuối cùng của nhà Minh là Sùng Trinh vốn nổi tiếng với tính đa nghi. Tuy nhiên ông lại sẵn sàng đem tổ chức quan trọng của mình giao vào tay một người như Lạc Dưỡng Tính, điều đó cho thấy nhà vua vô cùng tín nhiệm và tin tưởng nhân vật này.
Chỉ tiếc rằng, người hiếm hoi nhận được sự tín nhiệm của Sùng Trinh lại dễ dàng lựa chọn con đường bán nước cầu vinh.
Năm xưa khi Lý Tự Thành vây hãm Bắc Kinh, người đảm nhiệm chức trách canh phòng kinh thành là Lạc Dưỡng Tính từng lựa chọn đầu hàng.
Vào thời điểm Đa Nhĩ Cổn tiến vào kinh, vị chỉ huy Cẩm Y Vệ này lại quyết định hàng Thanh, mở cửa thành nghênh đón quân địch.
Thấy chỉ huy lại quyết định đầu hàng, quân Cẩm Y Vệ như rắn mất đầu, lũ lượt kéo ra hàng Thanh.
Mặc dù từng sở hữu quân số vô cùng đông đảo, tuy nhiên trên dưới Cẩm Y Vệ chỉ có duy nhất một người tình nguyện chiến đấu chống Thanh và bị chết trận. Tổ chức đặc vụ khét tiếng một thời của Minh triều cũng bởi vậy mà nhanh chóng tan rã.
Cẩm Y Vệ giải tán sau khi nhà Minh sụp đổ bởi cuộc tấn công của Sấm vương Lý Tự Thành và nhà Thanh. (Hình minh họa: Nguồn Internet).
Sau khi ra hàng, chỉ huy Cẩm Y Vệ năm xưa là Lạc Dưỡng Tính được triều đình mới phong cho chức Tả đô đốc. Thế nhưng kẻ bán nước cầu vinh này thực tế cũng không đắc ý được bao lâu.
Ngay tháng 10 năm quân Thanh tiến vào kinh thành, Lạc Dưỡng Tính vì tự tiện nghênh đón sứ giả Nam Minh nên đã bị cách chức và tiến hành điều tra.
Tới năm Thuận Trị thứ 6, Lạc Dưỡng Tính một lần nữa lấy lại sự tín nhiệm và được bổ nhiệm làm Chưởng ấn Đô ti Chiết Giang, tuy nhiên đương chức không được bao lâu đã qua đời.
Vào thời điểm chỉ huy Lạc Dưỡng Tính đầu hàng theo giặc, đại đa số quân sĩ của Cẩm Y Vệ cũng lựa chọn con đường bán nước cầu vinh.
Đó là lý do chủ chốt khiến một tổ chức hùng mạnh từng hô mưa gọi gió dưới thời nhà Minh lại dễ dàng biến mất không một dấu vết khi vương triều này mới "rớt đài" trên đất Trung Hoa.
*Theo KKNews.