Quân NATO mất bao lâu để tới biên giới Nga?

Bảo Lam |

Theo các chuyên gia Nga, bất chấp việc ồ ạt chuyển vũ khí trang bị tới các nước Đông Âu thì lực lượng của NATO trong khu vực ít tới mức không thể coi là mối đe dọa nghiêm trọng.

Mất bao lâu thì NATO đến được biên giới với Nga?

Các nước vùng Baltic đã ký thỏa thuận về việc nhanh chóng điều động các đơn vị của NATO.

Các nước vùng Baltic có thể tiếp nhận những đơn vị phản ứng nhanh của NATO trong vòng 1 ngày đêm. Thỏa thuận nay đã được bộ trưởng quốc phòng các nước Latvi, Litva và Estonia ký kết hôm thứ tư, ngày 16/2/2017.

Từ giờ, các lực lượng của Khối có thể điều tới khu vực biên giới với Nga mà không gặp phải bất cứ cản trở nào về thủ tục hành chính. Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia Nga, lực lượng quân sự của NATO trong khu vực ít tới mức không thể coi là mối đe dọa nghiêm trọng.

Bộ trưởng quốc phòng các nước Baltic đã ký kết thỏa thuận chính trị về việc điều động các đơn vị của NATO một cách nhanh chóng và đơn giản hóa tại Latvi, Litva và Estonia. Văn bản này được ký hôm thứ tư vừa qua tại trụ sở đại diện của Estonia tại Brussels.

Quân NATO mất bao lâu để tới biên giới Nga? - Ảnh 1.

"Văn bản chung này nhằm đạt được tính pháp lý để tiếp nhận các đơn vị phản ứng nhanh của NATO trong vòng 24 giờ và các đơn vị đóng quân tạm thời trong vòng 48 giờ vào tháng 6 tới", bộ trưởng quốc phòng Estonia Margus Tzakhkna tuyên bố.

Theo lời của ông, thỏa thuận này là cần thiết để trong trường phải điều động nhanh chóng các đơn vị của Khối NATO thì "thủ tục hành chính rườm rà và biên giới sẽ không gây ra những khó khăn".

Theo phó giám đốc Viện phân tích chính trị và quân sự (Nga), ông Alexandr Khramchikhin chia sẻ với phóng viên trang thông tin điện tử gazeta.ru, văn bản này mang tính kỹ thuật. Theo lời ông, các nước Baltic đã tham gia Khối được 13 năm, và bây giờ là lúc phải thực hiện đúng những gì được coi là lý do để họ có mặt trong NATO.

"Tại Latvi, Litva và Estonia chưa bao giờ có các căn cứ của NATO, toàn bộ hạ tầng ở khu vực đó chưa sẵn sàng cho điều này. Có nghĩa là nếu bây giờ cần điều động các đơn vị tới những quốc gia vùng Baltic để phản ứng nhanh trước mối hiểm họa từ phía Nga, thì họ không có khả năng tiếp nhận những đơn vị đó.

Sẵn sàng đối đấu?

Trước đây mọi thứ đều ở mức độ lý thuyết. Có thể thấy rằng, từ nay, người ta sẽ phát triển hạ tầng cần thiết. Có nghĩa là quy trình này sẽ được kích hoạt", ông Khramchikin giải thích.

Bên cạnh đó, chuyên gia này cho biết rằng, các đơn vị phản ứng nhanh là những lực lượng rất không đáng kể: Đó là các tiểu đoàn, mà vài nghìn binh lính không thể bảo vệ ai đó khỏi "mối đe dọa từ Nga".

Hồi tháng 9 năm ngoái, tờ báo The Wall Street Journal đưa tin rằng trong năm 2017 các đơn vị của NATO với tổng quân số lên tới 4 nghìn người sẽ được triển khai ở khu vực cận Baltic để kiềm chế "sự khiêu khích" của Nga trong khu vực.

"Các đơn vị này sẽ phải là phương tiện để hăm họa và nếu cần, để triển khai các hành động quân sự. Bởi vậy, những quy định để triển khai các đơn vị này sẽ khác biệt", người đứng đầu tiểu ban quân sự của NATO, tướng người Séc Petr Pavl từng tuyên bố.

Một tháng sau, bộ trưởng quốc phòng Latvi Raymonds Bergmanis chia sẻ trong cuộc trả lời phỏng vấn của "gazeta.ru" rằng, hiện nay vẫn chưa có hạ tầng phù hợp để làm điều đó, nhưng đã cấp đất để triển khai.

"Chúng tôi đã xem xét lại các kế hoạch của mình và phân bổ lại các nguồn lực vào việc giải quyết những nhiệm vụ mới. Trước tiên, đó là thiết lập hạ tầng cơ sở mới. Nó vẫn cần cho các lực lượng vũ trang của chúng tôi.

Có nghĩa là vào thời điểm hiện nay, những nhiệm vụ triển khai các tiểu đoàn của NATO và các nhiệm vụ về hạ tầng cơ sở nội bộ của chúng tôi đang trùng khớp với nhau", ông Bergmanis chia sẻ.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, các tiểu đoàn của NATO trước tiên sẽ là những đơn vị sẵn sàng chiến đấu. Và đó là sự thay đổi đáng kể, bởi vì hiện nay những nhóm của các lực lượng vũ trang NATO được triển khai ở Latvi hoàn toàn trên cơ sở khác.

Quân NATO mất bao lâu để tới biên giới Nga? - Ảnh 2.

"Chúng tôi, lấy ví dụ, huấn luyện cùng nhau", Bộ trưởng Latvi giải thích. Cũng theo lời ông, so sánh những khả năng chiến đấu của Latvi và Nga là điều vô nghĩa.

"Không nên so sánh một tiểu đoàn với sư đoàn lính dù số 76 của Nga mà đang đóng quân ở phía bên kia biên giới. Tất cả những điều này giống như sự cân bằng lực lượng không tương quan ở thời kỳ chia cắt Đông và Tây Berlin", ông Bergmanis cho biết.

Theo ý kiến của ông, cần phải xem xét khả năng kiềm chế và phòng vệ của Latvi trong tổng thể khả năng kiềm chế và phòng vệ của NATO.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng Latvi nhấn mạnh rằng, sự quan tâm của Khối không chỉ dừng lại ở các nước Baltic và Ba Lan. Đó chỉ là một phần của chiến lược tổng thể.

Theo ông, những đơn vị tương tự có thể xuất hiện ở bất cứ quốc gia thành viên nào của Khối, từ Bồ Đào Nha cho tới Canada và Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ trưởng Bergmanis cũng nhắc nhở rằng, NATO nhiều lần kêu gọi đối thoại với Nga, và "cánh cửa hợp tác" luôn mở cho tới nay.

Theo ý kiến của ông, cần phải làm sao để giữ lại các kênh liên lạc giữa các bên, tối thiểu, để ngăn ngừa những sự cố nguy hiểm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại