Quân Pháp từng bị Đức đánh bại vì lý do quá đơn giản

Đức Anh |

Áp dụng chiến thuật phòng ngự từ thời Thế chiến I, chủ quan, khinh địch là những nguyên nhân khiến cường quốc Pháp dễ dàng bị Đức quốc xã đánh bại chỉ trong vài tuần.

Tháng 5/1940, quân đội Đức quốc xã phát động chiến dịch tấn công chớp nhoáng vào nước Pháp và chỉ trong vài tuần đã tiêu diệt quân đội kết hợp của Pháp và Anh. Thất bại nhanh chóng được quy cho sự hỗn loạn của Bộ Tư lệnh tối cao Pháp khi dùng chiến thuật từ Thế chiến I để chống lại chiến thuật cơ động và vũ khí mới của Đức quốc xã.

Trước sự sụp đổ dễ dàng của lực lượng vũ trang Pháp năm 1940, rất khó có thể tưởng tượng rằng đến trước thời điểm đó, họ được công nhận là "bậc thầy quân sự" của châu Âu. Pháp từng đánh bại Đức trong Thế chiến I, áp đặt hiệp ước Versailles đối với Berlin.

Trong thập kỷ đầu tiên sau Thế chiến I, quân đội Đức có quân số hạn chế, không quá 100.000 người, không có xe bọc thép và chỉ có 100 máy bay tìm kiếm và cứu hộ. Trong khi đó, Pháp đã xây dựng lại lực lượng vũ trang và năm 1930 đã bắt tay thực hiện quá trình hiện đại hóa lớn, cơ giới hóa nhiều sư đoàn bộ binh và bắt đầu hình thành các đơn vị thiết giáp.

Học thuyết lỗi thời

Để ngăn chặn cuộc tấn công khác của Đức vào nước Pháp, Paris đã xây dựng học thuyết quân sự tập trung vào phòng thủ. Mục đích là để đẩy lui bất kỳ cuộc xâm lược nào và một khi kẻ thù đã suy yếu sẽ chuyển sang thế trận tấn công.

Để phục vụ cho học thuyết này, Pháp tập trung xây dựng phòng tuyến Maginot đặc trưng bởi các công sự bê tông trải dài khắp biên giới, bảo vệ nước Pháp và các nước láng giềng phía Tây.

Quân Pháp từng bị Đức đánh bại vì lý do quá đơn giản - Ảnh 1.

Người Pháp quá chủ quan khi tin tưởng vào phòng tuyến Maginot.

Các quan chức Bộ Tư lệnh tối cao Pháp, đặc biệt là Chỉ huy Quân đoàn số 2 của Pháp - tướng Charles Huntziger, rất tự tin vào học thuyết của nước này và cho rằng hệ thống phòng thủ có thể chống lại bất kỳ cuộc tấn công nào của Đức.

Tháng 3/1940, 2 tháng trước cuộc tập kích bất ngờ của Đức quốc xã, Pierre-Charles Taittinger, thành viên Ủy ban Quân đội của Nghị viện, dẫn đầu đoàn đại biểu Nghị viện Pháp kiểm tra công tác phòng thủ tại Sedan, thuộc tỉnh Ardennes - khu vực phòng thủ do tướng Charles Huntziger chịu trách nhiệm.

Ông Taittinger cảnh báo rằng hệ thống phòng thủ ở khu vực này quá thô sơ và dự đoán người Đức có thể tấn công vào đó. Tuy nhiên, tướng Huntziger đã bác bỏ hoàn toàn cảnh báo này.

Ngày 9/5, 24 giờ trước cuộc tấn công, tướng Huntziger nói với binh sĩ của ông: "Sự chuẩn bị của người Đức mà bạn quan sát thấy chỉ là cuộc tập trận. Người Đức không đủ điên để liều lĩnh đối mặt với 27 sư đoàn Bỉ".

Mắc bẫy quân Đức

Trước tháng 5/1940, lực lượng phối hợp Anh, Pháp có nhiều hơn Đức gần 1.000 xe tăng. Xe tăng Pháp có giáp tốt hơn và họ còn có lực lượng pháo binh mạnh mẽ hơn. Pháp cũng là quốc gia dẫn đầu toàn cầu, được công nhận về sức mạnh pháo binh và có lợi thế đáng kể trước Đức ở mặt này.

Pháp vội vàng điều động số lượng lớn các sư đoàn bộ binh qua biên giới Bỉ để đẩy lùi quân đội Đức càng xa càng tốt. Họ tin rằng,địa hình rừng núi trong dãy Ardennes sẽ loại trừ việc đối phương sử dụng tăng thiết giáp. Cùng với tuyến phòng thủ Maginot, lực lương cơ động nhanh có thể bảo vệ khu vực tiền tuyến ở đó.

Song, người Đức đã lựa chọn chiến thuật ngược lại những gì Pháp dự kiến.

Đức điều động số lượng lớn bộ binh và các đơn vị cơ giới vào Bỉ và Ba Lan, làm cho liên minh Pháp-Anh tin rằng tin tức tình báo của họ về cuộc tấn công chính ở phía Bắc là chính xác. Trong khi đó, cuộc tấn công chính của Đức lại xa hơn về phía Nam, trong khu vực Ardennes với phần lớn các đơn vị Panzer của họ.

Mục tiêu chính của lực lượng thiết giáp Đức là vượt qua sông Meuse ở Sedan, bên trong nước Pháp. Chỉ huy lực lượng đột kích mũi nhọn là trung tá Hermann Balck - một trong những chỉ huy giàu thành tích nhất cuộc chiến.

Quân Pháp từng bị Đức đánh bại vì lý do quá đơn giản - Ảnh 2.

Sư đoàn thiết giáp Panzer số 1 vượt sông Meuse trong sự bất lực của Pháp.

Balck được giao nhiệm vụ chỉ huy trung đoàn súng trường số 1, thuộc sư đoàn Panzer 1 vượt sông Meuse, gần Sedan.

Người Pháp đã chuẩn bị để bảo vệ sông Meuse trong nhiều năm nhưng nỗ lực của họ gần như vô nghĩa. Tháng 9/1939, quân đội Đức quốc xã áp dụng chiến thuật tấn công chớp nhoáng bằng bộ binh cơ giới trong cuộc xâm lược Ba Lan.

Phát xít Đức đã đánh bại quân đội Ba Lan chỉ trong 4 tuần, sử dụng kết hợp bộ binh cơ động nhanh, hỏa lực bọc thép và các cuộc tập kích đường không đáng sợ bằng máy bay ném bom bổ nhào Junkers Ju 87, làm tê liệt sự kháng cự của quân đội Ba Lan.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Pháp tiếp tục tin rằng hệ thống phòng thủ và kế hoạch của họ sẽ thành công.

Là một phần của sư đoàn Panzer số 1, trung đoàn súng trường số 1 do Balck chỉ huy đã được lựa chọn để bảo vệ tuyến đầu và phân chia lãnh thổ đối phương.

Rạng sáng ngày 10/5/1940, sau khi cơ động nhanh, đơn vị của Balck tiếp cận sông Meuse bên ngoài Sedan. 2 ngày sau, sáng sớm ngày 13/5, pháo binh Pháp bắn phá dữ dội.

Theo hồi ký của Balck, cuộc bắn phá của Pháp rất khốc liệt và ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần của binh sĩ:

"Tôi đã yêu cầu cuộc tập kích của máy bay Ju 87 vào vị trí pháo binh Pháp và đã phát huy hiệu quả. Pháo binh Pháp sau đó đã im lặng và tâm trạng của binh lính chúng tôi đã vui sướng trở lại".

Tuy nhiên, những cảm xúc tích cực không kéo dài khi Balck ra lệnh cho binh lính tấn công vào các công sự bê tông cốt thép của Pháp. Cuộc tấn công bắt đầu mất dần sức mạnh, các binh sĩ trở nên đuối sức.

Ở thời điểm đó, Balck có hai lựa chọn, một là rút lui chiến thuật sau đó tấn công trở lại với binh lính tăng cường, hai là tiếp tục tiến lên và đối mặt với nguy cơ thất bại.

"Những gì đạt được dễ dàng ngày hôm nay có thể tổn thất rất nhiều xương máu vào ngày mai. Tôi bước ra một khoảng trống, suy nghĩ về điều đó và thực hiện một quyết định.

Chúng tôi đã tiến thêm 10 km vào lãnh thổ kẻ thù. Braune-Krikau - Sĩ quan phụ tá đã nói với tôi rằng 'Thưa chỉ huy điều đó có thể khiến trung đoàn bị hủy diệt'.

'Không' - tôi trả lời, nó sẽ dẫn đến sự hủy diệt của người Pháp" và sau đó, điều mà Balck nói đã được chứng minh.

Cuộc kháng cự của quân Pháp cuối cùng bị phá vỡ và cửa sông Meuse được khai thông. Balck được thăng cấp chỉ huy lữ đoàn xe tăng vào ngày hôm sau và cuộc chiến tiếp tục tới bờ biển Channel.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại